Những hệ lụy chồng lấn địa giới hành chính giữa Quảng Nam và Kon Tum - Bài 3: Cần xem xét nguyện vọng của người dân

Tấn Thành - Chí Đại 07/09/2022 07:00

Ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh cho biết, diện tích đất chồng lấn địa giới hành chính (ĐGHC) giữa xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) với xã Đăk Nên (huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum) là khoảng 6.500ha, trong đó người dân quản lý sử dụng canh tác là hơn 3.000ha, còn lại là diện tích rừng phòng hộ.

Hiện tại người dân thôn 3 đang phải đi lại trên con đường đất sạt lở.

Theo ông Thương, người dân thôn 3 đã sinh sống bao nhiêu đời nay trên mảnh đất này rồi, họ đã lập làng, trồng cây lâu năm là cây quế và khai hoang đất sản xuất, đất nương rẫy, lúa nước.... Về diện tích đất nhà ở, đất sản xuất, đất trồng cây lâu năm, nương rẫy và nghĩa trang ở thôn 3 thì chính quyền xã đo đạc sơ bộ được khoảng hơn 3.000ha. Còn hộ khẩu của người dân từ trước đến nay là thuộc xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Bốn (64 tuổi), trú thôn 3 nói: “Ông cha tôi sinh sống tại vùng đất này rồi, đến đời tôi cũng sinh sống, canh tác nương rẫy ở đây. Hiện tại, nghĩa trang của gia đình tôi đều ở thôn 3, còn hộ khẩu gia đình tôi cũng ở xã Trà Vinh. Thế rồi nghe nói chồng lấn ĐGHC, đất đai chúng tôi lại thuộc về tỉnh Kon Tum cần chuyển hộ khẩu gia đình tôi qua xã Đăk Nên thì tôi không đồng ý, tôi muốn thuộc về xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”.

Ông Bốn chia sẻ, lý do ông không đồng ý chuyển hộ khẩu qua tỉnh Kon Tum, vì khoảng cách đi lại rất xa (hơn 10km), trong khi đó từ nhà ra trung tâm xã Trà Vinh gần hơn. Đặc biệt, về phong tục, tập quán sinh hoạt của bà con lâu đời nay đã quen với cách sống, nghi lễ mang bản sắc đặc trưng ở đây.

Chủ tịch UBND xã Trà Vinh nói về cuộc sống người dân nơi vùng chồng lấn địa giới hành chính

Ông Trần Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh nhấn mạnh: “Đề nghị chính quyền 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phải đứng trên cơ sở lợi ích của người dân, lịch sử truyền thống của nhân dân và nguyện vọng chính đáng của nhân dân để giải quyết vấn đề chồng lấn địa giới hành chính giữa xã Trà Vinh và xã Đăk Nên. Sự việc đã kéo dài gần 20 năm nhưng chưa được giải quyết. Đừng để người dân sống cảnh không có đường, không điện, không thông tin liên lạc, không thủy lợi, không nước sạch, trạm y tế và trường học thì tạm bợ. Cơ sở hạ tầng tại thôn 3 xã Trà Vinh cần nhanh chóng được đầu tư để người dân ổn định cuộc sống”.

“Việc chồng lấn ĐGHC giữa xã Trà Vinh với xã Đăk Nên, khiến tôi cùng nhiều hộ dân khác tại địa phương không được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước. Về cơ sở hạ tầng như đường sá, điện nước,... ở đây cũng chưa được đầu tư. Ở địa phương khác được hưởng các chế độ, chính sách, nhưng chúng tôi lại không được hưởng?” - ông Bốn đặt câu hỏi.

Tương tự, chị Đinh Thị Sen (38 tuổi), trú thôn 3 nói: “Ông bà, cha mẹ ruột của tôi sinh sống ở đây, như cha tôi là ông Đinh Văn Lâm (89 tuổi) đã dựng nhà cửa, sinh sống ở vùng đất này lâu lắm rồi, đến tôi cũng sinh ra, lớn lên tại đây là thuộc thế hệ thứ 3. Thế nhưng, từ khi phân chia ĐGHC lại thì không trùng khớp với ĐGHC cũ dẫn đến nơi sinh sống của chúng tôi thuộc về xã Đăk Nên, tuy nhiên hộ khẩu, giấy tờ tùy thân của gia đình tôi bao đời nay là ở xã Trà Vinh, như thế đã gây khó khăn cho người dân chúng tôi”.

Theo Đại úy Trần Thanh Bình - Trưởng Công an xã Trà Vinh: “Hiện tại, xã Trà Vinh bất cập ở chỗ không có sóng điện thoại, không có đường, không có điện, nước sạch... khi có sự việc xảy ra ở thôn 3 này, việc tiếp nhận thông tin chậm hơn so với một số điểm khác trong xã. Nếu trời mưa thì phải đi bộ vào, mất nhiều thời gian, nên việc tiếp nhận thông tin và giải quyết sự việc ở thôn 3 nhiều lúc chưa kịp thời”.

Không có nước sạch, người dân thôn 3 phải dùng nước kéo từ suối về dùng.

Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp này, ông Nguyễn Công Tạ - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vinh cho hay, trước đây khi Chỉ thị 364 của Chính phủ chưa ra đời thì có một đường ranh giới truyền thống giữa xã Trà Vinh (tỉnh Quảng Nam) với xã Đăk Nên (tỉnh Kon Tum), được miêu tả là theo đường phong thủy. Đường ranh giới truyền thống này được nhân dân 2 xã tự thống nhất và giao khu vực phía trên thuộc xã Trà Vinh, còn dưới đường ranh giới đó là của xã Đăk Nên, người dân 2 xã sinh sống hòa thuận, canh tác làm ăn không hề xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai hay mâu thuẫn gì cả.

Ông Tạ nhấn mạnh: “Dự án 513, do Bộ Nội vụ làm chủ đầu tư, cán bộ Cục Trắc địa bản đồ không đi thực tế, không lấy ý kiến nhân dân ở vùng giáp ranh với nhau, sau đó họ lên sơ đồ thì địa giới hành chính theo Chỉ thị 364 không trùng khớp với đường địa giới hành chính truyền thống của nhân dân từ trước đến nay”.

Lãnh đạo địa phương cho rằng, từ đó toàn bộ đất của nhân dân xã Trà Vinh sản xuất lâu đời thuộc về địa phận tỉnh Kon Tum theo Chỉ thị 364 năm 1991, nhân dân sinh sống bao đời nay tại xã Trà Vinh không được xem xét. Để khẳng định, người dân thôn 3 đã đưa các Huân chương kháng chiến, Bằng Tổ quốc ghi công có từ thời chống Pháp đều ghi địa chỉ ở xã Trà Vinh, đó là bằng chứng lịch sử để lại.

Cũng theo ông Tạ, giữa 2 xã Trà Vinh và xã Đăk Nên đã có quy chế phối hợp với nhau rất rõ ràng, nhân dân nào cũng là dân của mình, nếu họ thích về tỉnh Kon Tum thì cho họ về Kon Tum, thích ở tỉnh Quảng Nam thì ở Quảng Nam đó là quyền của người dân. Nhưng ngặt nỗi người dân không chịu về tỉnh Kon Tum. Cái lý họ không chịu về tỉnh Kon Tum là vì bao đời nay họ ở xã Trà Vinh rồi.

“Huân, Huy chương kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp và Bằng Tổ quốc ghi công giống như minh chứng lịch sử, dấu ấn, kỷ niệm đều ghi ở xã Trà Vinh, giờ đổi về xã Đăk Nên thì những kỷ vật, dấu ấn của cha ông họ không còn ý nghĩa gì hết nên họ không muốn, hơn nữa, mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm của họ đã tạo dựng nên bao đời nay ở xã Trà Vinh rồi” - ông Tạ cho biết thêm.

Ông Tạ cũng nêu ý kiến, đề nghị 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum sớm chấp nhận phương án chuyển hơn 3.000ha đất theo ĐGHC thuộc xã Đăk Nên cho xã Trà Vinh để giải quyết cho nhân dân, đây là nguyện vọng chính đáng của người dân xã Trà Vinh, để sớm có tiếng nói chung, đề nghị với Chính phủ điều chỉnh ĐGHC phù hợp theo đường ranh giới truyền thống.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những hệ lụy chồng lấn địa giới hành chính giữa Quảng Nam và Kon Tum - Bài 3: Cần xem xét nguyện vọng của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO