Ninh Bình: 3 doanh nghiệp sản xuất xi măng thiếu hơn 32 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên

Đức Sơn 01/11/2021 06:05

Thanh tra công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại tỉnh Ninh Bình (giai đoạn thanh tra từ 2011-2018), Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện hàng loạt sai phạm, đồng thời yêu cầu tỉnh Ninh Bình kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Bùng nhùng sai phạm

Theo Kết luận của TTCP, việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường đối với một số dự án ở Ninh Bình chưa chặt chẽ.

Cụ thể, dự án cải tạo phục hồi môi trường của dự án khai thác khoáng sản tại mỏ đá Hang nước II do Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương làm chủ đầu tư chưa được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt, nhưng Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình đã ký xác nhận vào hồ sơ dự án và doanh nghiệp vẫn khai thác trong nhiều năm liền, vi phạm quy định.

Mặt khác, theo TTCP giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 4/2017, UBND tỉnh Ninh Bình không ban hành văn bản quy định hệ số quy đổi từ khoáng sản thành phẩm sang khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường, do đó các doanh nghiệp vẫn nộp phí bảo vệ môi trường theo khối lượng khoáng sản thành phẩm là vi phạm quy định.

TTCP cũng cho rằng, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 226 ngày 5/4/2012, quy định hệ số quy đổi từ “tấn” ra “m3”, tuy nhiên tại quyết định này có nhầm lẫn về khái niệm đá nguyên khai, dẫn đến một số doanh nghiệp khai thác đá sản xuất xi măng đã áp dụng hệ số quy đổi 2,74 tấn/m3 (giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 4 năm 2017) để tính thuế tài nguyên.

TTCP xác định, trách nhiệm chính thuộc 3 doanh nghiệp nêu trên. Trách nhiệm liên quan thuộc Cục Thuế tỉnh Ninh Bình (giai đoạn 2012-2016) vì chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các doanh nghiệp nêu trên thực hiện.

TTCP đánh giá, công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn hạn chế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã kê khai, quy đổi khối lượng để tính phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên không đúng quy định của pháp luật và quy định của UBND tỉnh Ninh Bình (quy đổi không đúng hệ số, không nhân với hệ số khai thác lộ thiên), gây thất thu ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, đến thời điểm thanh tra, Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương vẫn kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường theo hệ số 1,8 (UBND tỉnh quy định là 1,6 tấn/m3).

TTCP xác định trách nhiệm thuộc Cục Thuế tỉnh và các Chi Cục Thuế các huyện, thành phố có liên quan, giai đoạn 2012-2018.

3 doanh nghiệp thiếu hơn 32 tỷ đồng tiền thuế

Qua kiểm tra 20 dự án khai thác khoáng sản, TTCP phát hiện, có 12 dự án của 10 chủ đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành.

Bên cạnh đó, có nhiều dự án đã khai thác khoáng sản trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, như: hệ thống tưới nước, phun sương tại khu vực khai thác, chế biến chưa đảm bảo được việc ngăn ngừa, giảm thiểu bụi; xe vận chuyển khoáng sản trước khi ra khỏi khu vực mỏ không được che phủ bạt theo quy định; Việc quản lý và báo cáo quản lý chất thải nguy hại của nguồn chủ thải định kỳ hàng năm chưa thực hiện đầy đủ…

Chưa dừng lại, một số dự án khai thác khoáng sản vượt công suất với khối lượng lớn trong nhiều năm, dẫn đến các biện pháp, phương án bảo vệ môi trường đã thực hiện không đáp ứng được nhưng chủ đầu tư không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc không xin phép cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Cơ quan thanh tra cũng phát hiện, có 18/20 dự án chưa có trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác thực tế, không quản lý được trọng tải của xe vận chuyển khoáng sản khi ra khỏi khu vực mỏ như yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

Về phí bảo vệ môi trường, TTCP cho biết, qua thanh tra 20 dự án tại Ninh Bình cho thấy, có một số chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản thực hiện việc quy đổi, kê khai khối lượng để tính phí bảo vệ môi trường không đúng quy định, như: không quy đổi từ “tấn” ra “m3” hoặc có quy đổi nhưng hệ số thấp hơn hệ số do UBND tỉnh quy định, không nhân với hệ số khai thác lộ thiên, gây thât thu ngân sách nhà nước.

TTCP tạm tính số tiền phí bảo vệ môi trường phải nộp bổ sung của 5 doanh nghiệp là gần 1 tỷ 467 triệu đồng.

Về thuế tài nguyên, TTCP xác định còn 3/5 chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản để sản xuất xi măng, gồm: Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương, Công ty TNHH Duyên Hà, Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng đã nộp thuế tài nguyên theo hệ số quy đổi 2,74 tấn/m3, chưa thực hiện việc quy đổi theo hệ số 1,6 tấn/m3 theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Bình để nộp thuế tài nguyên bổ sung đối với khối lượng khoáng sản khai thác từ tháng 4/2017 trở về trước.

Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 4/4/2017 quy định hệ số quy đổi 1,6 tấn/m3 nhưng Công ty cổ phần xi măng Hướng Dương vẫn quy đổi theo hệ số 1,8 tấn/m3 để nộp thuế tài nguyên (đến thời điểm thanh tra vẫn không thực hiện theo quy định của UBND tỉnh). Việc làm trên của công ty đã được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu, cơ quan Thuế đôn đốc nộp nhưng doanh nghiệp không thực hiện.

TTCP đã áp dụng hệ số quy đổi 1,6 tấn/m3 để tạm tính số tiền thuế tài nguyên đối với 3 công ty nêu trên còn thiếu là hơn 32,5 tỷ đồng.

Trên cơ sở phát hiện các sai phạm, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện việc chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến các tồn tại để có hình thức xử lý theo đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ninh Bình: 3 doanh nghiệp sản xuất xi măng thiếu hơn 32 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO