Những lùm xùm quanh một cựu Bí thư Tỉnh ủy - Bài 2: Một quyết định thu hồi đất trái luật, thiếu nhân văn

NHÓM PHÓNG VIÊN 23/03/2022 18:00

Mới đây, Báo Đại Đoàn Kết nhận được đơn thư của nhiều hộ dân tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phản ánh về việc bị chính quyền thu hồi đất tái định cư sai quy định, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh “ăn nhờ, ở đậu”, gây bức xúc dư luận. Các hộ dân này là nạn nhân của Kết luận 66/KL-UBND do ông Lê Đình Sơn (thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) ký, ban hành vào năm 2015.

Ông Võ Xuân Tưởng đã xây nhà ở kiên cố trên đất tái định cư trước khi Kết luận 66/KL-UBND của Phó Chủ tịch UBND Hà Tĩnh Lê Đình Sơn ban hành.

“Trắng tay” sau khi nhường đất cho dự án

Năm 2008, theo chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh, hàng trăm hộ dân sinh sống tại các xã Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh (huyện Kỳ Anh cũ, nay là thị xã Kỳ Anh) đã nhường đất, rời bỏ nơi ở của mình để nhường đất phục vụ dự án trọng điểm quốc gia Khu kinh tế Vũng Áng Formosa Hà Tĩnh.

Lúc này, do mặt bằng tái định cư (TĐC) chưa hoàn thiện nên Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư vận động nhân dân cho nợ đất đến tháng 5/2010 sẽ giao, và tháng 6/2011 sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).

Trước khi nhường đất cho dự án, có hộ đang quản lý, sử dụng diện tích trên 7.200 m2, hộ ít là 500 m2. Đến khu TĐC, dù đã nhường đất nhiều hay ít, những hộ dân này chỉ nhận được khoảng trên dưới 400 m2 để sinh sống.

Sau khi đưa ra các luận cứ về việc Kết luận 66/KL-UBND của cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn là “tréo ngoe”, trái quy định pháp luật, các hộ dân ở phường Kỳ Liên đề nghị tỉnh Hà Tĩnh thành lập đoàn phúc tra về Kết luận 66/KL-UBND. “Chúng tôi sẵn sàng đối chất, đưa ra những chứng cứ về việc làm không công minh của đoàn thanh tra trước đây” - các hộ dân đứng đơn kêu cứu nói.

Tuy nhiên, ngày 11/2/2015, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn có Kết luận số 66/KL-UBND, cho rằng 114 lô đất được giao cho 114 hộ gia đình không đúng đối tượng, vì khi thu hồi đất cũ (đất hương hỏa phục vụ dự án - PV) những hộ dân này không có công trình nhà ở trên đất.

Thực hiện Kết luận của UBND tỉnh, ngày 21/4/2015, UBND huyện Kỳ Anh đã có Công văn số 69/BC-UBND về kết quả thực hiện.

“Qua kiểm tra hồ sơ, có 72 thửa đất đã cấp Giấy CNQSDĐ, 41 thửa chưa cấp Giấy CNQSDĐ, 1 thửa chưa xác định vì không có tên trong sổ cấp giấy chứng nhận” - Báo cáo cho biết.

Đồng thời, UBND thị xã Kỳ Anh cũng ban hành Quyết định thu hồi 66/72 thửa đã cấp Giấy CNQSDĐ của 66 hộ. Còn 6 thửa chưa thu hồi được vì các lý do chủ hộ đi vắng, hoặc sai thông tin về họ, tên lót của chủ sử dụng.

Việc thu hồi các thửa đất TĐC đã bị người dân phản ứng gay gắt và cho rằng Kết luận 66 đã sai quy định. Mặt khác, việc xuất hiện Kết luận số 66/KL-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy hàng trăm hộ dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Từ chỗ đang là chủ của những thửa đất rộng hàng nghìn mét vuông, có giấy tờ đầy đủ, hợp pháp, nay trở nên “trắng tay”, không “tấc đất cắm dùi”, phải tá túc nhà người thân hoặc thuê nhà để ở.

Đơn cử như trường hợp bà Phan Thị Dốc (phường Kỳ Liên, Kỳ Anh). Theo ông Nguyễn Văn Thâm - con trai, người đại diện hợp pháp cho bà Dốc cho biết, năm 2009, mẹ ông bị thu hồi 1.260 m2 để nhường mặt bằng phục vụ cho dự án Formosa. Sau đó, bà được cấp một lô đất 400 m2 tại khu TĐC xã Kỳ Liên. Tuy nhiên, đến ngày 7/4/2015, thì mẹ ông nhận được quyết định thu hồi mảnh đất này.

Từ đó đến nay, ông Thâm đã thay mẹ đi khiếu nại khắp nơi từ huyện đến tỉnh nhưng ngay cả khi mẹ ông qua đời 5 năm rồi, ông vẫn chưa lấy lại được đất cho mẹ.

Theo ông Thâm, thời điểm 2008, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng TĐC cho các dự án trên địa bàn Kỳ Anh được thực hiện theo Quyết định 29/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh “về việc quy định chính sách đặc thù về bồi thường và hỗ trợ TĐC khi thu hồi đất để phục vụ cho dự án trọng điểm Khu kinh tế Vũng Áng”.

Bà Phan Thị Dốc (mẹ ông Thâm) qua đời đã 5 năm nhưng lời hứa lấy lại đất cho mẹ của ông Nguyễn Văn Thâm vẫn chưa thể thực hiện được.

Theo Quyết định này thì mẹ ông và nhiều hộ gia đình khác đủ điều kiện để được cấp đất TĐC sau khi di dời nhường đất cho dự án.

Đối chiếu với các văn bản hiện hành, mẹ của ông Thâm bị thu hồi hết 100% đất ở có nguồn gốc sử dụng trước 18/12/1980, có hộ khẩu riêng từ năm 1978, không có nơi ở nào khác trên địa bàn (đang ở nhờ nhà con cháu thì không gọi là có nơi ở khác) và được cấp 400 m2 đất TĐC là đúng.

Biên bản giao đất cho mẹ ông là tháng 5/2010, nhưng thu hồi đất cho dự án là năm 2009, lý do mặt bằng TĐC chưa hoàn thiện nên Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ TĐC vận động nhân dân cho nợ đất đến tháng 5/2010 mới giao, tháng 6/2011 mới cấp Giấy CNQSDĐ.

Nhưng Kết luận 66 của UBND tỉnh Hà Tĩnh lại áp dụng vào Điều 30 của Quyết định 07 là thêm tiêu chí phải có nhà ở trên đất, mới được cấp TĐC để thu hồi đất đã cấp cho mẹ ông là hoàn toàn không đúng vì thời điểm bàn giao mặt bằng cho dự án chưa có Quyết định số 07/2010 nên không thể áp dụng theo Quyết định này.

“Năm 2007, vì hoàn cảnh nên tôi đón mẹ về chung sống với mình còn căn nhà của bố mẹ do xuống cấp, chính quyền vận động không được xây dựng, cơi nới để phục vụ dự án nên nhà sập chỉ còn nền móng. Khi Hội đồng bồi thường tiến hành thẩm định, kiểm đếm vẫn còn hiện trạng nền móng nhà. Nếu chiếu theo các quy định về thu hồi, cấp đất TĐC thì việc mẹ tôi được cấp đất TĐC là hoàn toàn chính đáng” - ông Thâm nói.

Tương tự, ông Võ Xuân Tưởng (SN 1967, TDP Lê Lợi, phường Kỳ Liên) cũng kêu cứu vì ông bị thu hồi đất TĐC hết sức oái ăm. Theo đó, gia đình ông đã nhường miếng đất hương hỏa (ở ổn định trước năm 1980) cho dự án .

Năm 2005, ông chuyển đến ở với con trai Võ Như Long tại TDP Lê Lợi để buôn bán nên nhà cửa và các công trình, kiến trúc do không tu sửa nên đã xuống cấp, chỉ còn lại một phần tường xây, giếng nước. Thời điểm di dời nhường đất cho dự án, ông Tưởng không có chỗ ở hợp pháp nào khác.

Đáng nói, ông Tưởng đã xây dựng nhà ở trên đất TĐC đã được cấp trước thời điểm có Kết luận 66/KL-UBND tỉnh do ông Lê Đình Sơn ký.

“Việc thu hồi đất của tôi là không đúng, nhưng nếu cho là đúng đi thì việc tôi đã nộp tiền làm Giấy CNQSDĐ và làm nhà ở trên đất TĐC rồi thì bây giờ tính như thế nào?” - ông Tưởng bức xúc nói.

Về vấn đề trên, Chủ tịch UBND phường Kỳ Liên Trần Xuân Hòa cũng có báo cáo giải trình và đề xuất rất rõ về Kết luận thanh tra 66/KL-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, trong số 22 hộ bị thu hồi đất TĐC vì “Không có nhà ở trên đất”, phường Kỳ Liên đề xuất thu hồi đối với 3 trường hợp, còn 19 trường hợp đề nghị không thu hồi vì các hộ đáp ứng đủ điều kiện để cấp đất TĐC theo quy định.

Ban hành Kết luận sai quy định?

Theo Điều 8, Nghị định 197/2004/NĐ-CP thì, “Người bị Nhà nước thu hồi đất, có một trong các điều kiện sau đây thì được bồi thường: Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai; Sử dụng đất ổn định, được UBND cấp xã xác nhận không có tranh chấp.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, được UBND cấp xã xác nhận là đất đó không có tranh chấp”.

Ngày 9/9/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 29/2008/QĐ-UBND đối với chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Vũng Áng.

Theo đó, đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 2, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004, đó là: “Người bị thu hồi đất, bị thiệt hại tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, được bồi thường đất, tài sản, được hỗ trợ và bố trí TĐC”.

Còn Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2009, tại Mục 3 (Bồi thường, hỗ trợ TĐC), điều 14: Nguyên tắc bồi thường hỗ trợ, khoản 2 quy định: “Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất tại thời điểm quyết định thu hồi đất”.

Tuy nhiên, vào năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh lại ban hành Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND, thay thế Quyết định số 33/2006/QĐ-UBND ngày 18/7/2006 về việc Quy định chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Tĩnh.

Điều 30 Quyết định này lại quy định, đối tượng bị thu hồi đất “phải có nhà ở gắn liền với đất, có người ở và đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương” và “không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi” thì được bố trí TĐC.

Các hộ dân bức xúc phản ánh với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về những điểm bất cập của Kết luận 66/KL-UBND

Nhưng cần phải thấy rằng, hàng trăm hộ dân nói trên là chủ của những thửa đất có giấy tờ đầy đủ, hợp pháp, và rất nhiều trong số đó là đất hương hỏa do tổ tiên để lại. Việc ra điều kiện TĐC như Quyết định số 07 là có sự nhầm lẫn giữa việc bị thu hồi đất và xin cấp đất ở mới “không có chỗ ở nào khác”.

Hơn nữa, dự án trọng điểm quốc gia “Khu liên hợp Gang thép và Cảng Sơn Dương” của Tập đoàn Formosa, được triển khai từ tháng 7/2008, nhưng Kết luận Thanh tra lại căn cứ vào Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh để thu hồi đất TĐC là trái quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Thế Anh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, Kết luận thanh tra số 66/KL-UBND ban hành năm 2015 nhưng đến nay địa phương chưa thể giải quyết được vì có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện, nhất là khi thu hồi đất TĐC đã cấp cho người dân. Đây là một trong những vụ việc tồn đọng kéo dài ở địa phương, rất khó thực hiện.

“Tôi không bàn đến Kết luận thanh tra yêu cầu thu hồi đất TĐC đã cấp cho dân là đúng hay sai mà quan điểm của tôi ở đây là thu hồi đất của dân như thế là không nhân văn. Nhân dân đã nhường hết đất hương hỏa cho dự án, lên TĐC thì đất sản xuất không có để sản xuất, tiền đền bù họ cũng tiêu hết rồi. Đất cấp TĐC có người dân đã bán trước khi có kết luận, có số thì đã xây nhà để ở, có số xây dở bị đình chỉ xây dựng, đất có sổ đỏ cũng không vay được ngân hàng để đầu tư, sản xuất… Giờ thu hồi thì người dân không có gì nữa!” - ông Anh nói.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an): Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm kể cả khi đã về hưu

Đối với những cán bộ đã về hưu mà có sai phạm trong quá trình đương nhiệm trước đó về nguyên tắc xử lý thì quan chức cũng như là công dân. Khi cán bộ nghỉ hưu thì trước hết xử lý về mặt Đảng. Trường hợp cơ quan chức năng phát hiện có dấu hiệu phạm tội hình sự thì vẫn tiến hành điều tra bình thường. Không có chuyện cán bộ có sai phạm khi về hưu là không bị xử lý, tùy theo mức độ vi phạm để xử lý mà thôi.

Để có tính răn đe, phòng ngừa chung, thì chúng ta phải xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã về hưu theo đúng quy định của pháp luật.

Xử lý phải kịp thời, công khai, đúng người, đúng tội, không nương nhẹ. Nhiều vụ làm chậm, xử lý chậm sẽ mất đi tính răn đe. Những cán bộ có chức vụ mà có hành vi sai phạm, theo tôi cần xem xét tình tiết tăng nặng. Nếu xử lý nghiêm minh kể cả cán bộ có sai phạm đã về nghỉ hưu sẽ có tác dụng răn đe những người đang có ý định tham nhũng. Thứ hai là củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, pháp luật.

Thông qua các vụ phát hiện, xử lý luật cán bộ, công chức trong thời gian vừa qua, tôi thấy có 2 vấn đề. Một là công tác giám sám còn sơ hở, có lúc, có nơi không có hiệu quả nên phải bịt chặt và tổ chức lại. Thứ 2 là làm sao phải thực hiện được, tạo điều kiện cho công dân giám sát hoạt động của cán bộ, công chức.

Còn đối với ông Lê Đình Sơn, nếu cơ quan chức năng vào cuộc mà phát hiện sai phạm trong quá trình ông Sơn còn đương nhiệm thì cần phải xử lý.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Cán bộ có sai phạm khi về hưu vẫn bị xử lý như khi đương chức

Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng có nguyên tắc là không có “vùng cấm”, triệt để, “không có ngoại lệ”. Hệ thống pháp luật nước ta trong thời gian vừa qua đang được hoàn thiện.

Mọi hành vi vi phạm đều được phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Khi cán bộ sai phạm trong quá trình công tác, khi về hưu mà ngành chức năng phát hiện được thì xử lý như lúc đang đương chức.

Nếu mức độ vi phạm ở phạm vi nào thì sẽ xử lý theo mức độ của hành vi sai phạm tương ứng với hành vi sai phạm từ cảnh cáo, khiển trách, xử lý hình thức cách chức vụ lúc thời điểm vi phạm. Nếu vi phạm có dấu hiệu tội phạm sẽ xem xét xử lý theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Bộ luật Hình sự. Đồng thời, căn cứ vào thời hiệu của hành vi vi phạm mà xử lý.

Việc xử lý nghiêm cán bộ có sai phạm dù đã về hưu sẽ có tác dụng rất lớn trong phòng ngừa, ngăn chặn và cảnh báo đối với hành vi vi phạm đối với những cán bộ đang đương chức, đương nhiệm.

Đối với trường hợp cựu lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn như Báo Đại Đoàn Kết đề cập, trường hợp nếu có hành vi để lại thiệt hại, có vi phạm quy định trong xử lý đất đai liên quan đến lợi ích của người dân rõ ràng cần phải xử lý nghiêm.

Đức Sơn(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những lùm xùm quanh một cựu Bí thư Tỉnh ủy - Bài 2: Một quyết định thu hồi đất trái luật, thiếu nhân văn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO