Trong bối cảnh thị trường bất động sản “đóng băng”, nguồn vốn vay từ các ngân hàng siết lại nên không chỉ doanh nghiệp bất động sản lúng túng mà cả người có nhu cầu mua nhà để ở cũng khó khăn. Vậy, giải pháp tháo gỡ là gì?
“Dìu nhau vượt qua khó khăn”
Ngày 12/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1156 “về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế”, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại (MHTM) xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Ngày 14/12/2022, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện số 1164 “về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở”. Thủ tướng chỉ đạo NHNN hướng dẫn các NHTM cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các doanh nghiệp (DN), dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp…
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), mặc dù nền kinh tế sẽ có thêm nguồn tiền 240.000 tỷ đồng từ việc ngành ngân hàng được room tín dụng thêm 1,5-2% và 200.000 tỷ đồng còn lại của trần tăng trưởng tín dụng 14% (cũ), nhưng tại thời điểm sắp hết năm 2022 nhưng các DN, nhất là DN bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay được vốn.
Từ đó, HoREA đề nghị NHNN xem xét “nới chuẩn tín dụng”, nếu không các NHTM không dám cho vay đối với một số trường hợp, trong đó có các DN cũng như người có nhu cầu mua nhà ở.
Theo lãnh đạo HoREA, chỉ có như vậy thì DN bất động sản, tổ chức tín dụng và người có nhu cầu mua nhà ở mới cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn.
Các DN bất động sản cũng cho rằng, việc triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay (theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ) mới chỉ giải ngân được 21.000 tỷ đồng, đạt 52,5% (tính đến tháng 10/2022) thì cũng nên cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 2 tỷ đồng/căn được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay tín dụng. Tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa NHTM và khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
Trước đó, Thống đốc NHNN đã ký Thông tư 03/2022 hướng dẫn NHTM thực hiện Nghị định 31/2022 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn NHTM. Theo đó, có 2 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Nhóm thứ nhất gồm các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Nhóm thứ hai: cho vay thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ.
Tuy nhiên, tới nay nguồn vốn ưu đãi đó chưa giải ngân hết, nên việc có thể điều chuyển cho người mua nhà ở thương mại dưới 2 tỷ đồng/căn hộ cũng là một giải pháp cần tính đến trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Giao dịch giảm nhưng giá căn hộ chung cư vẫn cao
Tại TPHCM, thị trường bất động sản lớn nhất cả nước, hiện cũng đã xuất hiện những động thái mới. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, tính đến thời điểm này tổng hồ sơ nhà đất được giải quyết trên địa bàn thành phố là 502.990 hồ sơ; bình quân mỗi tháng giải quyết khoảng 42.000 hồ sơ, tỷ lệ trễ hạn chung theo thống kê là 2,7%, tương ứng 14.000 hồ sơ…
"Sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời với cán bộ công chức viên chức còn trì trệ, chưa làm tốt công việc" - ông Thắng cho biết và đưa ra 3 nhóm giải pháp để giải quyết tình trạng chậm trễ hồ sơ đất đai. Đối với các dự án sử dụng đất còn vướng mắc trên địa bàn, sở sẽ cùng với các đơn vị liên quan phân loại các nhóm tồn tại đã được phân tích trước đó.
Được biết, trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã tham mưu UBND thành phố giải quyết trên 133 dự án có giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thẩm định giá đất. Hiện còn 49 dự án còn vướng mắc.
Thông tin cập nhật tại TPHCM cho biết, hiện nay giá nhà ở vẫn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người lao động.
Thực tế cho thấy tại thời điểm hết năm 2022, thị trường bất động sản vẫn rất khó khăn, bao gồm thách thức về nguồn vốn, giá bán bất động sản đã tăng quá cao. Dự báo thị trường năm 2023, giới chuyên gia tài chính cho rằng trong 3 yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến khả năng đảo chiều của thị trường bất động sản (tăng trưởng tín dụng - lãi suất - chính sách điều hành của Chính phủ), thì tăng trưởng tín dụng và chính sách sẽ là 2 yếu tố mang lại tác động tích cực và đẩy nhanh tiến trình xoay chiều cho thị trường nhà đất. Nếu đầu năm mới tăng trưởng tín dụng nới lỏng thì có thể kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên từ đầu quý 2/2023.