Những mùa Xuân Pác Bó

Phan Thị Hương 04/02/2022 08:00

Ngày 5/6/1911, ở tuổi 21, thầy giáo Nguyễn Tất Thành với tấm hộ chiếu mang tên Văn Ba, xin làm phụ bếp trên chiếc tàu La Touche Tréleville đi từ cảng Nhà Rồng sang Pháp. Từ đó, Người đến nhiều nước, làm nhiều nghề khác nhau chỉ với mục đích tìm con đường cứu nước. Những năm dài đằng đẵng nơi xứ lạ, mỗi khi tiễn năm cũ qua, đón năm mới đến, Người hướng lòng về Tổ quốc: Xuân ơi, Xuân rất mặn mà Trông về cố quốc biết là Xuân đâu?

Bác Hồ làm việc ở Pác Bó Tranh: Trịnh Phòng

Ba mươi năm sau, năm 1941, Người mới đặt chân về biên giới Tổ quốc thân yêu.

Trước đó, Bác đang ở gần biên giới tỉnh Cao Bằng trong lớp huấn luyện cho nhóm thanh niên trong nước ra tìm con đường cách mạng. Lớp học gồm 40 người, đồng chí Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm về nước trước, chuẩn bị địa điểm đón Bác về. Lớp kết thúc đúng Tết Tân Tỵ. Ngày 29 Tết, mọi người chia tay nhau về nước, Bác gặp từng người, dặn dò tỉ mỉ những điều cần thiết và hẹn ngày gặp lại. Bác phân công một số anh em vào làng chúc Tết bà con địa phương, nhà nào cũng phấn khởi mời cơm Tết. Còn Bác, đến mỗi nhà đều tặng một tờ giấy hồng Bác viết sẵn dòng chữ “Cung chúc tân niên”.

Tối mồng một Tết Tân Tỵ (ngày thứ Hai 27/1/1941), Bác cùng các học viên quây quần vui Tết ở làng Nậm Quang, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thì được tin chuyên viên Quốc dân đảng đang trên đường đến vùng này. Sợ bị lộ, cả đêm lo chuẩn bị gói ghém đồ đạc, sáng mồng 2 Tết (ngày thứ Ba 28/1/1941), Bác cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và nhiều đồng chí lên đường khi trời chưa sáng, sương mù dày đặc.

Chiều cùng ngày, Bác về đến biên giới Tổ quốc. Đồng chí Lê Quảng Ba ra đón, đi trước dẫn đường, đồng chí Phùng Chí Kiên và các đồng chí khác đi sau Bác. Đồng chí Vũ Anh đứng đón Bác dưới chân ngọn núi đá, cạnh mấy đám ruộng vừa gặt còn thơm mùi rơm rạ. Không ai bảo ai, mọi người đều dừng lại ở cột mốc biên giới 108, đưa mắt nhìn Bác, một cụ già người Nùng có tên gọi Già Thu trong bộ áo chàm, tay xách chiếc va ly mây dài chưa quá 3 gang, trong chỉ có hai bộ quần áo cũ, một ít tài liệu giảng ở lớp huấn luyện và chiếc máy chữ nhỏ hiệu Ba-by do ông Phan Bôi mua gửi sang Côn Minh tặng Bác. Bác vẫn giữ trong bao mấy tờ hóa đơn của hiệu sách Tô-panh, đường Pôn Be (nay là phố Tràng Tiền, Hà Nội). Tài sản mà Bác mang về sau 30 năm bôn ba tìm kiếm khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và châu Á là Con đường giải phóng dân tộc mà năm 1920 khi được đọc Luận cương của Lê-nin “Các vấn đề dân tộc và thuộc địa” Bác không nén được xúc động: “… Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Bước qua cột mốc biên giới, Bác bồi hồi, rưng rưng cúi xuống vốc nắm đất Tổ quốc lên hôn:

Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!

Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người

Ba mươi năm ấy chân không nghỉ

Mà đến bây giờ mới tới nơi!

(Theo chân Bác - Tố Hữu)

Pác Bó là làng cứ điểm đầu tiên của ta. Hai bên rừng cây xùm xòa, giữa có suối nước chảy mạnh. Trên suối là đại bản doanh cách mạng. Gọi là nhà thì nó không có nền. Gọi là thuyền thì nó không có mui, nhưng rất bí mật và rất thuận tiện cho công việc. Trong nhà thấy có một thùng gạo trộn ngô, một bát muối và một chai ớt. Đó là lương thực dự bị để mừng Xuân. Tối mồng 2 Tết Tân Tỵ, cái Tết đầu tiên sau 30 năm xa nhà, xa nước, Bác đã ăn Tết như vậy. Vật chất quá đạm bạc nhưng tinh thần phấn chấn, tình cảm ấm áp bên những người cùng màu da, cùng chí hướng đều là con cháu Lạc Hồng!

Ngày hôm sau thì các gia đình trong vùng núi Pác Bó đã bí mật gửi nếp, thịt lợn, bánh chưng kèm theo thư: “Anh em làm việc nước, tết nhất xa cửa xa nhà, chúng tôi gửi chút quà anh em ăn Tết”.

Hang lạnh tanh, trống trơn. Đồng chí Lê Quảng Ba phải xuống làng tìm gia đình cơ sở là anh em Dương Đại Long và Dương Đại Lâm, mượn một số nồi, bát đũa, mấy bộ quần áo, một chiếc chiếu. Anh em họ Dương xin phép cha, thì cụ già gạt phắt: “Tết nhất sao lại lên hang mà ở. Lạnh buốt xương, ngủ hang đá chịu sao nổi”. Cụ bảo đưa anh em xuống làng ở, có dân che chở.

Đồng chí Lê Quảng Ba phải nói thật là có đồng chí lạ cùng về, phải giữ bí mật, xuống bản chưa tiện. Hiểu ra, cụ già họ Dương bảo chọn ba chiếc chiếu tốt và các thứ khác đưa vào hang Cốc Bó.

Về hang, đồng chí thưa lại với Bác tấm lòng thơm thảo của người dân Pác Bó, cho nên mấy ngày sau, Bác xuống rừng, tới bãi Lũng Mín là nơi cha con họ Dương đang trồng ngô xuân, Bác chào hỏi cụ Dương, xưng tên mình là Thu Sơn, bình thường cứ gọi là Già Thu. Rồi hai người kéo nhau ra bìa rừng nói chuyện như là bạn tri âm lâu ngày gặp lại, khi chia tay rất quyến luyến. Sau đó là ngày rằm tháng Giêng, cụ Dương bảo gia đình sắm quà Tết Nguyên Tiêu để cụ và con trai, con dâu đem vào hang biếu Già Thu. Ít bữa sau đó, được Già Thu đồng ý, cụ Dương rủ tất cả các bạn già trong làng lên hang chơi, cùng Già Thu đàm đạo. Đến ngày lễ mừng thọ bà cố nội họ Dương 85 tuổi, Bác đến sớm, gặp đủ mọi người trong nhà nói chuyện. Quà mừng Bác mang đến là một chiếc đèn lồng hoa bằng trúc do Bác vào rừng chọn trúc về vót nan đan lấy. Bác chọn ngày vắng khách, đến nhà họ Dương uống rượu, bút đàm kết nghĩa.

Bảy người con của cụ Dương là những người Việt Nam đầu tiên vinh dự được đón nhận tinh thần Đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, sau đó được đưa vào cương lĩnh chính trị của Mặt trận Việt Minh.

Những ngày đầu Xuân 1941, Bác bận rộn chuẩn bị hội nghị Việt Nam giải phóng đồng minh ở Tĩnh Tây (Trung Quốc) mà đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp được Bác giao trực tiếp phụ trách; chuẩn bị Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 mà Bác Hồ với tư cách là đại diện quốc tế cộng sản đứng ra triệu tập. Hang Cốc Bó trở thành ngôi nhà từ đây sẽ mở ra một tương lai xán lạn cho Tổ quốc Việt Nam yêu quý qua bài thơ Pác Bó hùng vĩ của Người:

Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lê nin kia núi Mác

Hai tay gây dựng một sơn hà.

Hang Cốc Bó thuộc làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Từ bấy đến nay và mãi mãi, những cái tên Cốc Bó, Pác Bó trở thành địa danh, di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng cứu nước, danh nhân văn hóa thế giới, gắn với lịch sử dân tộc và rất đỗi thân quen với nhân dân ta. Mấy chục năm nay, đây là một điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế trong tour Về nguồn. Đường về Pác Bó không còn hoang sơ như xưa. Chỗ nào cũng cắm biển ghi tên địa danh, di tích lịch sử.

Tết 1942, Nguyễn Ái Quốc - Già Thu - Hồ Chí Minh cũng ăn Tết tại Pác Bó và khai bút bài thơ Chúc Tết đăng trên báo Việt Nam Độc Lập, số 114 năm 1942:

Tháng ngày thấm thoắt thoáng thoi đưa

Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!

Từ đó đến Tết Kỷ Dậu 1969, Tết cuối cùng trước lúc đi xa, Tết nào Bác Hồ cũng có bài thơ Mừng Xuân mới. Thơ chúc Tết của Bác là lời động viên, cổ vũ toàn quân toàn dân đoàn kết, hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu giành độc lập tự do, thống nhất đất nước và xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những mùa Xuân Pác Bó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO