Nợ xấu vẫn khó giao dịch

T.Hằng 29/11/2021 06:20

Nợ xấu của ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng trong khi nợ xấu cũ nhiều lần đại hạ giá vẫn chưa đẩy đi được. Dù Sàn giao dịch nợ xấu đã được thành lập song thị trường mua bán nợ còn sơ khai, hoạt động chưa hiệu quả, nên vẫn khó giao dịch.

Nợ thanh lý nhiều lần vẫn ế

Thực tế này được chỉ ra ở nhiều khoản nợ của Ngân hàng BIDV. Theo đó, nhiều khoản nợ có giá trị nghìn tỷ đồng, trăm tỷ đồng hoặc chục tỷ đồng đã trải qua mấy chục lần rao bán vẫn ế ẩm. Chẳng hạn, BIDV Thành Nam đã từng thông báo đấu giá hơn 40 lần khối tài sản của Công ty CP Thuý Đạt bao gồm nhiều loại máy móc, thiết bị, nhà máy có thể bán riêng lẻ hoặc toàn bộ, song hiện tại khoản nợ này vẫn chưa tìm được chủ mới.

Hay như VietinBank Hoàng Mai với khoản nợ của Công ty Cổ phần Cửu Long (CTCP Cửu Long) cũng đã 7 lần ra thông báo đấu giá nhưng bất thành. Ngoài ra, các ngân hàng, từ tầm lớn đến tầm trung cũng liên tiếp đăng tin rao bán nợ xấu từ xe ô tô, đến nhà xưởng, bất động sản…

Nợ xấu cũ chưa thanh lý, chưa giải quyết được thì nợ xấu mới vẫn tiếp tục phát sinh. Ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, ảnh hưởng dịch Covid-19 đang làm gia tăng nợ xấu tại các ngân hàng. Đến hết quý III/2021, thống kê tại 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn cho thấy tổng nợ xấu là 113.000 tỷ đồng, cao hơn 26% so với đầu năm.

Phần lớn các dự báo đều đưa ra đến cuối năm hoặc sang năm 2022, khối lượng nợ xấu có thể còn cao hơn nữa, bởi dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng, trong khi bản chất của nợ được cơ cấu lại chính là nợ xấu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến năm 2020 nợ xấu nội bảng tăng trở lại lên 1,69% và đến cuối tháng 9/2021 là 1,9%. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, xem xét việc lùi tỷ lệ áp dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam phân tích, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu chỉ còn gần 1 năm nữa là hết hiệu lực, khi đó sẽ có nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng, nguy cơ “con nợ to hơn chủ nợ” có thể xảy ra, việc chây ì trả nợ lại tái diễn. Trong khi nợ xấu là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng, nếu để nợ xấu tăng cao mà không xử lý kịp thời có thể gây ra sự đổ vỡ ngân hàng, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Sàn giao dịch nợ cần thêm cơ chế

Sàn giao dịch nợ Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 15/10/2021. Sau hơn 1 tháng hoạt động (đến ngày 19/11/2021) Sàn giao dịch nợ VAMC đã ký hợp đồng đề nghị môi giới bán khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu với tổng dư nợ 7.458 tỷ đồng. Ngoài ra, sàn đã có 35 đơn vị được cấp tài khoản thành viên… song theo quan sát chung hoạt động mua bán nợ vẫn chưa sôi động.

Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC, hiện nay thị trường mua bán nợ còn sơ khai, chưa hình thành phát triển thị trường thứ cấp. Đồng thời, khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ còn chưa đồng bộ, hạ tầng thị trường mới hình thành và phương thức mua bán nợ xấu còn hạn chế. Thành phần tham gia còn chưa đa dạng, chủ yếu chỉ là hoạt động giữa tổ chức tín dụng và VMAC. Không chỉ vậy, hoạt động mua bán nợ còn nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng tới hoạt động của sàn giao dịch nợ.

Ông Vũ Minh Phương, Phó trưởng Phòng Công nợ, Vietcombank cho biết, hoạt động mua bán nợ còn nhiều vướng mắc, gây ảnh hưởng tới hoạt động của sàn giao dịch nợ. Chẳng hạn, khi tổ chức tín dụng thực hiện bán khoản nợ sẽ phải công khai rất nhiều thông tin về khoản nợ, nhưng quy định liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin lại không cho phép. Đặc biệt, cơ chế vẫn chưa có quy định cụ thể cách thức xác định giá bán nợ, nên ngân hàng chỉ dựa trên giá trị tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá bán. Riêng với trường hợp khoản nợ có vốn nhà nước, nếu bán nợ mà không định giá chính xác sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn Nhà nước.

Giới chuyên gia cho rằng có rất nhiều khó khăn trong việc bán nợ của các tổ chức tín dụng, cũng như hoạt động của sàn giao dịch nợ trong thời gian tới vì vậy cần cấp thêm cơ chế cho Sàn giao dịch nợ VAMC.

Theo Phó Giám đốc Sàn giao dịch nợ VAMC Nguyễn Quang Hòa, để sàn giao dịch nợ hoạt động hiệu quả hơn cần đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia vào thị trường, hoạt động xử lý nợ phải công khai minh bạch và hợp pháp, cần thành lập các tổ chức quản lý và giám sát thị trường một cách chặt chẽ và hiệu quả. Đặc biệt cần luật hoá các nội dung Nghị quyết 42, trong đó có các quy định khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nợ xấu vẫn khó giao dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO