Những người giữ gìn câu hát

Nguyễn Văn Học 12/08/2021 16:22

Dòng sông Đáy uốn lượn trữ tình, đến huyện Kim Bảng (Hà Nam) thì như mở rộng ra, xanh mướt mát. Nơi đây nhiều làng, xã vẫn giữ được nhiều nét bình dị của nông thôn, đặc biệt có nhiều tấm gương nghệ nhân tâm huyết, vẫn truyền dạy, gìn giữ những làn điệu hát chèo, hát dậm độc đáo.

Một buổi hát dậm tại đền Trúc.

Hai chị em gìn giữ điệu hát dậm

Kim Bảng, có nghĩa là cái Bảng vàng. Nơi đây sinh ra nhiều nhà khoa bảng, những vị đỗ đạt cao từ xa xưa. Các di tích lịch sử, văn hóa cũng thật đặc sắc, như chùa thiêng Bà Ðanh - di tích lịch sử văn hóa quốc gia - chùa nằm ven bờ sông Ðáy, hay Ngũ Ðộng Thi Sơn là hệ thống hang động liên hoàn gồm 5 hang nối liền nhau trong lòng núi (thuộc thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn). Đền Trúc - nằm trong hệ thống khu du lịch Ngũ Động Thi Sơn là một địa danh có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, núi non trùng điệp, hang động độc đáo và không gian linh thiêng. Đến Trúc thờ anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, người có công chinh phạt phương Nam (thế kỷ 11) và đã truyền dạy nhân dân nơi đây làn điệu hát dậm (hay còn gọi là hát dặm).

Hát dậm được coi là một “đặc sản” văn hóa độc nhất vô nhị mà đến nay vẫn được các nghệ nhân, người dân và các em học sinh xã Thi Sơn gìn giữ. Hát dậm gắn với truyền thuyết về Lý Thường Kiệt. Năm 1069, Lý Thường Kiệt đem quân đánh Chiêm Thành, đến đoạn sông Đáy gần trại Canh Dịch (thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn ngày nay) thì gặp gió lớn nên đã dừng lại hạ trại, cho quân nghỉ. Sớm hôm sau Lý Thường Kiệt cho quân sửa soạn lễ vật tế trời đất rồi cùng đoàn quân lên đường. Thắng giặc trở về qua Quyển Sơn, Lý Thường Kiệt cho quân làm lễ tạ ơn trời đất, khao thưởng quân sĩ và dân làng. Trong thời gian ngắn lưu lại ngài cho tuyển những cô gái trẻ trong làng đến và dạy múa hát. Ngài còn dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Những điệu múa, lời ca được gọi là hát “Dậm”. Để ghi nhớ công lao, dân làng lập đền thờ tại đền Trúc, hằng năm tổ chức hội từ mồng một đến mồng 10 tháng Giêng. Từ đó hát dậm trở thành nét sinh hoạt văn hóa trong những ngày lễ hội và sinh hoạt văn hóa của vùng quê này…

Đã bao lần tôi về vùng đất này nghe hát dậm. Trước đây, giọng hát của bà trùm Trịnh Thị Răm đã khiến biết bao nhà văn hóa, người dân say mê tìm đến chỉ để được nghe bà hát. Tìm hiểu, bà Răm biết hát từ năm 12 tuổi và mau chóng thuộc 38 điệu hát cổ. Từ năm 1974 cho đến năm 2014 bà Răm làm trùm phường hát dậm Quyển Sơn. Từ năm 2010 trở đi, bà hướng dẫn cho em gái là bà Trịnh Thị Phẩm với mong muốn hát dậm được phát triển bền vững. Năm 2014 bà Răm trao trọng trách trùm phường hát dậm cho bà Phẩm.

Điều đáng nói, bà Răm là người đã mang điệu hát dậm đi quảng bá, hát ở 14 quốc gia trên thế giới. Cơ duyên từ một cô gái yêu văn hóa Việt (bố người Việt, mẹ người Pháp) tên là Esola Thủy. Cô đến tìm và ngỏ ý mời bà Răm đi nước ngoài biểu diễn. Bà Răm quanh năm chỉ biết hát cho những đêm diễn, lễ hội làng quê, chẳng ngờ có ngày được chu du nước ngoài. Trong hai năm 2005 và 2006 đi 4 đợt, mỗi đợt 4 tháng. Những nơi bà đã được đặt chân đến là Đan Mạch, Na Uy, Anh, Bỉ, Đức và Mỹ…
Bà Phẩm chia sẻ: “Bây giờ chị gái tôi không còn. Nhưng tôi cũng mong có điều kiện thuận lợi để đi biểu diễn ở nước ngoài, giúp quảng bá vẻ đẹp và văn hóa Việt Nam”.

Cùng với chị, bà Phẩm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) vì có công gìn giữ hát dậm, tích cực truyền dạy cho hàng trăm em nhỏ ở quê hương, từ lớp này qua lớp khác. Bà Phẩm cho hay: Đội múa hát dậm có khoảng 12 đến 24 con dậm, với độ tuổi từ 14 đến 20, là những cô gái chưa lập gia đình. Trong những ngày diễn ra lễ hội, trước bàn thờ Thánh khi diễn xướng bà trùm mặc áo lụa vàng, đội khăn vàng đứng giữa. Dọc hai bên là các thiếu nữ duyên dáng trong tà áo, đầu đội khăn vấn màu đỏ, thắt lưng màu đỏ, đứng thẳng hàng quay mặt vào ban thờ và cùng hát xướng.

“Hát dậm có 38 bài, là những bài thơ, văn có làn điệu. Bài dài tới cả trăm câu thơ. Bài ngắn chỉ có ba, bốn câu thơ. Hát dậm không chia thành chặng, phường dậm vừa hát vừa múa từ bài này sang bài khác. Trong 38 làn điệu ấy có một nửa là nhạc múa, còn lại là hát. Ngày nay không phải kỳ hội xuân, thì trong sinh hoạt thường, phường chúng tôi để cả chị em lớn tuổi cùng hát”, bà Phẩm nhấn mạnh.

Hiện nay, sum vầy bên bà Phẩm là hơn 30 học sinh nữ, những cô gái chưa chồng. Các cô gái ở bên bà để được bà truyền dạy điệu hát, đến kỳ lễ, ngày hội thì đi phục vụ. Bà Phẩm bảo, cần nhiều cách để khích lệ các em yêu câu hát truyền thống, một trong những cách dễ dàng là thương lấy các em, rồi làm cho các em tự hào khi hát hay và giỏi múa.

NNƯT Trịnh Thị Phẩm hướng dẫn học trò múa hát.

Vùng văn hóa đặc sắc

Ở Thi Sơn không chỉ có hát dậm. Nơi đây còn có những giọng ca chèo đặc sắc. Hơn 10 năm qua, CLB Chèo Thi Sơn được thành lập, tiếp nối những giá trị của người đi trước, phát triển nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc. Theo bà Đỗ Thị Hải Yến - Chủ nhiệm CLB chèo Sông Đáy Thi Sơn, việc duy trì hoạt động của CLB gặp khó khăn, nhưng CLB luôn nhận được sự quan tâm, động viên, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của các nhà hảo tâm và đông đảo người dân. Bà Yến cùng các thành viên luôn nỗ lực tập vở, giao lưu văn nghệ, đi biểu diễn ở nhiều vùng có chèo.

“Mong cho dịch Covid-19 qua mau, để chúng tôi có điều kiện đi giao lưu”, bà Yến hi vọng.

Cũng ven sông Đáy, xuôi về những cánh đồng giáp huyện Mỹ Đức (Hà Nội), tôi thăm CLB Chèo Lê Hồ (xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng). Ở đó, nòng cốt của CLB là những nghệ nhân và người dân làng Phương Thượng. Thậm chí, gia đình NNƯT Hoàng Văn Hởi có 4 đời gìn giữ các làn điệu chèo. Hiện nay, con trai, con gái, cháu nội của nghệ nhân Hoàng Văn Hởi đều là các thành viên đắc lực của CLB Chèo Lê Hồ. Vào những đợt tập vở hay luyện bài, các thành viên trong gia đình sử dụng nhạc cụ hoặc sắm một vai diễn. Ai nấy đều thả hồn, “phiêu” theo những nhịp, phách, lời hát luyến láy của vở hát chèo.

NNƯT Hoàng Văn Hởi chia sẻ khi còn bé, ông đã được nghe, được dạy hát chèo từ bà cô là nghệ nhân Nguyễn Thị Đại, lúc đó bà thường xuyên đảm nhận các vai Đào chính trong gánh chèo Hai Chưng, cùng thời và là bạn diễn của bà Trùm Bách. Chính những năm tháng được sống với câu ca, lời hát chèo đã giúp cậu bé 9 tuổi khi đó thêm yêu chèo tha thiết. Năm 1966, ông Hởi lên đường nhập ngũ và trở thành hạt nhân trong phong trào văn nghệ của đơn vị. Năm 1970, phục viên trở về quê hương và xây dựng gia đình, ông Hởi được bố vợ và dì ruột của vợ là những người giỏi hát chèo truyền dạy thêm các bài chèo cổ.

Ông Hởi kể: “Năm 1997, sau khi tái thành lập tỉnh Hà Nam, CLB Chèo Lê Hồ ra đời. Tôi được giao trọng trách là phó chủ nhiệm CLB phụ trách biên tập, đạo diễn và truyền dạy. CLB với hạt nhân là các nghệ nhân ưu tú của các xã trong huyện gồm 30 thành viên từ đó dần hình thành và phát triển. Các tích chèo cổ trong Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ... dần trở thành “món ăn” không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người dân Lê Hồ”.

Những năm qua, NNƯT Hoàng Văn Hởi đã truyền dạy hát chèo cho gần 200 học trò.

Những năm qua, ông Hởi đã truyền dạy cho gần 200 học trò, ông cũng là người viết hàng chục vở chèo mới, gây dựng phong trào hát chèo của tỉnh Hà Nam, đồng thời được mời làm đạo diễn nhiều chương trình văn nghệ ở địa phương. Anh Hoàng Văn Phúc, con trai ông Hởi tâm sự: “Mỗi người trong CLB đảm nhiệm một vai trò, nhiệm vụ khác nhau và cùng làm giàu có đời sống tinh thần ở vùng quê lúa tuyệt đẹp. Người biết nhạc lý nhận vai làm nhạc công, người biết hát là diễn viên, ai có năng khiếu, sở trường về múa được phân công làm diễn viên múa. Vì coi nhau như người trong gia đình, nên mỗi khi tập luyện hay biểu diễn, việc góp ý, chỉnh sửa về điệu hát, cách diễn xuất được dễ dàng rất nhiều…”

Trong dòng chảy của cuộc sống, những làn điệu dân ca, điệu hát cổ luôn có sức sống lâu bền. Bởi những điệu hát đó làm sáng đẹp đời sống tinh thần của người dân, giúp bảo lưu những vốn văn hóa quý báu của đất nước. Các vùng quê may mắn vì có những nghệ nhân giàu tâm huyết với điệu hát truyền thống, luôn biết cách làm lan tỏa những điệu hát ấy vượt ra khỏi vùng quê mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người giữ gìn câu hát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO