Theo ông Đỗ Việt Anh, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, 5 năm qua, việc thực hiện các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Nhiều địa phương, nhiều hộ gia đình đã đoàn kết, tìm các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, khuyến khích người dân làm giàu chính đáng.
Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tham mưu với Tỉnh ủy tổ chức phát động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội”, đến nay Quỹ 3 cấp đạt trên 120 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ vận động được, tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.868 nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà tình nghĩa” cho người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; giúp cho 441 lượt hộ nghèo phát triển sản xuất; hỗ trợ khám, chữa bệnh cho 2.419 lượt người; hỗ trợ 9.708 học sinh con hộ nghèo vượt khó vươn lên trong học tập... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 5,8% (năm 2016) xuống dưới 2% (năm 2020).
“Với cách làm thiết thực và bài bản, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 200 khu dân cư (KDC) đăng ký xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư văn hóa nông thôn mới”; 89,33% gia đình đạt gia đình văn hóa; 90,82% KDC đạt KDC văn hóa; 99,3% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 100% xã, phường, thị trấn có tổ thu gom rác thải sinh hoạt, có khu tập kết rác thải tập trung và hệ thống cống rãnh thoát nước thải sinh hoạt. 100% cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường, 95,5% hộ gia đình dùng nước hợp vệ sinh và nước sạch” - ông Đỗ Việt Anh chia sẻ.
Những việc làm thiết thực và bài bản của hệ thống MTTQ các cấp đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Do đó, đến hết năm 2020, tổng số xã đạt chuẩn NTM trên toàn tỉnh là 106/116 xã, 3/6 huyện đạt huyện chuẩn NTM, 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 52 KDC đạt KDC NTM kiểu mẫu. Huyện Yên Mô đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Một trong những đơn vị điển hình hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra đó là thành phố Ninh Bình. Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn thành phố đã diễn ra trên 1.000 đám cưới, đám tang tại các KDC. Tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động từ cơ sở nên việc tổ chức đám cưới, đám tang được các gia đình chấp hành nghiêm theo quy ước, hương ước của phố, xóm, quy định của địa phương.
Đặc biệt, trong tổ chức đám cưới, nhiều đoàn viên thanh niên đã thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình, sẵn sàng tổ chức ngày vui của mình theo đúng nếp sống mới như: Không cỗ bàn linh đình, không mở nhạc quá 22 giờ, loại bỏ các thủ tục rườm rà, lạc hậu…
Tại các phố, xóm trên địa bàn thành phố, trong xây dựng tuyến đường văn minh đô thị, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng là một trong các tiêu chí để bình xét, xếp loại gia đình văn hóa, KDC văn hóa.
Thông qua việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác của người dân trong tổ chức việc cưới, việc tang, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng tuyến phố văn minh đô thị…
Theo ông Đỗ Việt Anh, Mặt trận các cấp trong tỉnh phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải có đóng góp tích cực, cụ thể, tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện, có hoạt động hiệu quả thiết thực từ KDC.