Nợ nần, sạt nghiệp vì mộng làm giàu từ đa cấp

Tùng Duy 29/07/2020 17:08

Những bài học cảnh tỉnh lừa đảo đa cấp dường như vẫn chưa đủ sức khuyến cáo người dân. Vụ án Thăng Long Group đang được Tòa án Hà Nội đưa ra xét xử có tới 3.600 người người sập bẫy, trong đó nhiều người tuổi đã lên lão, cuộc sống đang bình an, nhưng đã phải bán hết nhà đất, bay biến tài sản, gia đình ly tán, con cái xa lánh, sống cô đơn tuổi già như một kết cục cay đắng.

Lê Văn Quang (đứng phía trên, bên phải) và đồng bọn lừa đảo của Thang Long Group.

Chân dung tập đoàn đa cấp

Năm 2012, Lê Văn Quang (47 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Thăng Long Group) thành lập Cty TNHH Tầm Nhìn Việt và xin giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp. Hai năm sau, Quang mua lại Cty TNHH Secret có giấy phép kinh doanh đa cấp và đổi tên thành Cty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long (viết tắt: Cty nhượng quyền Thăng Long), giao cho đồng bọn là Phạm Ngọc Tuân đứng tên Giám đốc, và chuyển toàn bộ hệ thống bán hàng đa cấp của Cty Tầm Nhìn Việt sang Cty mới.

Lê Văn Quang lập ra một hệ thống các công ty trách nhiệm hữu hạn, gồm Cty nhượng quyền Thăng Long, Cty Tầm Nhìn Việt, Cty bán hàng trực tiếp Thăng Long, Cty truyền thông SMART PR và Cty đào tạo thương mại điện tử Thăng Long, đều có pháp nhân độc lập nhưng nằm trong Thăng Long Group để xây dựng hình ảnh một tập đoàn gồm nhiều công ty.

Nhưng thực tế chỉ có duy nhất Cty nhượng quyền Thăng Long hoạt động, các công ty khác chỉ trên danh nghĩa mà không có bất cứ việc gì. Ngoài việc đánh bóng tên tuổi để người bị hại tin Cty Thăng Long Group là tập đoàn lớn, các công ty con có nhiệm vụ hợp thức hoá đơn chứng từ, che giấu nhiều hoạt động vi vi phạm pháp luật.

Để thu hút nhà đầu tư, ngoài việc tổ chức hàng loạt hội thảo truyền đạt niềm tin, PR tên tuổi Tập đoàn và bản thân, Lê Văn Quang chỉ đạo tung ra các mức lãi suất cực hấp dẫn: Mua gói sản phẩm làm đẹp thực phẩm chức năng trị giá 31 triệu đồng, trong 18 tháng sẽ được nhận 146 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua gói 155 triệu đồng được nhận 730 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua gói 46 triệu đồng được nhận 153 triệu đồng (gấp 3,3 lần)... đánh thẳng vào lòng tham để kích thích tâm lý người dân góp tiền đầu tư, xây mộng làm giàu cấp tốc.

Mất nhà, bán sạch tài sản, nợ chồng chất vì ảo mộng làm giàu

Thống kê có hơn 36.000 bị hại ở khắp các tỉnh, thành như Thanh Hoá, Nghệ An, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La… Ước tính số tiền bị chiếm đoạt hơn 730 tỷ đồng.

Phiên toà sơ thẩm mở ra với số bị hại được triệu tập đông kỷ lục, khoảng 300 người, ngồi chật kín khán phòng, dự kiến phiên xử kéo dài 3 ngày. Phần lớn bị hại là người già, cán bộ hưu trí, và những người lao động nghèo vì tin vào những lời đường mật, bị kích thích lòng tham làm giàu siêu tốc nên sập bẫy.

Lọ mọ đến tòa, bà Nguyễn Thị Y. (75 tuổi, ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) kể với Đại Đoàn Kết về cơn bĩ cực những năm cuối đời sau khi tham gia hệ thống đa cấp Thăng Long Group. Bà Y. được một số “cán bộ của tập đoàn” tư vấn về mô hình đầu tư lợi nhuận siêu khủng. Mờ mắt về con số lợi nhuận ước đạt nhảy múa, bà Y. mua mã hàng và cấp tốc đạt chức “quản lý” chỉ sau một lần xuống tiền.

Chỉ một tháng cứ “ngồi rung đùi”, bà Y. nhận lộc hoa hồng gần 50 triệu đồng. Dù các con bà đã hồ nghi và cảnh báo, nhưng thấy lợi siêu khủng nên bà bỏ qua mọi lời khuyên, lén sử dụng giấy chứng minh thư của các con, lấy cả tiền tích góp của cả gia đình để mua thêm mã hàng, quyết đánh quả lớn. Nhưng mộng đổi đời của bà Y. vỡ tan theo sự sụp đổ của Thăng Long Group khi họ khất lần trả hoa hồng vào những tháng sau.

Và cho đến khi Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt giữ tập đoàn lừa đảo này, bà hiểu rằng số tiền 400 triệu đồng của gia đình bà đầu tư vào Tập đoàn đã bị chiếm đoạt. Và hôm nay bà được triệu tập đến tòa với tư cách người bị hại nhưng cũng ghánh trách nhiệm liên quan. Tiền mất, các con xa lánh và oán trách, bà Y. giờ sống cảnh lủi thủi một mình, cô đơn những năm cuối đời trong góc phòng đi thuê trọ.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Q., cũng ở Vĩnh Phúc, tin theo lời đường mật lọt tai, bóng bảy của Lê Văn Quang: “Việt Nam cần hội nhập quốc tế và Tập đoàn Thăng Long sẽ mang sứ mệnh cất cánh đưa đất nước vươn tầm”. Lê Văn Quang còn phô diễn cả một hội thảo, sử dụng tuyên truyền viên kể chuyện, chia sẻ tấm gương những người thành đạt từ Tập đoàn. Nào là lương 200 triệu đồng/tháng, đi xe đẹp, mua nhà mới ở Hà Nội, để gắn “duyên lộc” với Thăng Long Group.

Quang còn bố trí người mang cả tải tiền đổ dải trên sân khấu cho cả hội nghị 1.500 người xem với lời tuyên thệ “cùng Thăng Long Group đi trên một con đường”…

Choáng ngợp trước bánh vẽ do đội ngũ truyền thông phác lên, bà Q. đắm mình vào hệ thống Thăng Long Group giàu mạnh tài chính, cùng tiếp sức cho diện mạo huy hoàng của Tập đoàn mà không tiếc lời hô hào, khen ngợi, hùa theo những khẩu hiệu, tuyên ngôn vô thực của chúng.

Bà Q. cũng giống như nhiều nhà đầu tư đến từ khắp các tỉnh, thành đeo bám ảo mộng làm giàu, cứ giấu diếm con cháu, bao nhiêu tiền bạc tích góp cuối đời, vay mượn người thân, thậm chí bán luôn nhà đất để góp vốn. Kết cục giờ lộ rõ trên khuôn mặt phờ phạc, tuyệt vọng tại tòa, bà Q. và hàng trăm nhà đầu tư phải ngậm bồ hòn, cay đắng mà đợi kết quả phán xử.

Ở nhà, thuốc giảm béo, giảm mỡ máu, giảm men gan… có người đã mua về dùng nhưng chẳng tỏ tác dụng, vẫn vứt xó tủ. Người nào không lấy được thuốc thì mua mã hàng, cũng lên chức “bạc, vàng, kim cương” để giờ trắng tay.

“Tôi giờ đi ở nhờ nhà người khác, không dám nói với các con tôi nửa lời, còn mang tiếng là người bán hàng đa cấp lừa đảo” – bà Q. ngẹn lời.

“Vòi bạch tuộc” vươn đến vùng sâu, vùng xa

Bà L. (55 tuổi, ở Thạch Thành, Thanh Hoá) kể lại “cái duyên” với Thăng Long Group trong lần dự hội nghị do chi nhánh của Tập đoàn ở Thanh Hoá tổ chức. Ban đầu bà L. cũng bán tín bán nghi, nhưng rồi những chiêu trò của Thăng Long Group đã khiên bà tin rằng mình là một trong số ít những người may mắn được Tập đoàn mời ra Hà Nội dự “Hội nghị vinh danh, tìm kiếm cơ hội làm giàu”.

Sau 2 lần được lên dây cót, lại chứng kiến hàng xóm, người thân của mình nườm nượp nộp tiền mua mã, nhận hoa hồng đến mức thu ngân đếm tiền theo từng bọc tiền lớn thì bà L. đã hoàn toàn bị thuyết phục.

Phiên xử có tới 300 bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham dự
Phiên xử có tới 300 bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham dự

Gia đình bà Phí Thị O. ở tận Sơn La cũng về Hà Nội dự tòa với chia sẻ câu chuyện uất nghẹn. Dăm năm trước, có người quen (thực chất là người của Thăng Long Group) đến tận nhà bà O. rủ rê khi biết chồng bà nghiện rượu, giới thiệu rằng “có thuốc tiên cai rượu” rất bổ gan lại chống lão hóa. Chỉ cần bà nộp 46 triệu đồng thì được hưởng gói điều trị 10 năm, và rủ thêm người cùng tham gia thì có hoa hồng và lãi xuất “khủng”.

Bà O. lập tức tin lời, bán sạch lúa gạo, trâu bò, đi vay thêm 30 triệu đồng nộp cho Thăng Long Group. 10 hộp thuốc nhận về uống vào chả thấy biến chuyển gì, tiền hoa hồng cũng không được đồng nào. “Nhà tôi làm nông, giờ không biết trông cậy vào đâu mà trả nợ”, bà O. sụt sùi kể.

Đau hơn, có gia đình gồm bố mẹ, con cái đều bị dụ dỗ cuốn vào vòng xoáy của Thăng Long Group bày ra. Đến độ họ phải cầm cố chính thửa đất nhà mình đang sinh sống để vay tiền chính sách hộ nghèo, mượn danh người khác. Tóm lại họ vay tất cả các nguồn có thể để lao thân theo Tập đoàn.

Tại tòa, hàng trăm bị hại dường như chung một tâm trạng, chỉ mong vớt vát phần nào số tiền sau hành trình “phiêu linh” với giấc mộng đổi đời do Lê Văn Quang và các đồng phạm khởi xướng. Đại dịch Covid 19 kéo dài từ hồi đầu năm khiến vụ án bị đình trệ xét xử, càng khiến nhiều bị hại lâm cảnh khốn cùng vì chưa thể được tài phán phân xử trả lại quyền lợi.

Cáo trạng cột tội 8 bị cáo đồng bọn của Lê Văn Quang, Viện KSND tối cao khẳng định nhóm lừa đảo này phải chịu trách nhiệm với toàn bộ số tiền 736 tỷ đồng của 36.000 bị hại.

Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến phiên xử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ nần, sạt nghiệp vì mộng làm giàu từ đa cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO