Những lâu đài rực rỡ nhất ‘xứ sở hoa anh đào’ Nhật Bản

Mai Nguyễn (Theo CNN) 22/01/2022 15:57

Trong thời kỳ Chiến quốc Sengoku của Nhật Bản (1467-1615), các lâu đài đã được xây dựng, củng cố và bảo tồn trên khắp các quần đảo tại Nhật Bản, tạo thành khoảng 5.000 di tích rực rỡ ngày nay.

Mặc dù nhiều kiến trúc đã bị san bằng theo lệnh của Mạc phủ Tokugawa trong thời kỳ Edo (1603-1868) và sau đó là sau cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868, khi quyền lực được khôi phục lại cho hoàng đế, hơn 100 lâu đài vẫn còn đứng vững trên khắp đất nước mặt trời mọc.

Lâu đài Hirosaki. Ảnh: Japan Times.

Lâu đài Hirosaki

Vượt qua một ngọn đồi ở quận Aomori, trung tâm phía bắc Nhật Bản là lâu đài Hirosaki với kiến trúc một tầng được bao quanh bởi ‘yaruga’ (tháp pháo) và hào kiên cố.

Hoàn thành vào năm 1611, lâu đài được xây dựng khi Nhật Bản đang bước vào thời kỳ hòa bình kéo dài dưới thời Mạc phủ Tokugawa, chính bởi vậy, lâu đài này chưa từng phải gánh chịu sự bao vây hay xâm lược.

Tuy nhiên, kiến trúc ban đầu đã bị phá hủy khi bị sét đánh vào năm 1627, sau đó đã được thay thế vào đầu thế kỷ 19 bằng cấu trúc 3 tầng như hiện nay. Cùng với kiến ​​trúc thời phong kiến ​​nổi bật, mùa hoa anh đào chính là điểm thu hút du khách đến lâu đài Hirosaki với hơn 2.600 cây hoa rải rác trong các khu vườn của lâu đài như một xứ sở thần tiên.

Lâu đài Shuri-jo. Ảnh: Google.

Lâu đài Shuri-jo

Nằm trên thành phố Naha và được bao quanh bởi những bức tường thành kiên cố, lâu đài Shuri-jo của đảo Okinawa được coi là biểu tượng của pháo đài ‘gusuku’ tại Vương quốc Ryukyu (tên gọi cũ của Okinawa).

Khi Shuri-jo lần đầu tiên được xây dựng vào thế kỷ 14, nơi đây chính là trụ sở quyền lực của Vương quốc Ryukyu cho đến khi Nhật Bản sáp nhập các đảo Okinawa vào năm 1879. Trước khi bị bỏ quên dưới sự cai trị của đế quốc, lâu đài Shuri-jo từng là trung tâm ngoại giao, quản trị và tâm linh trong nhiều thế kỷ.

Lâu đài Edo. Ảnh: Sengoku Period.

Lâu đài Edo

Lâu đài Edo, tên gọi cũ là Tokyo, sở hữu một trong những kiến trúc lâu đời nhất giữa tất cả các lâu đài tại Nhật Bản. Cung điện kiên cố lần đầu tiên được xây dựng vào thời Heian (794-1185). Sau đó, samurai Ota Dokan đã thiết kế một pháo đài để thay thế cung điện vào năm 1457, trước khi ‘daimyo’ (lãnh chúa phong kiến) Tokugawa Ieyasu lên nắm quyền vào cuối thế kỷ 16.

Lâu đài Edo vào thời kỳ sơ khai rất lớn, được bao quanh bởi một con hào bên ngoài dài 15 km được bắc qua bởi hơn 30 cổng và cầu.

Dấu tích của các công trình kiến ​​trúc ban đầu có thể được tìm thấy trên khắp Tokyo, mặc dù Cung điện Hoàng gia, nơi ở của vị hoàng đế hiện tại, là nơi tốt nhất để cảm nhận về thời kỳ hoàng kim của Nhật Bản.

Lâu đài Matusmoto. Ảnh: YellowKorner.

Lâu đài Matsumoto

Được xây dựng vào thế kỷ 16 theo lệnh của “Nhà thống nhất vĩ đại” Toyotomi Hideyoshi của Nhật Bản, Lâu đài Matusmoto với bức tường đen nằm kiên cố cạnh dãy Alps, nơi phía Bắc phủ đầy tuyết bao quanh Thành phố Matsumoto.

Còn được gọi là Karasu-jo (Lâu đài Quạ), nơi đây hầu như không bị phá hủy và vẫn giữ được một trong những di tích lâu đời nhất còn tồn tại của quốc gia.

Lâu đài Matsumoto trưng bày kiến ​​trúc của cả chiến tranh và hòa bình, từ những bậc thang bằng gỗ dốc đứng, các tầng ẩn bên trong và chỗ đậu của người bắn cung đến phòng ngắm trăng được thêm vào năm 1630.

Lâu đài Nagoya. Ảnh: ZEKKEI Japan.

Lâu đài Nagoya

Tại thành phố Nagoya, thủ đô thịnh vượng của tỉnh Aichi, Lâu đài Nagoya với những ngọn tháp vương giả sừng sững nhìn ra khu vườn và những con hào bên dưới.

Theo chỉ thị của ‘Shogun’ (Mạc Chúa), lâu đài Nagoya được xây dựng như một trung tâm hành chính vào đầu thời kỳ Edo, sau một kỷ nguyên gần 150 năm chiến tranh. Sau đó không lâu, tòa lâu đài bị phá hủy giữa các cuộc tấn công bằng bom trong Thế chiến thứ hai.

Lâu đài Nagoya nổi tiếng với tượng shachihoko (cá giống hổ) vàng lộng lẫy nhô ra từ đỉnh cao nhất – từng được coi là biểu tượng Kin-jo (Lâu đài vàng) và những mái dốc màu xanh bạc hà của nó.

Lâu đài. Ảnh: Trip.

Lâu đài Osaka

Lâu đài Osaka là một trong những địa danh nổi tiếng nhất của Nhật Bản, đóng vai trò quan trọng trong đỉnh cao của thời đại Sengoku. Sau khi thống nhất Nhật Bản vào năm 1590, samurai Toyotomi Hideyoshi đã tìm cách mở rộng pháo đài căn cứ của mình ở Osaka với mong muốn vượt qua lãnh chúa cũ của mình, Oda Nobunaga.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông để tạo ra một hàng phòng thủ kiên cố đã bị cản trở sau khi lâu đài rơi vào tay Gia tộc Tokugawa vào năm 1615.

Lâu đài Osaka cao 5 tầng, được xây dựng trên nền móng bằng đá vôi kiên cố, với mái ngói màu xanh bạc hà và phần bồi đắp bằng vàng mang những nét tương đồng nổi bật với Lâu đài Nagoya.

Lâu đài Nijo. Ảnh: Discover Kyoto.

Lâu đài Nijo

Lâu đài Nijo là một trong 17 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở thành phố Kyoto. Nơi đây từng là nơi ở chính thức của ‘Shogun’ (Mạc Chúa) trong thời kỳ Edo. Sau cuộc Duy tân Minh Trị, lâu đài đã trở thành cung điện hoàng gia trước khi mở cửa cho công chúng tham quan như một di tích lịch sử.

Lâu đài mang nhiều đặc điểm của kiến ​​trúc phong kiến ​​Nhật Bản: hào rộng vành đai, cổng karamon (cổng vào) hùng vĩ, các phần đồng tâm được ngăn cách bởi những bức tường đá gia cố và ván sàn ‘chim sơn ca’ với tiếng động lớn để phát hiện những kẻ xâm nhập.

Lâu đài Inuyama. Ảnh: Itokazu's Cave and Castle.

Lâu đài Inuyama

Lâu đài Inuyama sở hữu tòa tháp tenshu (tháp kiên cố) nguyên bản lâu đời nhất ở Nhật Bản, có từ năm 1580 và là một trong 5 lâu đài duy nhất giữ được trạng thái Bảo vật Quốc gia. Đây cũng là pháo đài đầu tiên thuộc quyền sở hữu của bạo chúa khát máu, người đầu tiên cố gắng thống nhất Nhật Bản, Oda Nobunaga.

Vị trí chiến lược trên đỉnh đồi của Lâu đài Inuyama đã cung cấp cho các samurai tầm nhìn bao quát ra vùng đồng bằng xung quanh và dòng sông Kiso đầy sóng gió.

Lâu đài Hikone. Ảnh: Japan Cheapo.

Lâu đài Hikone

Mặc dù lâu đài Hikone ở tỉnh Shiga là một công trình kiến ​​trúc tương đối khiêm tốn, nhưng nơi đây đã được chỉ định là Bảo vật Quốc gia. Lâu đài được hoàn thành vào năm 1622, sau khi Mạc phủ Tokugawa thiết lập hòa bình trên toàn quốc, và nằm ở một khu vực tương đối ít người biết đến phía tây Nhật Bản.

Các quan điểm từ lâu đài trên đỉnh đồi nhìn về phía Hồ Biwa, vùng nước nội địa lớn nhất Nhật Bản. Ngoài ra còn có Bảo tàng Lâu đài Hikone dưới chân đồi, trưng bày các hiện vật và tài liệu lịch sử từ Gia tộc Ii đã thành lập pháo đài khoảng 400 năm trước.

Lâu đài Bitchu Matsuyama. Ảnh: Nippon.

Lâu đài Bitchu Matsuyama

Lâu đài Bitchu Matsuyama có từ thế kỷ 13, tọa lạc trên thành phố Takahashi yên tĩnh ở tỉnh Okayama, được mệnh danh là ‘yamajiro’ (lâu đài trên núi) nguyên bản của Nhật Bản. Ở độ cao 430 mét so với mực nước biển - cao nhất so với bất kỳ lâu đài nào ở Nhật Bản - những kẻ xâm lược chỉ có thể vượt dốc qua những bụi cây rậm rạp và vô số đường đạn để tới cổng lâu đài.

Lâu đài Himeji. Ảnh: Earth Trekkers.

Lâu đài Himeji

Lâu đài Himeji đã truyền cảm hứng cho một trong những bộ phim kinh dị khét tiếng nhất Nhật Bản. Với biệt danh “Lâu đài của Con diệc trắng”, nơi đây mang dáng vẻ tráng lệ thơ mộng của một ngôi nhà cổ kính: một tòa nhà nhiều tầng, trắng như ngọc, nằm cao vút trên Thành phố Himeji yên bình.

Lâu đài được xây dựng từ đầu những năm 1300, sau đó đã được mua lại và tu sửa dưới bàn tay của Toyotomi Hideyoshi, Tokugawa Ieyasu và một số ‘daimyo’ (lãnh chúa phong kiến) khác. Lâu đài phần lớn vẫn còn nguyên vẹn trong suốt lịch sử 700 năm của mình, tồn tại qua nhiều thảm họa tàn khốc, từ các vụ đánh bom trên không vào những năm 1940 đến Trận động đất lớn Hanshin năm 1995.

Điều này đã giúp lâu đài Himeji trở thành Di sản Thế giới được UNESCO công nhận đầu tiên của Nhật Bản.

Lâu đài Matsue. Ảnh: Japan Cheapo.

Lâu đài Matsue

Được xây dựng vào đầu những năm 1600 gần bờ hồ Shinji, lâu đài Matsue là một trong những di tích duy nhất còn sót lại trên bờ biển phía tây trung tâm của Nhật Bản.

Mục đích ban đầu của công trình này là giúp vị tướng quân mới, Tokugawa Ieyasu, củng cố quyền lực của mình ở khu vực tỉnh lẻ. Ngày nay, những bức tường đen hùng vĩ và những mái nhà tầng màu xám vẫn sừng sững đứng canh gác trên một con hào xanh mát ở trung tâm khu phố cổ Matsue.

Lâu đài Kumamoto. Ảnh: Gaijin Pot.

Lâu đài Kumamoto

Được xây dựng bởi ‘daimyo’ địa phương Kato Kiyomasa vào đầu những năm 1600, lâu đài Kumamoto vẫn là một trong những dấu ấn đặc biệt nhất của kiến ​​trúc tiền hiện đại trên đảo Kyushu.

Khác với các lâu đài của Nhật Bản, lịch sử thời chiến của Kumamoto kéo dài tới thời kỳ Edo và đến thời kỳ Minh Trị Duy tân, khi các samurai địa phương nổi dậy chống lại chính phủ mới, dẫn đến cuộc bao vây kéo dài hai tháng vào năm 1877.

Những bức tường phía bên ngoài của lâu đài được xây dựng từ đá lửa cứng và tường đen tương phản hoàn toàn với sắc hồng của 800 cây hoa anh đào tô điểm cho khu vườn vào mỗi mùa xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những lâu đài rực rỡ nhất ‘xứ sở hoa anh đào’ Nhật Bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO