Những doanh nhân nổi tiếng tuổi Dần

Khanh Lê 04/02/2022 09:00

Ở Việt Nam có nhiều doanh nhân tuổi Dần đã và đang đóng góp công sức vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông tin của một số người nổi tiếng sinh năm Nhâm Dần.

Ông Đoàn Nguyên Đức.

Doanh nhân phố Núi và trái bóng tròn

Đoàn Nguyên Đức - sinh năm Nhâm Dần - 1962, quê tại Bình Định. Ông được biết đến là một ông bầu có duyên trong làng bóng đá đồng thời cũng là một doanh nhân thành đạt qua thương hiệu nổi tiếng Hoàng Anh Gia Lai.

Từ hai bàn tay trắng, “bầu” Đức đã xây dựng Hoàng Anh Gia Lai trở thành một “đế chế” đa ngành với tổng tài sản hàng tỷ USD cách đây 10 năm trước. Tại thời điểm mà ít có tập đoàn kinh tế tư nhân nào trong nước có được tên tuổi và quy mô lớn như Hoàng Anh Gia Lai.

Được biết đến là một doanh nhân có tình yêu mãnh liệt với trái bóng tròn, năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức thành lập nên Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - JMG. Đây là nơi đã sản sinh ra nhiều tài năng cho bóng đá Việt Nam.

Năm 2008 và 2009, ông Đức liên tiếp xếp ở vị trí thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam.

Năm 2011, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á. Ông cũng từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008.

Tính cách khẳng khái của con người Tây Nguyên nắng gió cùng với gốc gác hào sảng của đất võ Bình Định thể hiện rất rõ cả trong cuộc đời lẫn sự nghiệp của ông. Với cá tính mạnh mẽ khác người sự nghiệp của doanh nhân phố núi đã có lúc lên đỉnh cao, nhưng cũng lắm khi lao đao trước vực thẳm.

Suốt 30 năm lăn lộn trên thương trường, cũng là 30 năm cống hiến sức người, sức của cho nền kinh tế nước nhà, đều là những ngày dài khởi nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức.

Nắm trong tay 48,32% cổ phần, tương đương 259,67 triệu cổ phiếu HAG, “bầu” Đức hiện là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán sau ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Vingroup.

Bà Hà Thu Thanh.

“Nữ tướng ngành kiểm toán”

Bà Hà Thu Thanh được mệnh danh là “nữ tướng ngành kiểm toán”, sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán (nay là Học viện Tài chính Hà Nội).

Sau khi ra trường, bà Thanh được phân công về Bộ Tài chính công tác rồi điều chuyển sang làm việc tại Công ty Kiểm toán Việt Nam.

Giới kinh doanh có lẽ chẳng mấy ai không biết đến tên tuổi của bà Hà Thu Thanh, một nữ doanh nhân đã gắn liền với hành trình 30 năm đầy kiêu hãnh của Deloitte Việt Nam. 31 năm công tác, 23 năm làm nghề kiểm toán, 16 năm ở vị trí lãnh đạo cấp cao (CEO) của một công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu Việt Nam, bà Hà Thu Thanh được mệnh danh là người đàn bà “thép” trong ngành kiểm toán Việt Nam.

Hiện, Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam (tiền thân là Công ty Kiểm toán Việt Nam -VACO) là một trong những công ty kiểm toán lớn nhất tại nước ta.

Gắn bó gần cả cuộc đời với một nghề, cả sự nghiệp với một công ty, trong muôn vàn thách thức, cám dỗ, như nhiều chuyên gia đánh giá mà cũng như bà từng tự nhận định bà đã khẳng định được giá trị của mình là giá trị của sự kiên định.

Ông Đỗ Quang Hiển.

Ông kỹ sư và khối tài sản khổng lồ

Sinh năm 1962 tại Hà Nội, ông Đỗ Quang Hiển là Kỹ sư Vật lý vô tuyến. Sau nhiều công việc liên quan đến ngành xây dựng, ông chuyển sang Viện nghiên cứu Công nghệ quốc gia, làm ở đây đến năm 31 tuổi rồi trở thành Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, một công ty hoạt động đa ngành, từ tài chính, bất động sản, thể thao tới công nghiệp.

Ngoài cương vị là Chủ tịch T&T và SHB, ông Hiển còn là Chủ tịch HĐQT của rất nhiều công ty khác như Chứng khoán Sài gòn Hà Nội (SHS), Quản lý Quỹ Đầu tư Sài Gòn Hà Nội (SHF), Thủy sản Bình An (Bianfishco), Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC), Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp SHB, Khai thác chế biến khoáng sản T&T Hà Giang.

Chưa có thống kê chi tiết nào về khối tài sản mà gia đình ông đang nắm giữ, tuy nhiên tại SHB, ông Hiển sở hữu gần 53 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu mà ông, người nhà và tổ chức có liên quan (T&T và Chứng khoán SHB) là hơn 384 triệu cổ phiếu, tương đương gần 20% vốn cổ phần của ngân hàng.

Dấu ấn của doanh nhân Đỗ Quang Hiển luôn gắn liền với hai thương hiệu là SHB và T&T. Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp này đang góp phần tạo nên một hệ sinh thái đa dạng cho khách hàng.

Với khởi điểm là một công ty nhỏ chuyên bán buôn đồ điện tử, đến nay Tập đoàn T&T đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang 7 lĩnh vực chính: Tài chính và đầu tư; Bất động sản; Công thương; Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản; Hạ tầng giao thông, cảng biển và Logistic; Năng lượng và Môi trường; Y tế, Giáo dục và Thể thao.

Trong giai đoạn 2011 - 2016, thực hiện chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Tập đoàn T&T đã đầu tư mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của hàng loạt doanh nghiệp lớn.

Với vốn điều lệ đạt 15.000 tỷ đồng, T&T hiện đang phát triển nhiều dự án bất động sản trên cả nước. Không chỉ hoạt động ở trong nư­ớc, Tập đoàn còn mở rộng hoạt động tại nước ngoài như mở công ty tại Mỹ, Đức, Nga, Singapore,...

Ông Nguyễn Duy Hưng.

Một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán

Ông Nguyễn Duy Hưng sinh năm 1962 tại Thanh Hóa, là doanh nhân nổi tiếng trong giới đầu tư, tài chính.

Ông là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (PAN). Ông cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư NDH (NDHINVEST) và Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM).

Năm 1991, thị trường Việt Nam mở cửa và các dự luật kinh tế tư nhân ra đời. Nhận thấy thời điểm khởi nghiệp đã đến, ông Hưng cùng một số người bạn đã thành lập Công ty Pancific với số vốn vài chục triệu đồng. Ban đầu, công ty tập trung vào việc tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn tham gia đầu tư tại Việt Nam.

Đầu những năm 90, Công ty Pancific nổi tiếng với việc tư vấn dự án khách sạn Metropole và liên doanh ô tô Hòa Bình. Năm 1999, ông Nguyễn Duy Hưng quyết định sang Thái Lan du học nhằm bổ sung và nâng cao kiến thức quản trị kinh doanh.

Sau khi về nước, ông Nguyễn Duy Hưng quyết định thành lập công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn vào tháng 12/1999. Từ một công ty rất nhỏ, vốn điều lệ chỉ 6 tỷ đồng, sau một năm hoạt động, công ty cổ phần chứng khoán đã nâng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng.

Đến năm 2018, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn được đổi tên thành Công ty cổ phần chứng khoán SSI và nằm trong số những doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán hàng đầu Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2020, doanh thu SSI tăng trưởng hơn 750 lần, đạt mức hơn 3.300 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 1.500 lần, lên gần 1.100 tỷ đồng. Hiện SSI là công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam với vốn điều lệ đạt xấp xỉ 9.848 tỷ đồng - dẫn đầu trong các công ty chứng khoán.

Giá trị tài sản của ông Hưng liên tục tăng theo thời gian và giúp ông góp mặt trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những doanh nhân nổi tiếng tuổi Dần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO