Trải qua các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, tại TP. HCM nhiều người lính đã mất đi một phần cơ thể hoặc vẫn còn lưu trên mình những vết thương do bom đạn. Đau đớn về thể xác lẫn tinh thần nhưng những người lính cụ Hồ vẫn vượt lên chính mình để trở thành những tấm gương sáng cho gia đình và xã hội.
Thương binh tàn nhưng không phế
Là thương binh ¼ đặc biệt nặng từ chiến trường Campuchia, ông Trần Văn Tản (ngụ tại Quận 4) đã để lại đôi mắt của mình ở chiến trường. Trở về với gia đình, cuộc sống lại một lần nữa đặt lên vai ông trách nhiệm nặng nề là nuôi hai con trai học hành; đồng thời ông Tản tham gia hoạt động ở tại địa phương Quận 4 với vai trò là Chủ tịch Hội người mù Quận 4.
Ông Tản tâm sự: “Khi trở về từ chiến trường bị mù cả hai mắt, tôi rất khó khăn mới có thể hòa nhập lại với cuộc sống, nhưng cũng tự động viên mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều các anh em, đồng đội khác phải nằm lại chiến trường không được trở về. Tôi thấy mình có trách nhiệm và phấn đấu để thấy rằng mình tàn nhưng không phế, tôi tham gia các hoạt động ở địa phương, giúp đỡ cho những người có cùng hoàn cảnh không may mắn, không còn thấy ánh sáng”.
Ông Tản cho biết, Quận 4 đã thành lập một Câu lạc bộ thương binh nặng để giúp đỡ lẫn nhau, dạy dỗ con cái thành tài. Trăn trở trước việc tạo công ăn việc làm cho người mù, ông Tản cùng câu lạc bộ đã phối hợp vận động các nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ việc làm cho hội viên.
“Tôi cũng kêu gọi anh em diện chính sách luôn tin tưởng với sự lãnh đạo và phát triển của Thành phố, từ đó Thành phố sẽ có thêm nhiều điều kiện để chăm lo cho các gia đình chính sách”, ông Tản mong muốn.
Ông Trần Ngọc Nam, sinh năm 1967, hiện đang sinh sống tại Phường 11, Quận 3, là thương binh nặng, có hoàn cảnh khó khăn. Ông được địa phương hỗ trợ một xe bán cà phê tại nhà, vợ ông làm bảo mẫu. Ngoài việc buôn bán, phụ giúp gia đình, chăm lo cho con đang học lớp 10, ông còn tham gia làm Tổ phó Tổ dân phố, tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Mặc dù là thương binh, nhưng với tinh thần của người lính bộ đội Cụ Hồ, trong thời gian Thành phố phòng chống dịch Covid-19, ông đã tham gia rất nhiệt tình, từ vận chuyển hàng hoá đến trích phần phụ cấp ít ỏi để mua sách giáo khoa trao tặng cho các cháu bị mồ côi. Ông nhiều lần đượcThành phố trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
“Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng để làm những việc có ích cho xã hội. Tôi thường nói với con của mình rằng: Tài sản bố để lại cho con là những giấy khen này, để con thấy bố tàn nhưng không phế, vẫn đóng góp được nhiều cho xã hội”, ông Nam chia sẻ.
Từng bước nâng cao mức sống cho người có công
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho hay, trong những năm qua, hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên của Thành phố đã thực hiện nhiều phong trào hỗ trợ những người có công. Trong đó phải kể đến việc vận động nguồn lực xã hội phụng dưỡng đến cuối đời cho các Mẹ Việt Nam Anh Hùng với kinh phí phụng dưỡng mỗi Mẹ từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/tháng; hỗ trợ kinh phí cho thương binh nặng, thương binh đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn từ 2 triệu đồng/tháng.
Song song đó, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa khá cũng đã được triển khai, hỗ trợ giúp đỡ các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, gia đình có công như: xây dựng, sữa chữa nhà tình nghĩa, hỗ trợ phương tiện sinh kế, phương tiện sinh hoạt; hỗ trợ vốn tạo việc làm cho thương binh, vợ thương binh, vợ liệt sĩ, học bổng cho con em gia đình chính sách; tổ chức nhiều chương trình, điển hình như “thắp nến tri ân”, sửa chữa các phần mộ liệt sĩ, thay mới các khung, bằng Tổ quốc ghi công, chương trình về nguồn…qua đó giáo dục thanh thiếu niên tự hào về lịch sử anh hùng của dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước…
“Những hoạt động ý nghĩa đó đã góp phần giúp các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh cải thiện cuộc sống, có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của Thành phố”, bà Trần Kim Yến nói.
Trao đổi tại buổi họp mặt kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023) do Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố nhấn mạnh, Tổ quốc chúng ta có được hoà bình độc lập toàn vẹn lãnh tổ, cơ đồ, tiềm lực uy tín như ngày hôm nay, chúng ta đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu. Theo Bí thư Thành ủy Thành phố, thời gian qua, Đảng bộ, Chính quyền Thành phố đã ban hành nhiều chính sách về ưu đãi đối với người có công, triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với người có công, từng bước nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng.
Đặc biệt những việc làm này đã ngày càng trở thành hoạt động sống của mỗi người. Nhiều tổ chức cá nhân âm thầm lặng lẽ làm việc tốt mà không muốn kể ai nghe. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những bù đắp của Thành phố cho các thương binh, liệt sĩ và những người có công không thể so sánh được với những gì họ đã cống hiến cho đất nước.
“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố luôn tin tưởng các thương binh, gia đình liệt sĩ có công với nước, luôn luôn cảm thông và tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua thử thách trong cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, Thành phố sẽ tận dụng mọi thời cơ khắc phục và vượt qua thử thách, phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11 đề ra, xứng đáng với vai trò tạo động lực tăng trưởng của vùng cộng hưởng phía Nam và của cả nước, chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, trong đó đặc biệt là chất lượng sống của gia đình chính sách.