Ninh Bình: Thu tiền cầu phao trái phép

Đình Minh 17/10/2020 08:49

Là dự án được xây dựng và lắp đặt từ nguồn vốn của UBND tỉnh, cây cầu phao tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) khi đi vào hoạt động có mục đích phục vụ người dân trong việc giao thương, qua lại. Tuy nhiên, kể từ khi được bàn giao về xã Gia Thịnh, chính quyền xã này lại giao cho một cá nhân quản lý, thu phí, khiến người dân bức xúc.

Chiếc cầu phao và căn nhà kiên cố (mái ngói bên trái) được xây dựng để ở và trông coi.

Năm 2016, để đền bù cho người dân thôn Kênh Gà sau khi đã tự nguyện nhượng lại một số diện tích đất giúp tỉnh thực hiện dự án nạo vét sông, lưu thông dòng chảy, UBND tỉnh Ninh Bình đã tiến hành xây dựng và lắp đặt cho người dân nơi đây một cây cầu phao bằng sắt để phục vụ việc giao thương, đi lại.

Sau khi lắp đặt và xây dựng xong, vào khoảng tháng 8/2018, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao việc quản lý và sử dụng cây cầu cho huyện Gia Viễn, sau đó, huyện Gia Viễn đã giao lại việc quản lý và sử dụng cho xã Gia Thịnh.

Qua tìm hiểu, đối với người dân thôn Kênh Gà thì khi đi qua cây cầu này sẽ không mất phí. Còn đối với người ngoài thôn di chuyển vào, mức phí khi đi qua cầu sẽ lần lượt là: Xe đạp 1.000 đ/lượt, xe máy 3.000 đ/lượt, ô tô 4-7 chỗ 10.000 đ/lượt, ô tô 8-16 chỗ 15.000 đ/lượt, xe dưới 2,5 tấn 20.000 đ/lượt, xe trên 2,5-3,5 tấn 25.000 đ/lượt. Đặc biệt, nếu có tàu đi qua thì phà sẽ mở và thu vé khoảng 100.000đ đến 200.000đ tùy tàu.

Theo phản ánh của người dân, kể từ khi tiếp nhận cây cầu từ huyện Gia Viễn vào khoảng tháng 9/2018, chính quyền xã Gia Thịnh đã giao việc quản lý thu phí cầu phao cho ông Trần Văn Tụng, là một cá nhân trong xã. Cũng theo họ, sau khi xã cấp 30 m2 đất để dựng lều coi, ông Tụng đã tự ý xây dựng một ngôi nhà kiên cố với diện tích gần 100 m2.

“Không thể hiểu nổi khi đây là công trình nhà nước nhưng xã lại tự ý giao cho một cá nhân quản lý. Khi thu tiền thì cũng không thấy họ đưa vé mà cứ tự thỏa thuận miệng rồi thu. Mỗi ngày có tới hàng chục cho tới hàng trăm phương tiện qua đây thì không biết số tiền sẽ là bao nhiêu, ai sẽ là người quản lý và tiền sẽ đi về đâu”, ông Trần Cao Đến, 70 tuổi, người dân thôn Kênh Gà thắc mắc.

Người dân đã nhiều lần gửi đơn lên huyện, lên tỉnh phản ánh, nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được một câu trả lời thỏa đáng. Ông Nguyễn Văn Tuân, 76 tuổi, người dân thôn Kênh Gà phản ánh: “Lúc trước chúng tôi hiến đất để tỉnh thực hiện dự án thì tỉnh hứa làm cầu, đền bù hoa lợi và giúp tạo việc làm.

Giờ thì không có đền bù hoa lợi, việc làm, được mỗi cây cầu xã lại giao cho ông Tụng quản lý, thu tiền mà chẳng cần vé. Khi dân yêu cầu đấu thầu để lấy nguồn thu cho xã thì Ủy ban không chấp thuận.

Gần 2 năm qua, ông Tụng không hề công khai tài chính thu chi, không hề tu sửa cây cầu trong khi nó đang xuống cấp. Tại sao quyền lợi thì ông Tụng được hưởng, còn hậu quả thì người dân phải gánh chịu”.

Trả lời về những vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Nhàn, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết, việc không tổ chức đấu thầu mà giao cây cầu cho ông Trần Văn Tụng quản lý, thu tiền vì đây là công trình an sinh xã hội, không liên quan đến việc đấu thầu.

“Ông Tụng là người có sức khỏe, có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý cầu phà nên xã lựa chọn ông Tụng là người bảo vệ tài sản. Việc giao cho ông Tụng quản lý và thu tiền cầu phao bắt đầu từ cuối năm 2019, đã được lập hợp đồng cụ thể, được huyện nhất trí và phê duyệt”, ông Nhàn cho biết.

Khi được hỏi về vấn đề tại sao ông Tụng không công khai tài chính thu chi, không phát hành vé? ông Nhàn cho hay do xã đang trong quá trình thử nghiệm việc vận hành nên hiện vẫn chưa thể thống kê, phát vé cho người qua lại.

“Việc phát hành vé sẽ được tiến hành trong tháng 11 tới đây, sau khi chúng tôi đã hoàn tất quá trình tìm hiểu từ việc thu phí tại những cây cầu lân cận. Và vì ông Tụng phải trông coi và bảo dưỡng cây cầu nên số tiền thu được từ các phương tiện đi qua là để trả lương và để ông ấy có kinh phí để sơn sửa, duy trì cho cây cầu không bị xuống cấp”, ông Nhàn nói.

Về vấn đề ông Trần Văn Tụng xây nhà trên diện tích 30 m2 mà xã đã cấp, ông Nhàn cho hay công trình ông Tụng xây chỉ là nhà tạm, và diện tích chỉ khoảng 50 m2 chứ không hề tới 100 m2 như người dân phản ánh.

“Ngôi nhà tạm đó diện tích chỉ khoảng 50 m2, và vì khu vực đó bị sụt lún nên hộ ông Tụng buộc phải xây nhà tạm, khi xây dựng thì Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện cũng đã xuống kiểm tra. Ngoài ra thì ông Tụng cũng đã cam kết tới năm 2025, khi kết thúc hợp đồng, ông ấy sẽ tự tháo dỡ trả lại mặt bằng”, ông Nhàn thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ninh Bình: Thu tiền cầu phao trái phép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO