Niềm tin chiến thắng dịch bệnh

Đức Trân 12/10/2021 07:02

Số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã giảm đáng kể. Bệnh nhân được xuất viện, người nhà vui bao nhiêu thì các y, bác sĩ cũng hạnh phúc bấy nhiêu.

Thoát khỏi “cửa tử”

Chị V.H.G. trú tại TP HCM phát hiện mắc Covid-19 khi đi khám thai tại Bệnh viện Hùng Vương. Khi đó, chị đã có triệu chứng nhẹ như ho, sốt nhẹ. Sau đó, chị được đưa sang Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 thuộc Đại học Y Dược TP HCM để được theo dõi.

Chị G. tâm sự, khi nghe nói mình bị Covid-19, chị cũng không thật lo vì triệu chứng của mình cũng nhẹ. Nhưng rồi bệnh trở nặng rất nhanh khiến các bác sĩ buộc phải mổ lấy thai sớm. Lúc đó, chị hết sức lo lắng.

Bác sĩ Hoàng Quốc Trung - Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM nhớ lại, thời điểm đó, bệnh nhân sốt cao liên tục. Sau khi chấm dứt thai kỳ, con chị G. cũng phải đặt nội khí quản thở máy tại BV. Chị G. cũng phải thở máy, thậm chí bác sĩ còn lên phương án phải ECMO cho bệnh nhân. Thậm chí có lúc gia đình bệnh nhân cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý rằng chị có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Nhưng rồi tình trạng sản phụ dần tiến triển tốt lên. Cuối cùng, chị G. đã cai được máy thở. Ngày chị G. ra viện, các y bác sĩ ai cũng vui mừng. Có lúc họ thất vọng tràn trề tưởng chừng không giữ được bệnh nhân của mình nhưng bằng nỗ lực cùng với sự phán đoán tình trạng của bệnh nhân. Điều kỳ diệu của chị G. đã đến như một kỳ tích. Hai mẹ con chị đã thoát khỏi “cửa tử” một cách kỳ diệu.

Chị G. là một trong hàng trăm nghìn ca mắc Covid-19 được cứu sống và xuất viện từ đầu dịch tới nay nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của các y, bác sĩ.

Hết lòng cứu sống bệnh nhân

Nói về những nỗ lực để hạn chế số ca bệnh nặng và tử vong, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, một trong những đổi mới trong công tác điều trị đợt dịch thứ 4 là đã triển khai mô hình trạm y tế lưu động, đồng thời quản lý F0 cách ly tại nhà và tại khu cách ly một cách bài bản, giúp chăm sóc, theo dõi, phát các gói thuốc điều trị cho các F0 mới phát hiện; kịp thời phát hiện những chuyển biến nặng của người bệnh để đưa đi điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, trong một thời gian ngắn đã bao phủ được một lượng lớn những người đã được tiêm vaccine mũi 1, có tác dụng bảo vệ người dân rất tốt. Khi đã tiêm được 1 mũi, nếu có bị nhiễm SARS-CoV-2 thì số bệnh nhân chuyển nặng cũng đã ít đi rất nhiều.

Đặc biệt, để giảm bệnh nhân nặng và tử vong nhanh chóng, các bác sĩ nhấn mạnh việc cần theo dõi sát trong 5 ngày đầu nhiễm bệnh. Riêng đối tượng nguy cơ cao như có bệnh nền đái tháo đường, suy tim, phổi, đặc biệt thừa cân, béo phì, nguy cơ tử vong cao nên cần đặc biệt theo dõi sát sao.

Với việc phân loại bệnh nhân, theo ông Khuê, cần theo dõi sát sao diễn biến của bệnh nhân để chuyển tầng điều trị phù hợp, các cơ sở y tế tuyến trên vừa hỗ trợ về trang thiết bị y tế, vừa hỗ trợ nhân lực trực tiếp cầm tay chỉ việc để tuyến dưới có được những can thiệp kịp thời.

Đây là hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng và việc triển khai thành lập cấp tốc các trung tâm hồi sức điều trị người bệnh Covid-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Chờ ngày chiến thắng dịch bệnh

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, Bác sĩ Trần Thanh Linh - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Chợ Rẫy kiêm nhiệm Phó Giám đốc BV Hồi sức Covid-19 TP HCM cho biết: “Qua mỗi giai đoạn dịch bùng phát mà chúng tôi tham gia, tại Đà Nẵng hay Bắc Giang, mỗi khi kết thúc chiến dịch đều trở thành ký ức trong cuộc đời. Ngày tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, hay Bắc Giang, tôi thầm nghĩ, có lẽ đây là chiến dịch lớn nhất trong đời mình, nhưng chỉ đến khi dịch bùng phát tại TP HCM, tôi mới nhận ra đây mới là cuộc chiến thật sự. Ở thời điểm này, tôi chưa dám hình dung lúc nào cuộc chiến chống Covid-19 này kết thúc. Nhưng tôi đang có niềm tin rất lớn là chúng ta sẽ chiến thắng Covid-19 trong thời gian gần phía trước. Có lẽ trong một ngày gần nhất, chúng tôi sẽ rời khỏi BV Hồi sức Covid-19, sẽ được quay trở lại gia đình với những người thân, những đứa con và với công việc đời thường của mình, của một bác sĩ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một ngày đó, tôi mong sao các đồng nghiệp, các đồng đội của chúng tôi trong cuộc chiến này từ các mặt trận có thể được gặp lại nhau, được nhìn khuôn mặt thật của nhau sau khi cuộc chiến này hoàn toàn kết thúc. Mong chờ cuộc sống được bình thường mới sẽ đến”.

Theo Sở Y tế TP HCM, tính đến ngày 27/9/2021, đã có 42 BV công lập chuyển đổi công năng toàn phần hoặc một phần để tiếp nhận và điều trị Covid-19 với tổng số giường là 11,517 giường. Hiện nay đã có BV Quận 7 và BV đa khoa Khu vực Củ Chi đã trở về công năng thành BV tiếp nhận người bệnh không mắc Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm tin chiến thắng dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO