Những tấm lòng thiện nguyện

Quốc Trung 13/09/2015 10:10

Được nghe người dân truyền tai nhau về Phòng khám bệnh nhân đạo ở vùng biên giới huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chuyên chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở khắp nơi. Chúng tôi đã có mặt tại đây ghi nhận những tấm lòng, hoạt động đáng quý của đội ngũ y bác sĩ tình nguyện, họ chăm sóc bệnh nhân với tất cả tấm lòng thiện nguyện không tính toán…

Đội ngũ y bác sĩ từ thiện chăm sóc các bệnh nhân.

Phòng khám miễn phí

Cũng không mấy khó khăn chúng tôi đã tìm đến được địa chỉ nhân đạo mà bà con nghèo vùng biên giới Tri Tôn nhiều năm qua gửi gắm niềm tin. Nằm phía sau Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn cơ sở vật chất không được hoành tráng như các trung tâm hay bệnh viện, nhưng phương tiện chữa trị cho bệnh nhân lại tương đối đầy đủ.

Bước chân đến phòng khám hỏi bác sĩ Lê Thị Mộng Trinh - Trưởng phòng khám nhân đạo, bệnh nhân nào cũng biết và sẵn sàng dẫn chúng tôi đến tận nơi bác sĩ đang làm việc.

Bác sĩ Trinh, kể: Tiền thân của phòng khám là tổ cơm cháo từ thiện do ông Năm từ thiện lập ra năm 1990, qua nhiều năm hoạt động có ý nghĩa đã thu hút được nhiều mạnh thường quân khắp nơi hỗ trợ, rồi phát triển mạnh thành phòng khám được nhiều người biết đến như bây giờ.

Quan sát một vòng cảm nhận không khí ở phòng khám nhân đạo này khác hẳn với các bệnh viện hay nơi chữa trị khác, tiếng cười nói, hỏi thăm giữa bác sĩ với bệnh nhân rất vui vẻ.

Bác sĩ Trinh chia sẻ: Một ngày có khoảng 50 đến 60 bệnh nhân đến khám và trị bệnh, phần lớn những người bệnh là người trung niên, cán bộ về hưu nghèo, mắc bệnh mãn tính như: đau khớp, đau thần kinh tọa, di chứng tai biến mạch máu não... – bác sĩ Trinh nói.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng, bác sĩ Trinh cho hay, thông qua các nguồn hỗ trợ chung tay của các mạnh thường quân phòng khám đã trang bị máy móc như một trung tâm y tế nhỏ với 3 gian nhà một trệt một lầu, nuôi dưỡng 400 bệnh nhân. Hiện phòng khám đã được trang bị 6 máy chạy tia laser trị giá gần 8.000 USD, được coi là hiện đại nhất vùng này.

Ngoài ra còn có 8 phòng chức năng như phòng tập phục hồi chức năng, châm cứu, chạy tia, túc chẩn, diện chẩn...Bệnh nhân đến với phòng khám cảm thấy thoải mái với các câu khẩu hiệu như “tuyệt đối không nhận tiền, quà của bệnh nhân”.

Gặp bệnh nhân Nguyễn Văn Tùng Lâm, 48 tuổi, ngụ Vĩnh Gia, Tri Tôn, An Giang đang được chữa bệnh miễn phí tại phòng khám. Ông Lâm bị tai biến, vay mượn chữa trị nhiều nơi tốn kém cả trăm triệu đồng mà không biến chuyển gì, nghe mọi người nói ở đây có phòng khám miễn phí nên tìm tới.

“Được các cô, chú ở phòng khám chăm sóc tận tình, đặc biệt là không phải lo lắng đến tiền khám chữa bệnh nên tâm lý cũng thoải mái, bệnh cũng thuyên chuyển nhiều…”, ông Lâm chia sẻ.

Điều đặc biệt ở phòng khám là các bệnh nhân đến chữa trị, chẳng những không tốn tiền viện phí mà còn được chăm sóc tận tình, được ăn ở, tắm giặt miễn phí, thậm chí người nhà đi theo chăm bệnh cũng được ăn ở miễn phí.

Ông Chao Danh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tri Tôn, An Giang cho rằng, phòng khám đã hoạt động được nhiều năm qua, đội ngũ y bác sĩ ở phòng khám chữa trị và chăm sóc hoàn toàn miễn phí, cứu chữa kịp thời cho nhiều bệnh nhân. Phòng khám hoạt động ngày càng rộng rãi và được nhiều người biết đến. Đặc biệt có được đội ngũ mạnh thường quân ở khắp nơi ủng hộ nhiệt tình và có rất nhiều người dân địa phương tình nguyện đến phục vụ tại phòng khám.

Ấm mãi những tấm lòng

Nhiều năm qua, ngày ngày bệnh nhân ở phòng khám này đều thấy một ông cụ thường xuyên đem gối, màn cho những giường còn thiếu, nhắc nhở mọi người giữ trật tự để bệnh nhân nghỉ ngơi, nhặt từng mẩu rác rơi trên sàn và hỏi thăm bệnh tình... Đó là ông Năm Từ Thiện. Hơn 10 năm qua ông Năm làm việc không màng danh lợi và thu nhập, chỉ mong góp sức mình giúp đỡ các hoàn cảnh khốn khó.

Ngoài ông Năm còn có nhiều bác sĩ nghỉ hưu, lương y về đây góp tấm lòng chăm sóc cho bệnh nhân, đến nay đã có khoảng 20 người thường xuyên túc trực nơi đây. Điển hình như trường hợp của anh Huỳnh Văn Thanh, tổ trưởng tổ châm cứu phục hồi sau tai biến. 10 năm trước anh là thợ hồ, bị tai biến khiến cho nửa người của anh gần như bị liệt.

Sau một thời gian được phòng khám chữa trị và chăm sóc tận tình, bệnh đã khỏi, vận động đi lại bình thường, vì vậy anh Thanh đã quyết định quay lại trả ơn phòng khám bằng việc tình nguyện làm ở nơi này suốt hơn 10 năm qua.

Tiếng thơm của đội ngũ y bác sĩ tại phòng khám được lan truyền nên số lượng mạnh thường quân đóng góp cho phòng khám ngày càng nhiều, theo bộ phận phụ trách của phòng khám thống kê, đến nay có khoảng hơn 200 mạnh thường quân ở khắp nơi thường xuyên chung tay giúp đỡ hoạt động của phòng khám.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tấm lòng thiện nguyện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO