Những mùa xuân trên biển

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện) 10/02/2021 09:00

Có một điều rất đặc biệt mà tôi chỉ được biết khi ra Trường Sa, đó là, tất cả những lá cờ Tổ quốc khi đã làm xong nhiệm vụ, đã sờn cũ và bạc màu, sẽ được bộ đội hạ xuống trong nghi lễ trang nghiêm, đóng dấu của đảo, gấp lại và tiếp tục bảo quản.

Chuyển quà Tết lên nhà giàn DK1.

PV: Những hải trình trên biển, vào những ngày cuối năm nay, khi nhắc lại, Lữ Mai nhớ nhất điều gì?

Nhà thơ Lữ Mai: Cuối năm, ở đất liền, trời sắp vào xuân, lạnh giá sẽ bớt đi và cây cối sẽ đâm chồi, nảy lộc. Còn biển đảo thì lại đang mùa sóng gió. Tôi chưa được trải nghiệm sóng gió biển khơi vào mùa này, nhưng đồng nghiệp kể lại thì gian nan lắm. Để chuyển quà Tết lên Nhà giàn, bộ đội phải buộc dây, hoặc dùng sức người kéo lên Nhà giàn, nếu sóng gió quá thì phải cho tất cả vào bao chống nước, buộc dây thả nổi, chờ bớt sóng bộ đội trên Nhà giàn sẽ kéo lên. Trong đó là mứt Hà Nội, trà Thái Nguyên, măng miến Tây Bắc, mì gạo Hưng Yên… Cũng như những năm trước đó, năm nay, tôi có tham gia vào một vài công đoạn trong đất liền cho những chương trình đưa “mùa xuân” ra biển, đảo như thế. Có nhiều điều, ở đất liền chúng ta cảm thấy bình thường, đương nhiên, nhưng nơi tiền tiêu lại quý giá và thiêng liêng lắm!

PV:Tôi cũng gặp trong nhiều bài viết của chị kể về những món quà từ đất liền gửi ra đảo, trong đó có cành mai, cây quất và cả những hoa trái được các chiến sĩ trồng trên đảo để bày biện mâm ngũ quả ngày Tết. Nó làm cho nhiều người xúc động. Còn một câu chuyện nữa, cũng rất ý nghĩa, đó là món quà mà nhiều người mong muốn nhận được từ các điểm đảo trong hải trình đi Trường Sa: những lá cờ Tổ quốc. Trong không gian của ngày cuối năm, tôi muốn chị chia sẻ thêm những cảm xúc của mình về những món quà ý nghĩa đó?

Nhà thơ Lữ Mai: Có một điều rất đặc biệt mà tôi chỉ được biết khi ra Trường Sa, đó là, tất cả những lá cờ Tổ quốc khi đã làm xong nhiệm vụ, đã sờn cũ và bạc màu, sẽ được bộ đội hạ xuống trong nghi lễ trang nghiêm, đóng dấu của đảo, gấp lại và tiếp tục bảo quản. Lâu dần, những lá cờ xếp thành từng lớp, độ đậm nhạt khác nhau. Chúng ta nhìn vào có thể hình dung lá cờ nào đã tung bay trong mùa sóng gió, lá cờ nào bay trong mùa khô hạn cả nửa năm ròng chưa đón một hạt mưa… Các đoàn công tác ra thăm biển đảo, khi ngỏ ý muốn tiếp nhận cờ Tổ quốc làm kỷ niệm, đều được chấp thuận. Hầu hết các lá cờ về đất liền sẽ hiện diện trong phòng truyền thống, bảo tàng, những không gian trang trọng nhất. Tôi cũng được biết, có nhiều bà con Việt kiều sau chuyến đi thăm Trường Sa, Nhà giàn đã mang theo lá cờ đầy ý nghĩa về nơi xứ xa và trong tất cả các ngày lễ trọng đại của đất nước, bà con kiều bào đều làm lễ dưới lá cờ Tổ quốc. Trong trường ca “Ngang qua bình minh”, tôi có những đoạn viết về hình ảnh cờ Tổ quốc: “Lá cờ như vòng tay/ lá cờ như tuổi trẻ/ đôi mươi trào dâng cơn dâu bể/ biến ảo phiêu linh trước đạn quân thù/ sau mỗi gương mặt kiên trung lặng im/ là trong ngực một lá cờ reo vẫy”. Không phải ngẫu nhiên, tất cả đoàn công tác đến với biển, đảo đều thực hiện nghi thức chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca… trước khi diễn ra các hoạt động khác. Đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những mùa xuân trên biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO