Những ruộng rau bị mắc kẹt

Hoa Nguyễn 25/11/2021 09:00

Mùa đông, gió bấc se sắt, bắp cải chắc nịch tay, xà lách gặp rét cũng cuộn kỹ, có khi chỉ 1 cây với đôi mớ mùi thơm, chưng bát nước cà chua to thả vào đó dăm củ hành tước là được một món ngon “nhớ đời” và nhiều kí ức xưa cũ lại ùa về.

Cùng với đó là rau cải non mấng, khoai tây mới dỡ bở tơi... Nhiều người hẳn sẽ nhãng quên rau muống. Ai mà nhớ rau muống độ tháng 10 trở đi, cằn, chát đã trổ hoa tím, hoa trắng đầy ruộng. Mùa nào thức nấy, phải dành chỗ cho những thứ rau củ khác chứ rau muống đã “chiếm lĩnh” đến cả 3 mùa trong năm và còn có vị trí trong nỗi nhớ của người xa quê.

Và chắc hẳn từ độ mùa thu, khi lứa rau muống cuối cùng hái xong thì người ta cũng đã cày lật phá ruộng rau muống để trồng những cây rau màu của vụ đông xuân. Đôi ruộng muống không bị cày lật thì cũng bị bỏ mặc gốc cũ chống chọi với mưa gió, hanh hao, nở hoa một mình. Người ta chỉ trở lại với ruộng khi nhớ đến mớ rau mầm nấu với gừng và cà chua mà thôi. Mãi cho tận đến khi có nồm ẩm những ruộng rau muống mới được cấy lại, hoặc những bè rau trên ao, hồ, hay sông mới được tung đạm, đợi sau những trận mưa rào rau muống ngon trở lại sẽ được bán những mớ rau muống đầu mùa trong sự ngóng trông của người mua. Thế nhưng, cũng đã lâu rồi, có những ruộng rau muống bị mắc kẹt, sống hoang dại suốt cả bốn mùa chẳng ai hỏi đến.

Xã thành phường, dẫu có cả một khoảng thời gian dài rậm rạp chuẩn bị, nhiều người háo hức ra mặt. Nhưng gương mặt làng xã bao đời canh nông cũng không phải nhanh chóng “xóa sạch dấu vết” bằng những tòa nhà cao tầng hay những nhà ống, biệt thự. Dự án “lấn dần” ruộng cấy, đất của dự án không thể tháng này, mùa này, năm này dùng đến ngay. Nhà dân ở xung quanh vẫn có thể “mượn tạm” ruộng đất ấy để trồng cây ngắn ngày. Đất cao thì trồng cây hoa tết chơi xong không nỡ vứt bỏ, hay để vài thùng xốp đất trồng rau thơm, gieo rau cải. Đất trũng thì cấy ruộng rau muống, vừa có việc làm lại vừa có thu nhập nho nhỏ chi tiêu hàng ngày. Dự án các tòa nhà trọc trời còn ở đằng xa, cũng vì thế những ruộng rau muống lan rộng hơn, theo kiểu được đến đâu hay đến đấy. Nhưng rồi, có thể đường nội khu của dự án đã được định rõ, đất đổ ầm ầm suốt đêm, những ruộng rau bị xóa sổ, hoặc lấm lem đất, hoặc cạn kiệt nguồn nước về... và đương nhiên là những ruộng rau muống ấy bị mắc kẹt mà thành rau hoang. Rau muống vốn ưa nước, những ruộng trũng nước vẫn có thể đổ về, nhưng là nguồn nước bẩn, nước thải sinh hoạt chứ không phải nước mưa hoặc nước thủy nông đổ về theo mương máng như xưa, nên rau ấy có lên xanh được thì cũng chẳng có người hái. Có những mùa đông se sắt gió bấc, rau muống dại vẫn đan chặt nhau, mọc lan, nở những bông hoa tím thật đẹp. Hoa nở trong tiếng ầm ào của công trường xây dựng. Rau muống đỏ thường khỏe hơn, nở hoa màu tím.

Có những góc đồng, có những vạt đất nông nghiệp còn canh tác, người ta vẫn trồng rau muống, thế cho nên những ngã ba đường lớn, hiện đại vẫn thấy đôi người xắn quần gánh rau bán bên đường hay ở các ngã ba, ngã tư gần lối dẫn vào làng xưa. Rau muống vẫn được bó bằng rơm và người ta vẫn cho tiền vào tay áo xắn lên hoặc cho vào cái túi vải nhỏ, rút dây túm và đút vào trong cái ủng vừa lội dưới ruộng lên mới khỏa rửa qua loa vẫn còn dính bùn đất. Có những người thích mua những mớ rau kiểu này, nhưng cũng không ít những người sợ vì nguồn nước tưới rau đã không còn đảm bảo và rau này sẽ không thể sạch như rau trồng ở quê hoặc các vùng chuyên canh. Thường thì đây là những vùng trũng, nước từ trên đường, từ mương cống chảy về đây, nên những ruộng rau muống này tuy vẫn non xanh gần trọn năm nhưng người mua nếu biết nó có nguồn gốc từ những ruộng rau mắc kẹt này thì rất có thể hoảng hốt không dám ăn.

Xưa, cách khu chợ Hà Đông sầm uất không xa, mạn khu 3 tầng là khu ruộng trũng, rau muống, rau cần được cấy trồng quanh năm. Thế rồi đô thị hóa những làng ven đô đã lên phường thì khu đất này cũng không thể cấy trồng được nữa và ruộng ấy thành phố đã lâu. Dấu vết những con mương nhỏ dẫn ra cánh đồng ven thị xã cùng những ruộng rau muống tận dụng đất trống cũng chỉ còn trong kí ức những người tuổi trung niên đã từng ở các khu này.

Qua một chặng đường tính ra khoảng mươi năm, từ thị xã Hà Đông, lên thành phố Hà Đông và nay là quận Hà Đông những xã lân cận thị xã xưa cũng đã đô thị hóa. Thay vì cánh đồng xưa đã là phố phường với những tòa nhà chọc trời, những khu đất phân lô, biệt thự và các công trình xã hội khác. Đương nhiên bên cạnh quốc lộ vẫn còn đất cho lúa, đào và rau muống. Lúa phất phơ 2 vụ, đào trên vùng đất xưa là ruộng cũng đã góp mặt được mươi mùa xuân. Rau muống cũng còn trên những vùng đất trũng hơn. Và cũng không thoát khỏi số phận “mắc kẹt” như những ruộng rau trên các vùng đất đã và đang đô thị hóa khác. Rau muống lên trong vùng ruộng trũng nước đen, thân rau cũng đen kịt, những ngọn ngoi phất phơ, trông thấy mà ái ngại lo rằng không tinh ý đi chợ nếu mua phải loại rau muống này về ăn thì không đảm bảo an toàn…

Từ Hà Đông, con đường vành đai vắt qua cánh đồng nhiều làng về phía Nam thành phố, lúa màu cùng những ruộng rau muống dù đã bị thu hẹp nhưng vẫn cho tầm mắt mở rộng hơn và đón nhận luồng không khí thoáng đãng khác hẳn những con phố. Và cũng rất dễ dàng thấy những ruộng rau muống xanh om, những bè rau lan kín mặt các mương. Những đàn trâu lội bì bõm ăn rau muống thay cỏ, những đàn vịt của dân đồng trũng thả trắng đồng cũng tha hồ nhặt thức ăn từ những ruộng rau muống này. Hỏi người dân mới biết đó là những ruộng rau muống bỏ hoang, người dân các làng xã ấy đã không còn mặn mà với việc cấy trồng rau muống nữa phần vì thu nhập không cao lại không sẵn nguồn nước sạch tưới tắm nên không thể thu hoạch để bán được. Có người tiếc rẻ, trong lúc đi làm đồng có hái mớ ngọn rau về luộc ăn, nhưng luộc lên rau có vị chát, nước đục ngầu, phải bỏ. Rau muống trên đồng đất quê mình, không bón phân, phun thuốc, mọc hoang, những tưởng là món ngon, hái về mà chẳng thể ăn được, nghĩ mà buồn. Nghe được câu chuyện ấy mà khiến tôi buồn mãi, tự dưng do sánh với những mớ rau muống giòn, xanh mướt vùng chuyên canh luộc lên thật ngon. Và cũng lại nhớ những mớ rau muống mầm ngắn ngủn, người ta lựa hái khi ruộng rau còn lác đác hoa và ì ầm đâu đó tiếng sấm báo sang mùa thủa nào.

Tôi nhớ quê ngoại tôi, làng nằm ngay chân cầu Mai Lĩnh - làng lên phường thuộc quận Hà Đông cũng đã lâu. Xưa cánh bãi làng tôi và suốt dải đê này nổi tiếng vì trồng màu, mặt sông Đáy những bè rau muống lớn nhỏ rải rác khắp mặt sông. Rau muống bè sông Đáy ngon có tiếng, người làng hái đem lên chợ chân cầu bán cho khách xa gần, nhiều người ngóng mua mớ rau “vòi voi” sau mưa non mấng, thật đặc biệt... Thế mà giờ đây, sông Đáy cạn, rau bè mọc lan lên bờ, trở thành rau hoang, những bè rau sông cũng chỉ còn trong kí ức người làng, mọi sự đã thật khác xưa.

Lại một mùa đông, rau muống sẽ ngủ vùi trong giá lạnh và sương muối, có những hôm nào đó lại nở hoa trắng, hoa tím. Hoa cũng nhắc rằng một năm sắp qua. Nhắc vị gừng thơm trong bát canh rau muống mầm may mắn có được ăn cho đỡ nhớ.

Không. Giờ những vùng chuyên canh cấp rau muống quanh năm, cùng các loại rau khác siêu thị bán theo cân và buộc bằng dây nilon đỏ... Chẳng thế mà có những ruộng rau muống lớn nhỏ bị mắc kẹt, mọc hoang dã đã bao mùa.

Người vô tâm đã đành, người cả nghĩ cứ miên man về những được mất khi đô thị hóa, rồi lại tự nhủ: Sự tất yếu thôi, làm sao khác được...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những ruộng rau bị mắc kẹt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO