Thủ đô Hà Nội cùng cả nước đã và đang trải qua những ngày không có dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Có nhiều lý do khiến dịch bệnh một lần nữa đang từng bước được đẩy lùi. Trong đó, không thể không nói đến tinh thần đoàn kết và tấm lòng của người dân.
Hay tin xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có phụ nữ khuyết tật cũng gửi tiền ủng hộ công cuộc chống dịch, chúng tôi tìm về thôn Ninh Cầm. Vẫn là đất Thủ đô nhưng đường về thôn Ninh Cầm xa hun hút. Tân Dân là xã vùng xa của Hà Nội, cách một quãng phía bên kia đã là đất Vĩnh Phúc.
Một bà cụ dẫn tôi đến nhà chị Hà Thị Bảo Khuyên. Vừa đi, cụ vừa bảo: “Cảm động lắm cô ạ. Người khó khăn như chị Khuyên cũng sẵn lòng ủng hộ chống dịch. Người bình thường mà không có hành động gì thì thấy tủi lòng”.
Căn nhà chị Khuyên đơn sơ. Chị sống cùng mẹ già ngoài 80 và gia đình chị gái. Hơn 20 năm trước, một tai nạn giao thông khiến cô gái vừa bước qua tuổi 20 bị liệt cả hai chân. Mọi sinh hoạt của chị đều phải gắn liền với chiếc xe lăn. Mẹ già, bản thân tàn tật, chỉ có thể phụ giúp việc vặt gia đình, chị Khuyên thuộc diện được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng từ ngân sách nhà nước.
Nghe tin đại dịch Covid-19 “tấn công” Hà Nội, ngồi trên chiếc xe lăn mà lòng chị không yên. Ngày nào cũng hồi hộp ngóng tin. Khó khăn là thế, chị vẫn dành dụm ủng hộ vào Quỹ Phòng chống dịch bệnh Covid-19 hơn 1 triệu đồng. Với một người như chị đó là khoản tiền không hề nhỏ. Chị xúc động chia sẻ: “So với những bác sĩ ở những tuyến đầu, đóng góp của tôi chẳng đáng là bao đâu”.
Khi hỏi cán bộ MTTQ TP Hà Nội về những tấm lòng hảo tâm chống dịch, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Ra ngõ gặp điển hình”. Dù là thời bình, nhưng quyết tâm chống dịch của cộng đồng, khiến ta sống lại cảm giác “xe chưa qua, nhà không tiếc” của những năm tháng chiến tranh hào hùng một thời hoa lửa. Mỗi người đều nỗ lực hơn vì người khác, vì cộng đồng. Đấy không phải là một vài tấm gương, mà là vô vàn những câu chuyện cảm động.
Cụ Nguyễn Văn Tạ năm nay đã ngót 90. Tin về “giặc dịch” truyền đến. Thấy đồng bào, chiến sĩ cả nước “chống dịch như chống giặc”, cụ lọc cọc đạp xe hơn 10 km đến Mặt trận Tổ quốc xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để trao tặng số tiền 1 triệu đồng. Cụ Tạ là thương binh hạng 4/4. Dấu ấn chiến tranh vẫn hằn trên cơ thể. Lẽ thường, cụ phải nhận được sự chăm sóc của cộng đồng. Nhưng cụ không chỉ ủng hộ một lần. Ít hôm sau, cụ tiếp tục đến “mái nhà chung” MTTQ ủng hộ thêm 1 triệu đồng nữa.
Và cũng trong những ngày tháng cả nước căng mình trong cuộc chiến chống Covid-19, có một cậu bé vừa câm, vừa điếc vẽ tranh, tham gia đấu giá để lấy tiền ủng hộ Quỹ Phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đó là em Trần Nam Long, thành viên nhóm Ký hoạ Đô thị Hà Nội. Một nửa số tiền 25 triệu đồng bán tranh được dành tặng quỹ. Nam Long khuyết tật, mẹ Nam Long làm nghề giúp việc. Bố Nam Long mất sớm trong một vụ tai nạn. Hai mẹ con vẫn phải ở nhà đi thuê. Ai cũng cảm thương hoàn cảnh gia đình Nam Long, khi mới đây, cậu bé này phải làm phẫu thuật xương chân. Vậy mà, Nam Long vẫn cùng mọi người chống dịch.
Đâu đó ngoài kia, vẫn không thiếu những câu chuyện làm ta bận lòng. Cuộc đời vẫn còn nhiều ưu tư. Nhưng đâu là điểm chung giữa những người như chị Khuyên, cụ Tạ và bé Nam Long? Đó chính là sợi dây đoàn kết, tinh thần cố kết cộng đồng. Khi những người yếu thế như chị Khuyên, cậu bé Nam Long vẫn nghĩ đến cộng đồng, vẫn nghĩ đến sẻ chia, ta thêm vững tin vào những điều tốt đẹp, vững tin vào chiến thắng, dù cuộc chiến chống “giặc Covid-19”, công cuộc khôi phục kinh tế khi dịch bệnh qua đi vẫn còn nhiều gian nan.
Khi hỏi cán bộ MTTQ TP Hà Nội về những tấm lòng hảo tâm, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Ra ngõ gặp điển hình”. Dù là thời bình, nhưng quyết tâm chống dịch của cộng đồng, khiến ta sống lại cảm giác “xe chưa qua, nhà không tiếc” của những năm tháng chiến tranh hào hùng một thời hoa lửa. Mỗi người đều nỗ lực hơn vì người khác, vì cộng đồng. Đấy không phải là một vài tấm gương, mà là vô vàn những câu chuyện cảm động.