Những trào lưu mới trên mạng xã hội hậu Brexit

26/06/2016 19:20

Sau khi cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ở Anh dẫn tới cuộc chia ly cay đắng giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU), một loạt các trào lưu mới đã trỗi dậy trên các mạng xã hội toàn thế giới để bày tỏ các quan điểm trái chiều về sự kiện mang tên Brexit - ám chỉ Anh rời khỏi EU - này.

Những trào lưu mới trên mạng xã hội hậu Brexit

Một dòng Tweet ca ngợi ngày 23/6 là “Ngày Độc lập” của nước Anh (Nguồn: BBC).

London độc lập khỏi Anh

Hầu hết các khu vực lớn của Anh đều bỏ phiếu thuận đối với Brexit, nhưng có 3 khu vực lớn thuộc Liên hiệp vương quốc Anh (UK) lại bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU, gồm Scotland, Bắc Ireland và London. Thủ lĩnh đảng Dân tộc Scotland Nicola Sturgeon hồi cuối tuần qua đã tuyên bố rằng khả năng họ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác - để tách khỏi UK - là “rất cao”. Trong khi Bộ trưởng thứ Nhất của Bắc Ireland Martin McGuiness cũng đang thúc đẩy một cuộc trưng cầu tương tự.

Còn trên Internet, người dân thủ đô London của Anh - những người ủng hộ Anh ở lại EU - cũng liên tiếp đưa ra phản ứng của mình.

Một đơn thỉnh cầu trực tuyến được khởi xướng bởi nhà báo Anh James O’Malley, một người ủng hộ chiến dịch “Ở lại”, đã nhanh chóng thu được chữ ký của 30.000 người trong hôm thứ Sáu tuần qua.

Đăng tải trên website Change.org, bức thư thỉnh cầu của O’Malley tuyên bố: “London là một thành phố tầm cỡ quốc tế, và chúng tôi muốn ở vị trí trái tim của châu Âu. Hãy đối diện với điều này - phần còn lại của đất nước không đồng ý. Hãy để cuộc chia ly này thành hiện thực để chúng tôi có thể chuyển tới ở với những người bạn trên lục địa”.

Ý tưởng này nghe có vẻ tiêu cực, nhưng nó lại là đề tài bàn luận của nhiều chuyên gia. Dù hiện tại chưa có một phong trào nào ủng hộ việc London tách khỏi Anh, nhưng một số nhà kinh tế học và chuyên gia cho rằng việc London đi the hình mẫu một quốc gia thành phố kiểu như Singapore là có thể xảy ra.

Và trên mạng xã hội, ý tưởng về việc London độc lập khỏi nước Anh cũng thu hút được sự chú ý không hề nhỏ. Khẩu hiệu “London có thể không…” đã được chia sẻ tới hơn 3.000 lần trên Twitter. Nhiều cư dân mạng ở Anh đặt ra câu hỏi: “Nếu Scotland có cơ hội tách ra khỏi UK, liệu London, Manchester, Liverpool có thể không?”.

“Ngày Độc lập”

Đối với nhiều người ủng hộ chiến dịch ủng hộ Brexit, ngày 23/6 được họ gọi là “Ngày Độc lập” trên các mạng xã hội.

Lấy cảm hứng từ phát biểu của các chính trị gia ủng hộ Brexit như Boris Johnson và Nigel Farrage, hơn 65.000 lượt tweet trên mạng xã hội Twitter đã nhắc lại khẩu hiệu “Ngày Độc lập” trên mạng, ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý. Và số lượng các dòng đăng tải lớn nhất lại đến từ nước Mỹ, nơi có nhiều nhà hoạt động có tư tưởng bảo thủ hoan nghênh kết quả trưng cầu ở Anh.

Nhưng ý tưởng về “Ngày Độc lập” này không hoàn toàn tích cực, trong bối cảnh các nhà phê bình ủng hộ Anh ở lại EU cũng bày tỏ quan điểm của họ. Nhiều người còn lên án việc coi kết quả trưng cầu vừa qua là một ngày vui của nước Anh.

“Tôi thật sự sốc trước sự vô cảm của nhiều người khi gọi đó là “Ngày Độc lập”” - một cư dân mạng đăng tải trên Twitter.

Thế nhưng cụm từ “Ngày Độc lập” vẫn trở nên hết sức phổ biến, một phần là bởi bộ phim bom tấn của Hollywood có tên “Ngày Độc lập 2: Sự trỗi dậy” mới được công chiếu, và thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Scotland đòi độc lập khỏi Anh

Trong khi đa số người dân Anh lựa chọn rời khỏi EU, thì ở Scotland đã xuất hiện các cuộc tranh luận gay gắt trên mạng về khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập khỏi nước Anh - như họ đã từng làm hồi năm 2014.

Ý tưởng này được đăng tải trên mạng xã hội dưới cái tên “indyref 2” và ngay lập tức đã thành trào lưu đứng đầu của mạng xã hội Twitter trong những ngày qua, ngay sau khi kết quả trưng cầu ở Anh được công bố. Được biết Scotland có 62% cử tri ủng hộ Anh ở lại EU.

Các cuộc tranh luận trực tuyến được khơi dậy bởi các nhà tổ chức chiến dịch độc lập khỏi UK ở Scotland. Ngay cả những người từng ủng hộ khẩu hiệu “Better Together” - chiến dịch ủng hộ Scotland ở lại UK trước đây - cũng bắt đầu nhắc đến khả năng rời khỏi UK.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những trào lưu mới trên mạng xã hội hậu Brexit

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO