Những mỏ vàng ở Bolivia đang đầu độc chính người dân bản địa?

Mai Nguyễn (Theo The Guardian) 13/01/2022 14:41

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm thủy ngân đang gây ra bệnh tật cho các cộng đồng cư dân nghèo ở Bolivia

Một ngôi làng ‘ốm yếu’

Bên ngoài ngôi nhà gạch nhỏ của 4 gia đình chung sống, Daniela Prada – người phụ nữ đang mang thai nặng nhọc, vẫn ngày ngày đi hái lá ổi để pha trà cho cậu con trai hai tuổi.

“Con tôi bị ốm rất nhiều”, cô buồn bã nói trong khi đun một nồi nước phía căn bếp ngoài trời của mình. “Thằng bé luôn bị tiêu chảy và đêm qua đã bị sốt. Phần lớn thời gian tôi đều cho con uống các loại thuốc tự nhiên”.

Daniela Parada, 28 tuổi, một người tham gia nghiên cứu tóc quốc tế về ô nhiễm thủy ngân trong cộng đồng, chuẩn bị trà cho cậu con trai bị bệnh của mình. Ảnh: The Guardian.

Trong một ngôi nhà gần đó, lãnh đạo thị trấn Oscar Lurici nói rằng những cơn sốt là một phần cuộc sống của ngôi làng Eyiyo Quibo, trên con sông Beni ở phía bắc Bolivia. Cư dân ở mọi lứa tuổi đều bị suy nhược cơ thể, nôn mửa và tiêu chảy, suy giảm trí nhớ và mệt mỏi. Một số trẻ em còn có biểu hiện chậm phát triển nhận thức.

Lurici nói: “Chúng tôi không biết chắc chắn điều gì đã gây ra những căn bệnh này. Nhưng chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng tất cả là do nguồn nước bị ô nhiễm từ thủy ngân có trong chất thải khai thác”.

Con trai 17 tuổi của Lurici đã bắt đầu dần kiệt sức, đau nhức cơ thể và có biểu hiện run rẩy từ đầu năm 2019. Nhiều bác sĩ chẩn đoán các căn bệnh như Parkinson và thiếu máu. Một số người lại cho rằng căn bệnh bắt nguồn từ nước sông bị ô nhiễm. Sau đó không lâu, con trai ông đã qua đời.

Bolivia từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vì sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng quy mô nhỏ, và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm thủy ngân đang gây ra bệnh tật cho các cộng đồng cư dân nghèo. Thủy ngân được sử dụng rộng rãi trên khắp đất nước, từ những dự án khai thác mỏ ở nhiều dãy núi thuộc dãy Andes, đến các tàu nạo vét khai thác vàng từ trầm tích ở đáy các tuyến đường thủy. Việc thải bỏ chất thải thủy ngân một cách không kiểm soát đã vô tình tạo ra các dòng chảy độc hại trong hệ thống sông của Bolivia.

Một tàu nạo vét bên ngoài thị trấn Guanay, Bolivia. Trong thời kỳ đại dịch, khi giá vàng toàn cầu tăng, hoạt động khai thác đã tăng lên. Ảnh: The Guardian.

Được biết đến với tên gọi “con người của sông”, tộc người Esse Ejjas đã sống sót như những người du mục trong nhiều thế hệ, săn bắn và đánh cá dọc theo các tuyến đường thủy của khu vực. Sau khi định cư ở ngôi làng Eyiyo Quibo, những người đàn ông trong tộc vẫn tiếp tục đánh cá, dành nhiều ngày du ngoạn trên sông, cắm trại và làm việc chăm chỉ để chất đầy cá da trơn và cá piranha lên những chiếc thuyền gỗ dài và hẹp của họ.

Phát hiện chấn động

Trong các trường hợp khác trên khắp thế giới, bao gồm một nghiên cứu ở Amazon của Brazil do Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng công bố vào năm 2020, các nhà nghiên cứu đã phát hiện cá bị nhiễm thủy ngân nặng và tin rằng chế độ ăn chủ yếu là cá ở các khu vực khai thác đang làm gia tăng lượng nhiễm thủy ngân ở người bản địa. Điều này có thể giải thích một số bệnh tật ở làng Eyiyo Quibo.

Cá được đánh bắt từ những con sông là nguồn thức ăn chính của cộng đồng ngư dân phía bắc Bolivia. Ảnh: The Guardian.

Năm 2019, đại diện của tổ chức tình nguyện Bolivia Reacción Climática đã lấy mẫu tóc của phụ nữ tại làng Euiyo Quibo, bao gồm cả Prada. Tổng cộng, có 64 mẫu được lấy từ làng Euiyo Quibo và Portachuelo, một cộng đồng người Essa Ejja khác cách 380 km về phía bắc. Các mẫu tóc được sử dụng cho một nghiên cứu của Mạng lưới loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế (Ipen) nhằm đánh giá mức độ thủy ngân ở những người sống gần các mỏ khai thác nhỏ ở 4 quốc gia châu Mỹ-Latinh, bao gồm Brazil, Venezuela, Colombia và Bolivia.

Được công bố vào tháng 6/2021, nghiên cứu đã chỉ ra phụ nữ từ các cộng đồng Esse Ejja, những người tham gia duy nhất không sống gần mỏ, có mức thủy ngân cao nhất cho đến nay - trung bình gấp gần 8 lần ngưỡng được chấp nhận. Kết quả cũng cho thấy mối tương quan giữa thủy ngân trong cơ thể và lượng cá tiêu thụ.

Phát hiện này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo quốc tế. Vào tháng 9, nhiều báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về độc tố, quyền con người và quyền của người bản địa, Tiến sĩ Marcos Orellana và José Francisco Cali Tzay, đã đệ trình một lá thư lên chính phủ Bolivia chỉ trích quốc gia này không hành động rõ ràng trong việc quản lý, sử dụng và buôn bán thủy ngân.

Một cậu bé người Esse Ejja chở cá của mình bán một thương lái bên ngoài thị trấn. Ảnh: The Guardian.

Ở ngôi làng Eyiyo Quibo, nơi các cư dân hầu hết đều ăn cá sông hàng ngày, nỗi sợ hãi đang dâng cao. Prada lo ngại: “Đôi khi những đứa trẻ sinh ra ở đây sẽ bị dị tật hoặc ốm yếu. Giờ đây tôi đang rất lo lắng cho sức khỏe của các con. Tôi lo rằng chúng sẽ bị bệnh, hoặc thậm chí sẽ chết vì ăn cá bị nhiễm độc”.

Sự chú ý gần đây của quốc tế đã thúc đẩy các hợp tác xã khai thác trong khu vực và quốc gia yêu cầu chính phủ Bolivia cung cấp các giải pháp thay thế thủy ngân để sử dụng trong khai thác vàng. “Chúng tôi không có ý định gây thêm ô nhiễm. Ngược lại, chúng tôi muốn khai thác một cách có trách nhiệm”, Vicente Choque, chủ tịch Liên đoàn hợp tác xã khai thác vàng phía Bắc La Paz, cho biết trong một cuộc họp báo. “Chúng tôi yêu cầu các cơ quan quản lý khai thác, chính phủ và những người khác đề xuất chính sách để giải quyết những vấn đề này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những mỏ vàng ở Bolivia đang đầu độc chính người dân bản địa?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO