Nỗ lực giảm phí cho doanh nghiệp

Nguyên Khánh 31/08/2017 07:20

“Vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã nói nhiều lần trong năm qua, đặc biệt tháng 7, đề cập rất quyết liệt, nhưng đến nay mới giảm được một phần, còn nhiều phần chưa chuyển biến”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra hôm 30/8. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã họp báo thông tin về phiên họp này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo.

Giải quyết “giấy phép con, giấy phép cháu”

Truyền đạt lại thông tin kỳ họp Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, kinh tế - xã hội tháng 8 có nhiều chuyển biến tích cực, đây là điều đáng mừng.

Cụ thể, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%. Không khí làm ăn, mua bán, du lịch sôi động.

Tổng lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8/2017 ước đạt 1,23 triệu lượt, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016, đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng trên 10%. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dù nỗ lực như vậy nhưng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại phiên họp, Thủ tướng đã chỉ ra những hạn chế tồn tại như, “giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều”.

“Nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh chu kỳ sản xuất ra sản phẩm đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”.

Thủ tướng cho rằng, gánh nặng thuế, phí đối với DN còn lớn, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc.

Theo thống kê, tổng phí vận tải DN phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ; Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của DN.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vấn đề giảm phí cho DN là vấn đề Thủ tướng rất trăn trở. Bởi theo Thủ tướng cải cách thủ tục hành chính đã nói nhiều lần trong năm qua, đặc biệt tháng 7, đã đề cập rất quyết liệt vấn đề này nhưng mới giảm được một phần, còn nhiều phần, nhiều ngành, đơn vị chưa chuyển biến.

Thủ tướng đã đề nghị các Bộ trưởng đề xuất giải pháp cụ thể, phải thực sự vào cuộc để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo niềm tin xã hội, góp phần vào tăng trưởng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư giám sát việc cắt giảm gần 2.000 điều kiện kinh doanh đang là lực cản gây khó cho DN.

Luật thuế không gây khó cho người nghèo

Về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, vừa qua nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm tới dự án luật này.

Tuy nhiên, dường như báo chí thông tin chưa đầy đủ về dự luật. Cụ thể, Luật Thuế giá trị gia tăng có nhiều nội dung nhằm gỡ khó cho DN và cải cách thủ tục hành chính. Thuế thu nhập DN cũng có nhiều ưu đãi, gỡ khó cho DN, đặc biệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa.

Dư luận đặt câu hỏi vì sao Bộ Tài chính chỉ quan tâm điều chỉnh thuế suất tại sao không cơ cấu lại thu chi, cắt giảm chi tiêu? Bà Vũ Thị Mai cho biết, Bộ đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ cơ cấu lại chi tiêu.

Chính phủ đang làm quyết liệt, tái cơ cấu đầu tư công từ quy hoạch, dự toán đến quản lý cũng đang làm.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án cải cách quản lý về cơ chế tài chính, tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập, đây cũng là đề án nhằm cơ cấu lại ngân sách. Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Đây là những giải pháp đồng bộ để cơ cấu lại thu chi ngân sách.

Bà Vũ Thị Mai cũng khẳng định, dư luận cho rằng tăng thuế VAT khiến người thu nhập thấp chịu gánh nặng hơn là không chuẩn. Bộ Tài chính cho rằng, tăng thuế tác động đối với người nghèo, người thu nhập thấp không nhiều, vì những mặt hàng thiết yếu như y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm đa số là không chịu thuế hoặc áp thuế rất thấp.

Làm rõ mọi góc khuất của VN Pharma

Trả lời báo chí về vụ VN Pharma gây bức xúc trong dư luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, chiểu theo các quy định của Luật Dược 2015 và 2016 lô thuốc trị ung thư H-Capital không phải là thuốc giả mà là thuốc kém chất lượng. Tuy nhiên, lô thuốc đã được ngăn chặn kịp thời, không có một viên thuốc nào thuộc lô thuốc này lọt ra thị trường.

Về xử lý cán bộ, ông Nguyễn Viết Tiến cho biết, đã chuyển cán bộ có thiếu sót trong xử lý công việc. Hiện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đang tích cực cung cấp tài liệu phối hợp với cơ quan điều tra Bộ Công an để làm rõ sự việc.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đề nghị thanh tra cần minh bạch để giải tỏa mọi thắc mắc; và vụ việc cần được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, làm rõ mọi góc khuất. Phó Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo VPCP có văn bản yêu cầu Bộ báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước.

Về vấn đề này, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép của Bộ Y tế, phải rất nghiêm túc, nhất là khi liên quan tới sức khỏe của nhân dân.

Trả lời câu hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế có trung thực hay không khi không công khai thông tin em chồng làm ở VN Pharma? Ông Tiến cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không nói chứ không khẳng định bà không có em chồng làm ở đó.

Về vấn đề này Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, sự việc xảy ra là điều rất đáng tiếc. Trong khi Ban cán sự Đảng Chính phủ đang xây dựng Đề án nâng cao chất lượng sức khỏe nhân dân trình Trung ương với mục tiêu các cấp phải chăm lo sức khỏe nhân dân thì lại xảy ra vụ việc này.

“Thủ tướng kết luận giao Thanh tra Chính phủ, thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, đăng ký thuốc của Bộ Y tế. Phải rà soát toàn bộ cho minh bạch, rõ ràng và công bố cho nhân dân”.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quan điểm Thủ tướng rất kiên quyết đó là kiểm tra để điều tra ra sự thật. Không loại trừ bất cứ trường hợp nào, sẽ không có vùng cấm. Vì vấn đề này quản lý không tốt gây mất lòng tin của người dân.

Trả lời câu hỏi việc cấp phép có lỏng lẻo, có các chuyên gia đầu ngành tham gia vào quá trình thẩm định hay không? Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, cấp phép đều có hội đồng là các chuyên gia đầu ngành thẩm định.

Như cấp phép cho lô thuốc chữa ung thư, Hội đồng có 10 thành viên đến từ Đại học Dược, Cục Quản lý dược tham gia.

Tuy nhiên, hiện giấy tờ hồ sơ làm giả rất tinh vi, ông Tiến đề xuất trong Hội đồng thẩm định nên có người có nghiệp vụ là công an để giám định chữ viết con dấu.

Đề xuất dừng mỏ sắt Thạch Khê

Về vấn đề mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo dừng còn Bộ Công thương lại cho rằng vẫn tiếp tục, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo kiến nghị dừng Dự án. Sở dĩ dừng vì xuất phát từ 4 quan ngại: Thứ nhất là năng lực nhà đầu tư. Thứ hai là tác động môi trường. Thứ ba là thị trường tiêu thụ quặng sắt. Thứ tư là về giao thông vận tải. Đây là kiến nghị của Bộ dựa trên cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Vấn đề này Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không ngồi nghe báo cáo mà đã đi thị sát trực tiếp và đã có đề xuất như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực giảm phí cho doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO