“Săn” cổ phiếu sắp chia cổ tức cao bằng tiền là xu hướng chung của nhà đầu tư, nhất là khi thị trường diễn biến khó lường. Dù vậy, nhìn từ góc độ dài hạn, hoạt động này vẫn có khá nhiều bất lợi mà nhà đầu tư cần lưu ý.
Mới đây, công ty con của KIDO - Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex, mã: VOC) thông báo tạm hoãn việc chi trả cổ tức đặc biệt bằng tiền cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100%, nguyên nhân là do "chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan".
Đáng chú ý, trước đó, ngày 24/2 vừa qua, công ty mẹ của Vocarimex là KIDO (KDC) cũng đã thông báo tạm hoãn chia cổ tức đặc biệt tỷ lệ 50% đã thông qua tại Nghị quyết trước đó.
Đua nhau trả cổ tức khủng
Năm 2022, có tổng cộng 751 doanh nghiệp chốt quyền chi trả cổ tức bằng tiền mặt trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM. Trong đó, có khoảng 5 doanh nghiệp chốt quyền chi trả cổ tức với tỷ lệ trên 100% (tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 10.000 đồng).
Cụ thể, CTCP May Xuất khẩu Phan Thiết (UPCoM: PTG) chốt quyền trả cổ tức trong năm 2022 cao nhất với tỷ lệ 120% - tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 12.000 đồng được chia làm 2 đợt chi trả. Điểm đáng chú ý của doanh nghiệp này là thị giá cổ phiếu quá thấp. Đầu năm 2022, giá cổ phiếu PTG giao động chỉ 200 – 300 đồng/cp.
Tiếp đến, CTCP Lương thực Bình Định (UPCoM: BLT) cũng chốt quyền trả cổ tức trong năm 2022 cao với tỷ lệ 102,8%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 10.280 đồng. Trong đó, 2,8% là cổ tức đợt 2/2021 và 100% là tạm ứng cổ tức năm 2022.
Đặc biệt, trong nhóm ngân hàng, nhiều nhà băng năm nay cũng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm trả bằng cổ phiếu.
Có thể kể đến như: TPBank (TPB) thông báo chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 25% trong đó, dự kiến chia 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu; VPBank (VPB) cũng dự kiến sẽ trình đại hội chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm…
Đừng để "ngộ nhận"
Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến lình xình, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm đến các cổ phiếu phòng thủ, ổn định, trả cổ tức tiền mặt cao làm nơi trú ẩn dòng tiền.
Họ tìm cách đón đầu thông tin về những doanh nghiệp sắp trả cổ tức tiền mặt để mua vào cổ phiếu và bán chốt lãi ngay sau khi được chốt quyền nhận cổ tức.
Tuy nhiên, trước sự “ngộ nhận” đối với chiến lược này, nhiều nhà đầu tư đã “tức tận cổ”. Bởi thực tế vào ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức (cả cổ tức tiền mặt và cổ phiếu), giá cổ phiếu bị giảm trừ tương đương với tỷ lệ cổ tức được chia. Chưa kể cổ đông còn phải nhận 2 lần chịu thuế.
Thậm chí, ngay cả những nhà đầu tư dài hạn, tạm thời quên khoản đầu tư để nhận tỷ lệ cổ tức cao hơn lãi ngân hàng cũng có khi mắc sai lầm, bởi vài năm sau bỗng nhận thấy phần giảm của thị giá cổ phiếu còn lớn hơn nhiều so với cổ tức đã nhận được.
Có thể thấy, những doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt cao thường phải thuộc nhóm ngành có kết quả kinh doanh, nền tảng tài chính, dòng tiền tốt và chưa có kế hoạch đầu tư lớn, nhu cầu đầu tư chủ yếu là thay thế hoặc mở rộng ở quy mô vừa phải.
Song cũng chính việc không có hoạt động đầu tư mới dẫn đến việc hạn chế về khả năng tăng trưởng trong tương lai. Cho nên, các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức bằng tiền cao thường là loại khó tăng trưởng về thị giá trong dài hạn.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp có tỷ suất cổ tức tốt qua nhiều năm, nhưng lại có thanh khoản thấp, do cổ đông chỉ nắm giữ, không có giao dịch.
Chẳng hạn, cổ phiếu PTG (CTCP May xuất khẩu Phan Thiết) có tỷ suất cổ tức trên thị giá rất cao, nhưng cổ phiếu không có thanh khoản, nhà đầu tư muốn mua không được, người muốn bán cũng chẳng dễ dàng bởi thị giá không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp.
Giới phân tích nhìn nhận, cổ tức chỉ mang lại lợi nhuận kỳ vọng ở mức vừa phải không phải là làm giàu nhanh nên chiến lược này phù hợp với những người coi đầu tư chứng khoán là một kênh sinh lời bền vững, không thích hợp với những người ưa thích mạo hiểm.