Những tuyến đường 'đau khổ'

Đoàn Xá 02/10/2018 07:00

Là một trong những trung tâm khu công nghiệp ở khu vực miền Tây Nam Bộ nhưng hiện nay, các tuyến đường ở tỉnh Long An đang xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Điều đáng nói, hầu hết các tuyến đường đang xuống cấp lại là đường giao thông huyết mạch, kết nối với các tỉnh khác, như khu vực TP HCM hay thậm chí là đường độc đạo.

Những tuyến đường 'đau khổ'

Tuyến đường ĐT 824 đang xuống cấp trầm trọng.

Tuyến đường tránh thành phố Tân An dài khoảng 4 km nhưng hiện nay đang xuống cấp trầm trọng sau 5 năm đưa vào hoạt động. Tình trạng lồi lõm, vũng lầy…xuất hiện dày đặc ở mặt đường khiến cho phương tiện lưu thông qua đây rất khó khăn. Hiện nay hầu hết các phương tiện trên tuyến quốc lộ 1A qua TP Tân An đều di chuyển trên tuyến đường tránh này. Do mật độ lớn, tình trạng hư hỏng diễn ra nhanh hơn. Không chỉ có tuyến đường này, ngay cả tuyến quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Long An cũng đang xuống cấp, gây ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của người dân.

Ngoài ra, hầu hết các tuyến đường tỉnh quan trọng ở Long An cũng đều xuống cấp, như tuyến đường ĐT 824 đi qua địa phận huyện Đức Hòa với nhiều đoạn vô cùng khó đi. Các vũng nước đọng, mặt đường trồi sụt là nỗi ám ảnh của người dân. Tương tự, tuyến đường ĐT 833 qua huyện Tân Trụ, TP Tân An cũng được coi là tuyến đường “đau khổ” với người dân trong khu vực.

Theo Sở GTVT tỉnh Long An, hai tuyến đường Đt 833 và 824 đều có thời gian sử dụng từ 15-20 năm nên đã bị xuống cấp. Hiện nay, các tuyến đường này đều đã có dự án nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, do nguồn vốn khó khăn, chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu các dự án nên có một số khu vực chưa được sửa chữa, nâng cấp kịp thời, ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân.

Một trong những tuyến đường quan trọng của tỉnh Long An là quốc lộ 62 (nối từ TP Tân An tới thị xã Kiến Tường, dài khoảng 70km) cũng đang bị hư hỏng, xuống cấp và quá tải nghiêm trọng. Mặc dù nằm trọn vẹn trên địa bàn Long An nhưng thực tế quốc lộ 62 là tuyến đường kết nối nhiều khu vực khác như Tràm Chim, Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) hay Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) cũng như các cửa khẩu kinh tế vùng biên giới trong khu vực.

Hiện nay, với chiều rộng 6m lại không có dải phân cách, bị xuống cấp nên tuyến quốc lộ 62 chỉ vừa hai chiếc xe ô-tô tránh nhau. Đó là nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc, tai nạn ở đây có mật độ rất cao. Cũng là tuyến quốc lộ, đường N2 (đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận tỉnh Long An) cũng có nhiều đoạn qua huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức bị xuống cấp, hư hỏng. Đây là tuyến đường nối trực tiếp với TPHCM nên mật độ phương tiện đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tại nạn.

Theo các chuyên gia hạ tầng giao thông, do nằm ở khu vực miền Tây Nam Bộ với đặc điểm thổ nhưỡng đặc thù nên các công trình hạ tầng giao thông ở Long An thường xuyên bị hư hỏng, nhất là qua các giai đoạn mùa mưa. Chi phí nâng cấp, sửa chữa, duy tu các dự án giao thông ở đây thường lớn hơn các địa phương khác khiến cho nhu cầu nguồn vốn rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những tuyến đường 'đau khổ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO