Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng

Minh Phương 26/08/2017 07:45

Nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi, song để có thể đạt được mức tăng trưởng 6,7%/năm 2017 như mục tiêu ban đầu của Quốc hội, thực sự phải có những nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, không phải là không có “cửa”. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 11 tư lệnh ngành để phấn đấu làm sao tăng trưởng năm 2017 có thể đạt mức 6,7% như kỳ vọng.

Xuất khẩu đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng.

Khó, nhưng vẫn có cơ hội

Con số thống kê cho biết, nền kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi khi mà quý II, tăng trưởng kinh tế đạt 6,17%, cao hơn so với mức cùng kỳ năm trước (5,78%).

Trong đó, dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng tốt được cho là động lực chính đóng góp vào sự phục hồi trong quý II. Mặc dù có những dấu hiệu phục hồi, song con số tăng trưởng 6,17% của quý II khiến giới chuyên gia kinh tế không khỏi băn khoăn về mục tiêu 6,7% được Quốc hội đề ra từ đầu năm là rất khó có thể đạt được.

Bởi, để đạt được mục tiêu này, trong hai quý còn lại của năm 2017, tăng trưởng phải đạt lần lượt đều trên 7,4%, đây thực sự là con số rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), khả năng đạt được mục tiêu 6,7% của cả năm không hề đơn giản.

“Cần phải xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô,… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách”- TS Thành nhận định.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% vẫn có thể đạt được, song còn phải dựa vào những nỗ lực lớn từ phía cơ quan quản lý.

Trong đó, vấn đề cơ bản, có tính quyết định chính là cải cách, và nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan “mấu chốt là cải cách và cải cách từ chính trong bộ máy nhà nước. Cải cách nằm trong tay Nhà nước”.

Trên thực tế, nền kinh tế tăng trưởng cao và có ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng DN có khỏe hay không.

Khi DN vẫn phá sản hàng loạt, ngừng hoạt động liên miên, thì nền kinh tế sẽ không thể khỏe được. Và việc cải cách phải bắt đầu từ nhà quản lý khi đưa ra những chính sách làm sao để thông thoáng cho DN, giảm chi phí cho DN, tạo điều kiện để DN phát triển mạnh và khỏe, lúc đó mới mong nền kinh tế khỏe.

Thế nhưng, theo đánh giá của bà Lan, các DN vẫn phải cõng nhiều chi phí, do đó hoạt động rất chật vật, khó khăn, đặc biệt là những chi phí không chính thức cứ vây bám DN, kìm hãm DN.

11 tư lệnh ngành được giao trách nhiệm tăng trưởng

Nhằm hướng nền kinh tế đạt được mục tiêu 6,7% như kỳ vọng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định giao trách nhiệm tăng trưởng cho 11 tư lệnh ngành.

Thủy sản xuất khẩu - một trong những mũi nhọn tăng trưởng ngành nông nghiệp. (Ảnh: TL).

Theo đó, với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng yêu cầu thực hiện 3 nhiệm vụ chính trong việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đó là, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài; phấn đấu đạt được mục tiêu tổng đầu tư toàn xã hội tương đương khoảng 34-35% GDP; Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ này phải rà soát, kiến nghị loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, bảo đảm nguyên tắc thị trường cạnh tranh, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với Bộ trưởng Bộ Tài chính, bên cạnh việc quản lý chặt và hiệu quả thu chi ngân sách, cần triển khai hai nhiệm vụ khác gồm: phát triển mạnh thị trường chứng khoán để trở thành kênh huy động vốn quan trọng, chi phí thấp cho doanh nghiệp và các chủ thể khác của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán theo hướng liên thông, hiện đại, công khai minh bạch, góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm tăng trưởng tín dụng trên 20% gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng; phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; triển khai nghiêm túc, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển.

Tương tự, các Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ KHCN, Bộ trưởng Bộ TNMT, Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Bộ TTTT nhận hàng loạt nhiệm vụ trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án xây dựng lớn; rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt, phát triển mạnh các lĩnh vực giao thông, vận tải, logistics, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là đối với doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch; phấn đấu đạt mục tiêu khách du lịch tăng 30%, thu hút trên 13 triệu lượt khách quốc tế…

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp bảo đảm đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2017; xử lý nghiêm lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cố tình làm chậm, không thực hiện; xử lý dứt điểm dự án, doanh nghiệp không hiệu quả, thất thoát, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản. Cùng với đó, lãnh đạo các địa phương cũng phải vào cuộc để góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, động thái nói trên của người đứng đầu Chính phủ cho thấy quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Chính phủ là rất lớn.

Và trong xu thế hiện nay, với những cải thiện về tổng cung và tổng cầu được dự báo là sẽ tăng trưởng cao trong hai quý cuối năm, đồng thời môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng 2 quý cuối năm 2017 đạt lần lượt là 6,9-7,2% và 7,3-7,5%. Với kết quả này, tăng trưởng kinh tế cả năm hoàn toàn có thể đạt khoảng 6,5-6,7%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO