Nỗi buồn đuối nước

Đức Trân 05/06/2023 14:00

Mới bước vào kỳ nghỉ hè nhưng đã xảy ra một số vụ đuối nước. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng tình trạng trẻ tắm sông, tắm trong ao hồ, tắm biển khi không có người lớn đi cùng vẫn rất phổ biến.

Trẻ bị đuối nước điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: BVCC.

Liên tiếp xảy ra đuối nước

Mặc dù tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em đang có xu hướng giảm trong khoảng 5 năm gần đây, thế nhưng, các thống kê cũng chỉ ra rằng, trong 5 năm qua, số vụ tai nạn đuối nước chiếm tỷ lệ lớn chỉ sau sự cố, tai nạn liên quan đến cháy nổ. Đặc biệt trong mùa hè.

Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, mỗi năm Việt Nam vẫn ghi nhận khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Thống kê sơ bộ của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 5/2022 có 100 vụ đuối nước và 142 em tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong dịp hè năm 2022, từ tháng 5 đến gần hết tháng 6, số trẻ em tử vong do đuối nước bằng với số trẻ tử vong trong 5 tháng đầu năm 2022.

Ở thời điểm hiện tại, dù mùa hè năm 2023 chỉ mới bắt đầu, thế nhưng không ít các vụ trẻ nhỏ tử vong vì đuối nước đã được ghi nhận, mặc dù đã liên tục được cảnh báo, tuyên truyền.

Đơn cử, tại TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vào ngày 3/6 vừa qua, 2 em nhỏ (cùng sinh năm 2012) ngụ phường Dương Đông ra suối Đá Bàn vui chơi, tắm thì bị đuối nước. Người dân phát hiện kịp thời trục vớt, sơ cứu, sau đó chuyển đến Trung tâm Y tế TP Phú Quốc cấp cứu. Tuy nhiên, 2 nạn nhân đã tử vong.

Tại Quảng Nam, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết, vào ngày 2/6, tại khu vực Bãi Rạng, giáp ranh giữa xã Tam Nghĩa và xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có 3 học sinh nam bị đuối nước khi tắm biển. Trong đó, 2 em được cứu sống, còn 1 em học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Lợi (xã Tam Nghĩa) bị mất tích. Đến trưa ngày 3/6, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tìm thấy thi thể học sinh mất tích tại khu vực gần vị trí bị nạn và bàn giao cho gia đình lo mai táng.

Cũng trong ngày 3/6, lãnh đạo UBND xã Đặng Cương (huyện An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, trên địa bàn mới xảy ra vụ đuối nước khiến bé trai 12 tuổi tử vong. Đây là học sinh Trường THCS Đặng Cương, đang trong thời gian nghỉ hè.

TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng Khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Tại Việt Nam, đuối nước là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em. Phổ biến nhất là ở nhóm tuổi còn nhỏ từ 0-5 tuổi chưa tự ý thức được hành động và trẻ từ 9-15 tuổi đã có thể độc lập về mặt hành động, sở thích, ý muốn. Thế nhưng dù là ở nhóm tuổi nào, trẻ vẫn cần được sự giám sát của cha mẹ, cảnh báo từ những người xung quanh khi đi bơi hoặc vui chơi gần các khu vực ao hồ, bể bơi. Rời mắt một vài giây thôi là những tai nạn thương tâm đã có thể xảy ra với các em nhỏ.

Chú trọng sơ cứu ban đầu

TS.BS Lê Ngọc Duy cũng cho biết thêm, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Nếu được cấp cứu kịp thời trẻ có thể qua cơn nguy kịch nhưng cũng có thể dẫn tới biến chứng nặng nề như: Suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ô xy kéo dài hoặc thậm chí trẻ có thể tử vong. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc để lại di chứng não bởi không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách.

“Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước, việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ, nếu sơ cấp cứu không đúng trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề dù sau đó có được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, do quá trình thiếu ô xy não kéo dài” – BS Duy khuyến cáo và đưa ra hướng dẫn sơ cấp cứu khi gặp trẻ đuối nước. Cụ thể, việc đầu tiên cần làm khi thấy trẻ đuối nước là tìm sự trợ giúp của những người xung quanh và gọi cấp cứu 115. Sau khi đưa trẻ lên bờ, cần đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp. Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng chăn mền hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt. Cần đảm bảo đường thở thông thoáng bằng việc lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ.

Theo BS Duy, để phòng ngừa đuối nước cần sự chung tay của cả gia đình và cộng đồng. Cụ thể, cần tổ chức tuyên truyền cho mọi người dân cùng tham gia phòng tránh đuối nước trẻ em, tuyên truyền cho người chăm sóc trẻ luôn để ý, quản lý, giám sát trẻ mọi lúc, mọi nơi và giáo dục kiến thức, kỹ năng cho trẻ phòng, chống đuối nước và dạy trẻ bơi an toàn.

TS. BS Lê Ngọc Duy – Trưởng Khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo, để loại bỏ nguy cơ đuối nước cho trẻ em, tại các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ. Ao, hồ, dụng cụ chứa nước trong gia đình phải có rào chắn, nắp đậy. Có các biển cảnh báo tại các sông ngòi, hồ nước... nơi công cộng. Đồng thời, giáo dục, hướng dẫn cho trẻ lớn nhận biết các nơi nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước. Đặc biệt, cần tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa và cấp cứu ban đầu đúng cho người dân và tổ chức các lớp cấp cứu cơ bản cho cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn đuối nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO