10 năm qua, đã có 698 nông dân Việt Nam xuất sắc được tôn vinh trong chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam”… Trong số đó, rất nhiều nông dân sau khi được vinh danh đã thành lập doanh nghiệp và vươn lên trở thành doanh nhân nổi tiếng trong ngành nông nghiệp.
Đưa đặc sản đi xuất khẩu
Kể về những ấn tượng doanh nhân nông dân được vinh danh trong 10 năm qua, ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, có rất nhiều nông dân bắt đầu từ bàn tay trắng nhưng với những nỗ lực và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã đưa những món quà quê đi xuất khẩu.
Đơn cử như nông dân Võ Quan Huy ở xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã gắn bó với nông nghiệp trên 40 năm. Đất đai ở xã Hiệp Hòa vừa nhiễm phèn vừa nhiễm mặn, khiến người dân địa phương gọi đây là vùng đất chết bởi không trồng cây gì được ngoài đước và tràm. Thế nhưng, ông Huy đã tìm ra một hướng đi mới. Năm 2014, sau khi xây dựng trang trại bò Úc hơn 1.000 con ở xã Hiệp Hòa, ông dùng phân bò cải tạo đất phèn và bắt đầu trồng thử nghiệm chuối. Vừa trồng thử nghiệm cây chuối, ông vừa đi các nước tìm hiểu, mở cửa thị trường cho trái chuối. Chỉ 1 năm sau đó, ông đã xuất khẩu được trái chuối sang thị trường Nhật Bản.
Năm 2016, ông Huy thành lập công ty, trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu trái chuối có thương hiệu Fohla. Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu chuối Fohla đã xâm nhập nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
“Bắt đầu trồng chuối từ năm 2014, đến nay, mỗi năm chúng tôi xuất khẩu được hàng nghìn tấn sang các thị trường Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đáng mừng là mặc dù trải qua hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng mô hình trồng chuối xuất khẩu của tôi vẫn duy trì ổn định, thậm chí tăng trưởng” - ông Huy chia sẻ.
Đến thời điểm này, Công ty của ông Huy đang quản lý hơn 3.000 ha đất nông nghiệp ở nhiều địa phương, canh tác nhiều loại cây trồng vật nuôi: chuyên canh tôm, nuôi vỗ béo bò Úc, trồng trà, cao su, bưởi da xanh. Đặc biệt, công ty có 500 ha đất chuyên trồng chuối xuất khẩu.
Doanh thu 50 tỷ nhờ áp dụng công nghệ số
Đây là câu chuyện có thật của nông dân Hoàng Mạnh Ngọc ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Trải qua nhiều công việc kể cả đi xuất khẩu lao động nhưng khi về nước ông Ngọc quyết định chọn khởi nghiệp với mô hình nuôi gà. Chính vì vậy, năm 2015 ông đã mạnh dạn vay 40 tỷ đồng để mở trang trại chăn nuôi, sản xuất giống gia cầm xa khỏi khu dân cư. Sang năm 2016, ông quyết định thành lập công ty.
Hiện nay, trại gà của ông Ngọc có quy mô 20 vạn gà bố mẹ, 100 máy ấp trứng hoạt động hết công suất để cung cấp ra thị trường 4 vạn giống gà thịt và 4 vạn giống gà trứng trong vòng 4 ngày. Từ nuôi gà, hiện ông Ngọc có doanh thu đạt 9 tỷ đồng/tháng. Năm 2021, doanh thu từ nuôi gà của ông đạt trên 50 tỷ đồng.
Với phương châm, không được để gà mắc bệnh, ông Ngọc cũng là một trong những người đầu tiên ở Đông Anh xây dựng trại lạnh, trại lồng nuôi gà sinh sản và dây chuyền sản xuất gà giống đều áp dụng công nghệ khép kín. Ông Ngọc đã áp dụng công nghệ 4.0 vào các khâu kiểm soát nhiệt độ, thức ăn nước uống trong chuồng nuôi, nhiệt độ trạm ấp.
"Hệ thống cho gà ăn, uống được tự động hóa. Cần nhập số lượng cám cho gà ăn bao nhiêu, chỉ cần nhập trên máy điều khiển rồi bấm nút cái là xong. Ứng dụng 4.0, vừa tiết kiệm chi phí mà người nuôi rất nhàn. Đi đâu tôi cũng vẫn quản lý và điều hành công việc được" - ông Ngọc nói.
Với những kết quả đạt được trong sản xuất, năm 2022 ông Ngọc là 1 trong 100 nông dân xuất sắc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh. Đánh giá vai trò của nông dân hiện nay, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, có rất nhiều nông dân đã xây dựng được những chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị nông sản như bà Nguyễn Thị Hoan ở Na Rì, Bắc Kạn, xây dựng hợp tác xã sản xuất miến dong, đưa sản phẩm miến đạt OCOP 5 sao quốc gia và xuất khẩu sang EU; hay hợp tác xã của ông Nguyễn Thanh Giang (Thoại Sơn, An Giang) mạnh dạn đưa máy bay không người lái vào trong các khâu sản xuất lúa; nhiều nông dân là người dân tộc thiểu số đã biết tận dụng tiềm năng, giá trị văn hóa của dân tộc mình để làm du lịch sinh thái như anh Sình Dỉ Gai ở xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang…
Họ không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, tạo việc làm cho nhiều người, dẫn dắt các nông dân khác làm theo mà họ còn là những nhân tố quan trọng thúc đẩy, lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tối 14/10, Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022” đã diễn ra tại Nhà hát lớn, Hà Nội. Những nông dân xuất sắc được bình chọn là những nông dân năng động, sáng tạo, có ý chí vượt khó làm giàu và sống có trách nhiệm, nghĩa tình với cộng đồng, góp phần tích cực trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, những nông dân này có đóng góp mang tính dẫn dắt trong quá trình hồi phục của nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau khi đại dịch Covid-19 được cơ bản kiểm soát.