Những việc nên làm khi nhiễm Covid-19

15/06/2021 08:34

Khi bị nhiễm SARS-CoV-2 cần uống đủ nước mỗi ngày làm tăng khối lượng tuần hoàn, tăng quá trình trao đổi oxy ở phổi, giảm nguy cơ gây viêm phổi tắc nghẽn do tắc đờm, tạo cảm giác dễ chịu...

Virus SARS-CoV-2 sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây tổn thương ở nhiều bộ phận, cơ quan; nhưng chủ yếu nhất vẫn là ở phổi (chiếm 80% thương tổn).

Các trường hợp mắc Covid-19 ở thể nhẹ có thể không có triệu chứng hoặc sốt nhẹ, mệt mỏi; trường hợp nặng có thể gây viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp ARDS, nguy hiểm hơn dẫn tới suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong.

Hiện nay, mới chỉ có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Covid-19 và chủ yếu vẫn dựa vào việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tạo môi trường sống trong lành, thoáng khí để từng bước loại trừ dần virus ra khỏi cơ thể và điều trị các triệu chứng, biến chứng (nếu có). Vì vậy, mỗi người bệnh khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hãy tự thực hiện một số biện pháp sau:

Uống đủ nước mỗi ngày (hoặc truyền dịch khi có dấu hiệu nặng). Như chúng ta đã biết nước sau khi được hấp thu sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn, nâng huyết áp; từ đó giúp tăng tưới máu đến tất cả các mô, tế bào trong cơ thể, giúp quá trình trao đổi chất, chuyển hóa tế bào được thực hiện dễ dàng hơn đồng thời làm tăng khả năng đào thải độc tố ra ngoài qua đường nước tiểu nhằm thanh lọc cơ thể.

Uống đủ nước mỗi ngày làm tăng khối lượng tuần hoàn, tăng quá trình trao đổi oxy ở phổi, giảm nguy cơ gây viêm phổi tắc nghẽn do tắc đờm, tạo cảm giác dễ chịu (không bị khô miệng khi nuốt nước bọt).

Nước cũng là dung môi cho tất cả các phản ứng có lợi trong cơ thể, chống rối loạn nước - điện giải, thăng bằng kiềm - toan; làm tăng quá trình chuyển hóa và thải độc của gan; giảm nguy cơ gây đông máu rải rác trong lòng mạch; phòng chống suy thận cấp và còn có tác dụng hạ thân nhiệt khi bị sốt.

Tạo môi trường sống giàu oxy, tập hít thở sâu, chậm, thở ra từ từ từng nhịp giúp cho tất cả các phế nang của 2 phổi đều được giãn nở, tránh xẹp phổi; đồng thời giúp đào thải bớt lượng khí cặn trong phổi, tăng quá trình trao đổi oxy giữa phế nang và mao mạch (thở oxy, sớm chủ động kiểm soát hô hấp khi có dấu hiệu nặng).

Vỗ rung lồng ngực, sử dụng thuốc và các biện pháp có tác dụng long đờm sẽ phòng tắc nghẽn các nhánh phế quản phổi do đờm đặc. Súc miệng nước muối thường xuyên có tác dụng sát khuẩn họng và loại trừ virus.

Sinh hoạt điều độ, giữ tinh thần thoải mái, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động và luyện tập thể dục thể thao.

Giữ môi trường sống trong lành và thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt, tự theo dõi sức khỏe của bản thân và cần báo ngay cho nhân viên y tế khi thấy có những dấu hiệu bất thường để được xử trí kịp thời.

Theo BSCKII Nguyễn Văn Trà (Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang)
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những việc nên làm khi nhiễm Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO