Những người hết lòng với nghệ thuật truyền thống

Diên Khánh 18/10/2021 07:55

Hơn chục năm qua, các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, tuồng, hát xoan, ca trù, múa rối nước… bị lấn át mạnh mẽ bởi các loại hình giải trí hiện đại. Song những người yêu nghệ thuật truyền thống đã không ngừng làm mới, đào tạo, tìm kiếm truyền nhân, dấn thân và bền bỉ làm lan tỏa những giá trị.

NSND Mẫn Thu.

1. Nhiều năm bám sát đời sống văn hóa, tôi đã gặp không ít tấm gương mà ở họ luôn có một quyết tâm lớn. Đó là nhạc sĩ Thao Giang (Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam), từ chục năm trước, ông quả quyết: “Không thể để xẩm bị mai một”. Lời nói của ông đã được chứng minh bằng việc làm cụ thể. Từ năm 2005 ông đã cùng nhạc sĩ Minh Khang vận hành Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam, mở các lớp dạy xẩm và thực hiện công việc “cứu xẩm” khi loại hình nghệ thuật này bị sao nhãng. Sau khi thông báo tuyển học viên, điều khiến các ông mừng lòng là có tới 100 người, trong đó đa phần giới trẻ tham gia. Khi đó, nhạc sĩ Thao Giang quả quyết một điều, giới trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống, chỉ có điều là có khơi gợi được lòng đam mê của các em không thôi.

Bây giờ, khi nghệ thuật xẩm có chỗ đứng trong lòng công chúng, không ít bạn trẻ đã được học bài bản, khơi dậy đam mê và đang cống hiến cho nghệ thuật xẩm, nhạc sĩ Thao Giang càng tin rằng, mình đã đi đúng hướng. Ông tâm sự: “Khi tôi mới bước đầu thực hiện công việc cứu xẩm, một nhà quản lý văn hóa bảo: Hà Nội tụ hội tinh hoa khắp cả nước, chẳng thiếu loại hình âm nhạc truyền thống nào. Nhưng lại chẳng có một loại nào riêng, thành ra đi đâu cũng ngại... “đụng hàng”. Tôi khẳng định là có, chính là xẩm tàu điện. Chúng tôi cũng phải tuyên chiến với sự rối loạn của các trào lưu âm nhạc. Cũng may các nghệ sĩ Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Thúy Ngần, Văn Ty… đã nhiệt tình giúp đỡ suốt 16 năm qua”.

Điều mà Trung tâm làm được, là đã khôi phục được nghệ thuật hát xẩm có nguy cơ thất truyền, khôi phục và tổ chức được ngày giỗ tổ nghề xẩm, đào tạo các lớp hát thế hệ trẻ. Trung tâm đã tìm được gần 100 nghệ nhân trên các miền đất nước: Ca trù, xẩm, chầu văn, trống quân...

Một người cũng hết lòng với xẩm, là nghệ sĩ Thu Phương (sinh năm 1985), một học trò xuất sắc của nhạc sĩ Thao Giang. Hơn chục năm trước, khi đang có công việc ổn định, Thu Phương đã rời quê hương Quảng Ninh về Hà Nội học xẩm. Với chất giọng đặc biệt, năng khiếu và lòng đam mê, Phương đã thành công với lựa chọn của mình. Chị đã và đang là người tâm đắc, tổ chức các lớp dạy xẩm ở Quảng Ninh. Vừa qua Thu Phương đứng lên thành lập Chiếu xẩm Hiệp An, phường Phương Nam (TP Uông Bí - tỉnh Quảng Ninh) với mong muốn gây dựng phong trào hát xẩm và tham dự cuộc thi ở các Liên hoan hát xẩm. Nhìn lại cả một quá trình phấn đấu, Thu Phương cũng không thể ngờ mình dám vượt qua sự ngăn cản của gia đình, chia tay người yêu, một thân con gái đi học hát xẩm mà theo mọi người là “không có tương lai”. Giọng hát của Thu Phương được đón nhận, nhiều tổ chức đã và đang mời chị hợp tác. Tôi hỏi Phương: Dấn thân theo xẩm chắc chắn là vất vả, thậm chí phải sống nghèo, chị có ân hận? Phương bảo: “Tôi chưa hề cảm thấy hối tiếc về sự lưa chọn của mình khi theo xẩm. Nhiều người ở tuổi tôi đã có kinh tế khá giả, còn tôi chỉ có tài sản là sự yêu mến của khán giả. Tôi cũng thấy mình đã chịu khổ, nỗ lực trong nghề nghiệp cho dù có khó khăn và đôi khi cả sự hy sinh. Ngày ấy nếu yếu đuối, kém quyết tâm một chút thì tôi sẽ phải chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt”.

NSND Hoài Huệ và NSND Hồ Thu trên sân khấu.

2. Các loại hình nghệ thuật khác, nhiều tấm gương bền bỉ gìn giữ, phát huy gia trị như Mẫn Thu, Thanh Tiền (tuồng); vợ chồng NSND Nguyễn Xuân Hợi và NSƯT Võ Thị Tuyết (tuồng), vợ chồng NSND Hoài Huệ và NSƯT Hồ Thu (bài chòi); Ngọc Viễn (chèo); NSND Hồng Lựu, nghệ sĩ trẻ Thanh Phong (dân ca ví, giặm)…

Vợ chồng NSND Hoài Huệ và NSND Hồ Thu sinh ra và lập nghiệp ở vùng đất võ Bình Định. Hoài Huệ là lớp diễn viên khóa I Trường Văn hóa nghệ thuật Nghĩa Bình, khóa 1978-1981 (nay là Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Bình Định) - thế hệ chủ lực của Đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định suốt mấy chục năm qua. Còn NSND Hồ Thu sinh ra trong gia đình truyền thống nghệ thuật, được dạy bài bản nên đã trở thành người có đóng góp lớn cho nghệ thuật truyền thống Bình Định nói riêng, nghệ thuật truyền thống cả nước nói chung. Hồ Thu chia sẻ: Vợ chồng tôi có đủ đầy các yếu tố để làm nghệ thuật. Thời thanh xuân, tôi và anh Hoài Huệ trở thành vợ chồng và có thể giúp đỡ nhau rất nhiều vì công tác cùng đoàn. Cái duyên khiến chúng tôi đến với nhau là năm 1978, học chung Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghĩa Bình. Lúc ấy đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thiếu diễn viên nên tôi và chồng được chọn về bổ sung lực lượng. Làm việc cùng cơ quan là điều kiện để tương hỗ cho nhau”.

Ở Bình Định vợ chồng NSND Nguyễn Xuân Hợi và NSƯT Võ Thị Tuyết nổi tiếng không chỉ bởi chuyện tình đẹp, hạnh phúc mà còn bởi họ chung đam mê, cống hiến hết lòng cho nghệ thuật. NSND Xuân Hợi (sinh năm 1959) nổi lên từ lò tuồng Nhơn Hòa (huyện An Nhơn) từ năm 12 tuổi, có bố và anh trai là nhạc công. Khi đó anh là cậu bé có niềm đam mê, nhẫn nại, chịu khó luyện tập và được cặp vợ chồng nổi danh về tuồng ở Bình Định lúc bấy giờ là Hoàng Chinh - Hồng Thu nhận làm con nuôi và hết lòng bồi dưỡng nghề. Còn Tuyết Mai là con của NSND Võ Sỹ Thừa - một trong những cánh chim đầu đàn của ngành tuồng cả nước và NSƯT Đinh Bích Hải - diễn viên nòng cốt của Đoàn tuồng Liên khu V. “Con nhà tông, không giống lông thì cũng giống cánh”. Ngay từ nhỏ giọng ca của Tuyết Mai đã trở nên vượt trội. Năm 1980, hai nghệ sĩ làm đám cưới và dồn sức cống hiến cho Nhà hát tuồng Đào Tấn. Võ Thị Tuyết được sắm nhiều vai quan trọng như Chung Vô Diệm, Tiêu Anh Phụng, Lưu Kim Đính… là những vai diễn hiện nay chưa có người thay thế. Chị có thể vào vai đào bi, đào chiến hay đào lẳng và cả các vai mụ. Nghệ sĩ Võ Thị Tuyết tâm sự: “Một lần công diễn, đóng vai Tiêu Anh Phụng trong vở tuồng Tiêu Anh Phụng loạn trào đúng lúc tôi bị ốm, nhưng vẫn cố gắng diễn. Vai diễn thành công ngoài sức tưởng tượng, chị đoạt Huy chương vàng. Đó là thành công mỹ mãn của tôi”.

Năm 1989 tỉnh Nghĩa Bình tách thành Bình Định và Quảng Ngãi, các đoàn nghệ thuật bị cắt giảm kinh phí. Mỗi người chỉ được hỗ trợ 20% lương nên phải tự bươn chải cuộc sống. Dù khó khăn nhưng Xuân Hợi và Võ Thị Tuyết vẫn gương mẫu giữ nghề. Xuân Hợi đã có nhiều vai diễn in đậm tài năng của mình như: Lê Quyết trong vở Trời Nam, Hàn Tín trong vở Mộng bá vương, Lý Long Tường vở Hồn Việt… Điều đáng nói, vì công việc nên dù muốn có con thêm, hai nghệ sĩ chỉ sinh có một người con trai. Xuân Hợi bày tỏ: “Có thời điểm, chúng tôi đã bàn nhau phải sinh thêm con. Nhưng rồi công việc cuốn đi, bao lần hẹn rồi gác lại. Giờ thì chúng tôi đã… già”.

Nghệ sĩ trẻ Thu Phương.

3. Đam mê, dấn thân và thậm chí phải hy sinh hạnh phúc hoặc nhu cầu cá nhân để cống hiến, các nghệ sĩ đã có được thành quả, sự yêu mến của khán giả, học trò giỏi nghề. Nhưng cùng với lòng tự hào, họ cũng còn nhiều nỗi trăn trở. Bởi như NSND Mẫn Thu chia sẻ, hiện nay rất khó tìm người trẻ dấn thân theo tuồng. Trước đây có những người tài năng, đã theo được một thời gian, rồi vì cơm áo nên phải bỏ để rẽ sang đi làm công việc khác. “Từ tài năng của người trẻ đến việc dấn thân và cống hiến là một quá trình dài. Khi cuộc sống khó khăn, người ta phải cân nhắc về kinh tế”, nghệ sĩ Mẫn Thu nhấn mạnh.

Trước những vấn đề đặt ra, nghệ sĩ trẻ Thanh Phong, kiến nghị: “Thật sự không còn nhiều người trẻ dấn thân một cách mạnh mẽ, dù đã được thế hệ nghệ sĩ đi trước động viên, truyền nghề. Để giúp nghệ sĩ trẻ yên tâm công tác, cống hiến cho ví, giặm cần nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về chế độ đãi ngộ, được tạo điều kiện tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật. Bởi xét đến cùng, người trẻ chính là tương lai vài chục năm tới của nghệ thuật, âm nhạc truyền thống”.

Nghệ sĩ trẻ Thanh Phong.

Nhạc sĩ Thao Giang nhấn mạnh: Gìn giữ, phát triển nghệ thuật truyền thống là công việc gian nan, khó khăn đòi hỏi cả nghệ sĩ phải dám hy sinh.

Mong rằng, thời gian tới, với sự bền bỉ, dấn thân của những nghệ sĩ trong các loại hình nghệ thuật, Nhà nước sẽ có chính sách phù hợp giúp mạch nguồn nghệ thuật truyền thống được chảy mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người hết lòng với nghệ thuật truyền thống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO