Những hiệp đấu căng thẳng chống Sars-Cov-2

Trần Hoàng Tú 29/03/2020 07:20

Trong khi Trung Quốc đang dần khống chế được sự lây nhiễm của SARS-CoV-2, thì nhiều quốc gia khác lại đang phải vật lộn hết sức khó khăn. Nếu như Italy là quốc gia châu Âu mà số người chết do Covid-19 đã vượt qua Trung Quốc, thì Tây Ban Nha- một quốc gia châu Âu khác lại đang vật vã với những con số người chết tăng vọt từng ngày. Ngay cả Đức, Pháp, Anh- những cường quốc khác ở châu Âu cũng đang ở trong tình trạng cấp bách nhất. Và Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai thế giới và nước Mỹ- quốc gia giàu có nhất lại đang trong giai đoạn “sống còn” của đại dịch.

Những hiệp đấu căng thẳng chống Sars-Cov-2

Khách chờ vào công viên giải trí Happy Valley tại Thượng Hải (Trung Quốc), mở cửa lại ngày 20/3/2020 sau thời gian dừng hoạt động vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

1. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá Trung Quốc cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19 bằng các biện pháp cứng rắn “chưa từng thấy”, tuy nhiên đây chưa phải là đoạn kết. Biện pháp được coi là kịch tính nhất khi nước này phong tỏa Vũ Hán và các thành phố lân cận ở tỉnh Hồ Bắc, đặt ít nhất 50 triệu người trong vòng cách ly kể từ ngày 23/1/2020. “Nhưng cũng nhờ sự dứt khoát này, phần còn lại của Trung Quốc mới không chịu chung số phận”- nhận định của WHO.

Khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã cho xây 2 bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán chỉ trong 10 ngày, huy động hàng ngàn nhân viên y tế trên cả nước đến tâm dịch và đặc biệt là tiến hành một chiến dịch quy mô truy tìm sự tiếp xúc ở tất cả những người nhiễm virus. Chỉ riêng ở Vũ Hán, hơn 1.800 tổ công tác, mỗi nhóm từ 5 thành viên trở lên, đã lần ra hàng chục ngàn người nghi nhiễm. Bên cạnh đó, các biện pháp “cách ly xã hội” được áp dụng song song trên toàn Trung Quốc, bao gồm hủy mọi hoạt động thể thao, lễ hội, giải trí, cho học sinh nghỉ học, đóng cửa doanh nghiệp, buộc người dân mang khẩu trang khi ra đường...

Tuy nhiên, tại thời điểm này, Trung Quốc đang đón nhận liên tiếp những ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trong cộng đồng, ngay cả khi tỉnh tâm dịch Hồ Bắc đã kết thúc đợt phong tỏa. Tuy nhiên theo Reuters, số ca bệnh “nhập khẩu” vẫn tăng dù Bắc Kinh đã đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát. Cụ thể, theo Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc, tính tới cuối ngày 25/3 Trung Quốc đại lục có thêm 67 ca mới, tăng 20 ca so với 47 ca của ngày trước đó. Tất cả đều là các ca bệnh “nhập khẩu”.

Như vậy là, nếu như Trung Quốc đã phần nào yên tâm với những ca bệnh “nội địa” thì cũng lại bất an với những ca bệnh “nhập khẩu”. Hoàn cầu Thời báo dẫn lời một Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết 90% số ca bệnh Covid-19 “nhập khẩu” có hộ chiếu Trung Quốc, 40% trong số đó là lưu học sinh về nước.

Nói về niềm vui khi dịch bệnh được ngăn chặn, mạng xã hội Trung Quốc mới đây khá hoan hỉ với trường hợp ông Ding Shijiu- sống ở thành phố Trùng Khánh khi ông này reo lên: “Nhìn kìa! Con cá lớn quá!”. Sau hơn 2 tháng chôn chân tại nhà, cuối cùng ông Ding cũng có thể tụ họp với bạn bè để cùng đi câu cá và ăn nhậu. Theo Al Jazeera News, đó là điều rất nhiều người Trung Quốc không thể làm kể từ khi chính quyền nước này triển khai các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt trên phạm vi cả nước sau khi dịch Covid-19 bùng lên từ Vũ Hán. “Hai tháng qua là quãng thời gian không thể tin nổi. Mà tôi đã gần 70 tuổi, đã trải qua rất nhiều chuyện trong đời”- Al Jazeera News dẫn lời ông Ding. “Sau tất cả, chúng tôi vẫn sống sót và quãng thời gian tồi tệ nhất đã trôi qua”.

Từ tất cả diễn biến tình hình trong vòng hơn 3 tháng qua, theo truyền thông Trung Quốc, nước này đã bước vào “hiệp 3” đấu tay đôi với SARS-CoV-2.

2. Ngược lại với Trung Quốc, tại thời điểm này Ấn Độ đang bước vào thời đoạn quan trọng và “khủng khiếp nhất” với Covid-19. Trước đó, người ta đã rất lo ngại nếu như SARS-CoV-2 tấn công đất nước 1,3 tỉ dân này.

“Đây là cuộc chiến một mất một còn giữa chúng ta và virus. 3 tuần phong tỏa toàn diện có ý nghĩa quyết định với Ấn Độ vì đặc điểm mật độ dân số cao và nguồn lực hạn chế”- Suresh Kumar Rathi, chuyên gia dịch tễ học thuộc Quỹ Y tế công cộng Ấn Độ, nói.

Tới nửa đêm ngày 25/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố lệnh phong tỏa cả nước. Lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần, ngưng hoạt động giao thông hàng không, xe lửa, trường học và doanh nghiệp. “Cách duy nhất để tự cứu chúng ta trước SARS-CoV-2 là chúng ta không ra khỏi nhà và cho dù bất cứ điều gì xảy ra, chúng ta ở nhà”- ông Modi kêu gọi, đồng thời cảnh báo Ấn Độ sẽ thụt lùi nhiều thập niên nếu không phong tỏa để đối phó được với Covid-19.

Tới ngày 25/3, Ấn Độ ghi nhận 519 ca nhiễm Covid-19 với 10 ca tử vong, trong khi nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lây lan đến nhiều khu vực khiến hệ thống y tế quá tải.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Modi nói: “Để cứu Ấn Độ, để cứu lấy mọi công dân, bạn, gia đình bạn..., mọi con đường, mọi khu phố sẽ được đặt dưới lệnh phong tỏa”. Sau đó ông Modi đã lên Twitter để cảnh báo người dân rằng việc mua hàng trong hoảng loạn sẽ chỉ khiến dịch bệnh lây lan hơn. Thủ tướng Modi cam đoan rằng Chính phủ Ấn Độ sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân. “Làm ơn đừng đổ xô đi mua sắn. Làm ơn hãy ở yên trong nhà” - ông Modi viết trên Twitter.

Những hiệp đấu căng thẳng chống Sars-Cov-2 - 1

Cảnh sát vùng Delhi (Ấn Độ) đi tuần ngăn người dân ra đường, để hạn chế sự lây lan SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, tại Delhi và thủ phủ tài chính Mumbai, trong ngày 26/3, mọi người sợ sẽ hết đồ ăn và thuốc men nên đã nhanh chóng đổ xô đến các cửa hàng và nhà thuốc. “Tôi chưa bao giờ chứng kiến cái gì hỗn loạn như vậy trong đời tôi. Tất cả các mặt hàng bao gồm gạo, bột mì, bánh mì, bánh quy, dầu ăn đều đã bán hết” - chủ một cửa hàng ở quận Shakarpur tại Delhi nói với tờ Press Trust of India.

Trong khi đó, cảnh sát tại thành phố đông dân Ghaziabad, bang Uttar Pradesh, đã đi tuần tra trên các con đường với loa phát thanh yêu cầu mọi cư dân ở yên trong nhà. Các quan chức cũng kêu gọi mọi người không nên “lan truyền tin đồn” và làm theo hướng dẫn của Chính phủ.

Tuyên bố phong tỏa toàn quốc của ông Modi đến sau khi nhiều bang tại Ấn Độ đã tự đưa ra các biện pháp riêng của từng bang, bao gồm lệnh cấm đi lại và đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài và tạm ngừng phục vụ các chuyến bay nội địa. Hệ thống đường sắt của nước này cũng đã ngừng hầu hết các dịch vụ phục vụ hành khách.

Theo giới quan sát, Ấn Độ đã chính thức bước vào “hiệp 1” trong trận đấu này.

3. Còn nước Mỹ thì sao? Có thể nói rằng họ đang trong “hiệp đấu thứ hai” với SARS-CoV-2.

Hãng tin AFP dẫn số liệu của ĐH Johns Hopkins cho biết, tính tới ngày 27/3, Số ca nhiễm ở Mỹ đã lên hơn 83.000 ca, vượt qua Trung Quốc. Tới nay, toàn bộ 50 bang của Mỹ đã có ca nhiễm. Dẫu vậy, tổng số ca nhiễm trên thực tế ở Mỹ được cho là còn cao hơn nhiều- theo giới chuyên môn của nước này.

Ngày 29/2, Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên ở nước này do Covid-19. Lúc đó, tổng số ca nhiễm chỉ mới ở con số chục- theo kênh CNBC. Nhưng đến ngày 27/3, số ca nhiễm ở nước này đã tăng gấp hơn 700 lần chỉ trong khoảng 26 ngày.

Về nguyên nhân, giới chức y tế Mỹ đánh giá việc thiếu các biện pháp mạnh tay và việc nhiều người dân phớt lờ các chỉ đạo về “duy trì giãn cách cách xã hội” thời gian qua có thể đã khiến số ca nhiễm ở Mỹ tăng mạnh. Trong khi đó, báo New York Times dẫn lời chuyên gia chỉ ra “kẻ thù” lớn khiến dịch lây lan nhanh ở một số thành phố của Mỹ chính là mật độ dân số cao. Chẳng hạn New York đông đúc hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Mỹ, với khoảng 28.000 dân/2,5km2; còn San Francisco đứng kế tiếp với khoảng 17.000 dân/2,5km2. Ở những không gian chật chội như vậy, virus dễ lây lan thông qua các chuyến tàu điện ngầm, những tòa chung cư, các khu vui chơi...

Theo Hãng tin AP, nhà chức trách Mỹ và các quan chức y tế liên bang đã chỉ ra vấn đề chính gây cản trở phản ứng quốc gia với dịch Covid-19, là do quyết định lúc đầu của Mỹ về việc không dùng cách xét nghiệm được WHO thông qua, cũng như hạn chế số người được xét nghiệm và sự trì hoãn trong việc phối hợp với khu vực tư nhân để tăng năng lực xét nghiệm. “Đã có thật nhiều cơ hội để chúng ta không phải rơi vào cảnh như bây giờ”- ông Ashish K.Jha, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu tại Đại học Harvard đánh giá.

Giờ đây cứ 3 người Mỹ thì có 1 người phải ở lại trong nhà để ngăn lây lan dịch, khi nhà chức trách Mỹ bắt đầu đẩy mạnh các biện pháp chống dịch. Thống đốc của ít nhất 16 bang đã ban lệnh yêu cầu người dân ở lại trong nhà. “Tình hình còn có thể tệ hơn nữa trong tuần tới. Diễn biến xấu ra sao sẽ tùy thuộc những hành động mà mỗi người chúng ta thực hiện hôm nay”- CNN ngày 25/3 dẫn lời bác sĩ Leana Wen, giáo sư tại Đại học George Washington.

Hầu như ngày nào Tổng thống Donald Trump cũng lên truyền hình nói với người dân Mỹ về Covid-19, chấp nhận đề nghị tuyên bố thảm họa của 3 bang Washington, New York và California. Ông Trump khẳng định, Mỹ đang huy động mọi nguồn lực sẵn có nhằm ngăn chặn dịch Covid-19.

Giới quan sát cho rằng đã có thay đổi lớn trong quan điểm chống dịch của ông Trump. Từ chỗ khuyến khích người dân “tiếp tục cuộc sống bình thường”, ông chuyển sang kêu gọi họ làm việc tại nhà, không tụ tập quá 10 người... Ông còn yêu cầu chính quyền các địa phương đóng cửa trường học, quán bar, nhà hàng... để giảm nguy cơ lây nhiễm. Với một quốc gia như Mỹ, việc đưa ra những khuyến cáo như thế không đơn giản với một vị Tổng thống.

Theo tờ Washington Post, “nguồn cơn sự thay đổi bất thình lình của ông Trump” đến từ một báo cáo khoa học gửi cho Nhà Trắng từ London. Trong đó, các nhà dịch tễ học xứ sương mù đã nói với nhà lãnh đạo Mỹ rằng corona là con virus đường hô hấp nguy hiểm nhất thế giới loài người từng chứng kiến kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Dựa trên mô hình tính toán, nhóm nghiên cứu Covid-19 của Trường Imperial College London dự đoán nếu nước Mỹ không hành động để làm chậm tốc độ lây lan của virus, thì khoảng 2,2 triệu người có thể chết trong trận dịch lần này.

Ngày 26/3 (giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói ngân sách hỗ trợ khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19 lớn chưa từng có: trị giá hơn 2000 tỷ USD, với 96 phiếu thuận, không có phiếu chống.

Nghĩa là, nước Mỹ rồi cũng đã phải dốc lực chống lại con virus vô thanh vô ảnh trong một cuộc chiến xác định lâu dài. Trước đó, ngày 5/3, họ chỉ quyết định chi 8,5 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những hiệp đấu căng thẳng chống Sars-Cov-2

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO