Nợ công sát trần và kỷ luật tài khóa

H.Mai-H.Vũ 01/11/2017 07:45

Ngày 31-10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2018 -2020.

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đã chỉ ra những số bất cập trong chi đầu tư, trong đó tiếp tục có việc bố trí vốn chậm và bố trí không đủ, dẫn đến đầu tư dở dang.

Theo ông Hàm, bội chi ngân sách cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn, nhưng kỷ luật tài khóa lại chưa nghiêm.

Nợ công đến năm 2020 là 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi chiếm 7% - 8% tổng chi ngân sách nhà nước, bình quân trả lãi hơn 100.000 tỷ/năm, bằng gần 1 nửa số bán vốn nhà nước trong 5 năm.

Khả năng trả nợ khó khăn, ngân sách Trung ương nhiều năm không thặng dư để trả nợ, phải vay đảo nợ, làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ.

“Đề nghị Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, giảm biên chế, đẩy nhanh cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp, cân nhắc khoán chi không thường xuyên cho các đơn vị đã tự chủ được, ưu tiên tích lũy trả nợ, kiểm soát chặt chẽ ODA”- ông Hàm kiến nghị.

Theo ĐB Đỗ Trọng Hưng (Thanh Hóa), đầu tư công tuy đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn nhưng tình hình vẫn chuyển biến chậm, ước cả năm giải ngân được 84% kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó vốn trái phiếu chính phủ dự kiến mới đạt 30% kế hoạch.

Do đó, Chính phủ cần sớm rà soát trình Quốc hội sửa đổi các quy định của Luật Đầu tư công trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn vị, tăng cường giám sát và có các chế tài xử lý nghiêm minh.

Tại sao doanh nghiệp FDI báo lỗ nhưng lại mở rộng sản xuất?

“Thống kê trong giai đoạn 2015-2017 cho thấy, cả nước có khoảng 50% số doanh nghiệp FDI kê khai lỗ. Trong đó có những doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền. Nhưng càng lỗ thì doanh nghiệp FDI càng mở rộng sản xuất. 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất ở Việt Nam năm 2015 cho thấy một nghịch lý là khối doanh nghiệp FDI có số lượng nhiều nhất, chiếm 46%, nhưng tỷ lệ góp vào tổng thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ chiếm 37% và có xu hướng giảm dần. Thống kê của tổ chức nước ngoài cho thấy, mỗi năm Việt Nam bị thất thu 170 tỷ USD vì hiện tượng chuyển giá”- ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chỉ ra những bất cập trong quản lý hoạt động của khối doanh nghiệp FDI.

Từ đó ông Nhân đề nghị, cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, đấu tranh chống chuyển giá, rà soát, sửa đổi lại các chính sách về ưu đãi đầu tư FDI, không thu hút đầu tư bằng mọi giá để các doanh nghiệp khu vực này đóng góp hiệu quả hơn, cao hơn về chuyển giao khoa học công nghệ…

Cũng nói về doanh nghiệp nhưng ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, việc xử lý các dự án thua lỗ nặng, đặc biệt là 12 dự án của Bộ Công thương đến nay việc xử lý rất chậm.

“Các bộ, ngành rà soát còn bao nhiêu dự án thua lỗ? Và đã có giải pháp như thế nào?”- ông Sơn đưa ra câu hỏi; đồng thời đề cập đến phải có giải pháp quyết liệt gắn với cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài giải pháp về kinh tế vĩ mô, ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế cần sớm khắc phục những yếu kém trên, tạo niềm tin, động lực cho tăng trưởng bền vững với giải pháp thiết thực, kịp thời từ Chính phủ xuống đến các bộ, ngành, địa phương.

Khai phá 3 điểm nghẽn trong tam nông

“Cần tiếp tục hạ lãi suất sâu hơn, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp; hạ lãi suất tín dụng huy động các nguồn lực trong xã hội; tạo việc làm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh trong hội nhập. Chất lượng sản phẩm là vấn đề hết sức quan trọng”- ĐB Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) đề nghị Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ khó khăn trên để tam nông bứt phá.

Bên cạnh đó, cần tập trung đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn, nâng cao năng suất lao động ở nông thôn… - vẫn ĐB này nói.

Sẽ bổ sung 3.000 điểm dự báo mưa

Giải trình về việc dự báo thời tiết chưa chính xác dẫn đến thiệt hại do mưa lũ lớn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Nguyên nhân là do mất rừng, trong khi lượng mưa vừa qua cũng lớn nhất lịch sử và hết sức cực đoan. Bộ trưởng cũng cho biết hiện chúng ta có 1.300 điểm đo mưa giúp cho công tác dự báo.

Ngành tài nguyên-môi trường sẽ cố gắng bổ sung thêm khoảng 3.000 điểm dự báo mưa nữa thông qua đóng góp của xã hội. Như vậy sẽ đạt mức trung bình khoảng 40-100 km2 có một trạm dự báo mưa, và việc này được triển khai trong năm 2018.

Tăng trưởng GDP 6,7% là đáng tin cậy

Đề cập đến GDP 2017 với mức 6,7%, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tốc độ tăng trưởng GDP là hoàn toàn đáng tin cậy, khi tăng trưởng GDP quý 3 cao hơn các quý trước.

Số liệu tháng 10 và 10 tháng cho thấy các chỉ tiêu đang tăng trưởng tích cực. Về chỉ sổ sản xuất công nghiệp 8,7%, cao hơn cùng kỳ, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10,5 triệu lượt khách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 28 tỷ USD.

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng. Các chỉ tiêu đang diễn biến tích cực, tăng trưởng 10 tháng khả quan, quý 4 thường là có tăng trưởng cao nhất trong năm.

Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế đã gắn với chuyển dịch kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, hiệu quả sử dụng đầu tư đã được cải thiện, môi trường cạnh tranh của quốc gia có sự tiến bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ công sát trần và kỷ luật tài khóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO