Nội dung kiến nghị và trả lời của các bộ, ngành

(Còn nữa) 25/10/2019 08:00

Báo Đại Đoàn Kết đã giới thiệu toàn văn Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, do Bí thư Trung ương ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; cùng với “Phụ lục 1” của Báo cáo. Đại Đoàn Kết xin trích giới thiệu nội dung cơ bản kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tại “Phụ lục 2”.

(Tiếp theo kỳ trước)

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Công văn số 4875/BTNMT-PC ngày 26/9/2019)

Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ và cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường theo dõi, thanh tra, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm.

Bộ đã thực hiện: Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Bộ đã thanh tra tổng cộng 6.768 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, qua đó đã phát hiện và xử lý gần 3.000 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính lên tới 446,258 tỷ đồng. Kết quả, các đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều cơ sở xả hàng ngàn m3 nước thải không qua xử lý ra môi trường như: công ty TNHH Phương Duy, công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, công ty TNHH Một thành viên Kaneshiro Việt Nam, công ty TNHH thủy sản Đông Hải, Trung tâm xử lý nước thải Khu công nghiệp Phố Nối B… Ngoài ra, trong thời gian qua, Bộ đã xử lý nhiều điểm nóng về môi trường.

Yêu cầu các cơ sở phát sinh chất thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát…

Nội dung kiến nghị: Đề nghị tiếp tục chỉ đạo và có biện pháp triệt để để chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, không phép vẫn xảy ra ở một số nơi nhưng chưa được xử lý nghiêm; làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tổ chức, cá nhân bao che, tiếp tay cho người vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phát triển vật liệu thay thế, giảm phụ thuộc vào khai thác các vật liệu từ tự nhiên.

Bộ đã thực hiện: Bộ ban hành Công văn số 1998/BTNMT-PC ngày 3/5/2019 báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trình Chính phủ xem dự thảo Nghị định về quản lý cát, sỏi lòng sông trong đó có 5 nội dung chính: (1) quản lý cát, sỏi theo quy định Luật Khoáng sản gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước; (2) quản lý, cấp phép, sử dụng cát, sỏi lòng sông trên lưu vực sông phải gắn với trách nhiệm của địa phương theo địa giới hành chính; (3) quản lý cát, sỏi lòng sông chặt chẽ từ lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác đến hoạt động mua bán, vận chuyển, tập kết; (4) cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi chủ yếu thông qua hình thức đấu giá; (5) khuyến khích sử dụng nguyên liệu thay thế cát, sỏi lòng sông từ đá và vật liệu giàu silic. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và khắc phục các tồn tại, bất cập, ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép…

Nội dung kiến nghị: Quản lý đất đai, tài sản công chưa chặt chẽ gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.

Bộ đã thực hiện: Tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình quản lý nhà nước về đất đai trong đó đánh giá về công tác quản lý đất đai và kiến nghị những giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tham mưu, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội nhiều giải pháp về xây dựng chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp (1) Xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và các luật có liên quan; (2) Tăng cường giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng đất. (3) Xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; bảo đảm nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. (4) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về quy hoạch, đất đai của các cơ quan Trung ương và địa phương. (5) Bảo đảm sự quản lý thống nhất từ cấp Trung ương đến địa phương trong phân cấp quản lý về đất đai; hoàn thiện cơ chế, quy định cụ thể trong việc thực hiện phân cấp quản lý đất đai nhằm quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai đảm bảo sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả. (6) Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai. (7) Tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng chính sách, pháp luật…

Nội dung kiến nghị: Giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng sạt, lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Bộ đã thực hiện: Giải pháp đối với tình trạng sạt lở bờ sông:

Lập và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước tại các địa phương theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ-CP. Hiện nay, 43/63 tỉnh, thành đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, trong đó có 31/63 tỉnh, thành đã thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật: Trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý cát sỏi và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông…

Bộ đã thực hiện: Giải pháp giải quyết tình trạng sạt lở bờ biển:

Xây dựng, trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật… Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển: Trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền đầy đủ các văn bản làm cơ sở pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật Ban hành Quyết định số 1790/QĐ-BTNMT ngày 6/6/2018 ban hành và công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều vùng ven biển và 10 đảo, cụm đảo lớn của Việt Nam; bản đồ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm và đường ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm một khoảng cách 3 hải lý vùng ven biển Việt Nam với 6028 điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều vùng ven biển và 1909 điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều 10 đảo, cụm đảo lớn của Việt Nam làm căn cứ để các địa phương xác định và công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trong phạm vi địa phương, làm cơ sở cho việc xác định, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển…

Thực hiện, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” theo Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 1/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 47)…

Nội dung kiến nghị: Rà soát, nghiên cứu kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường.

Bộ đã thực hiện: Triển khai thực hiện Quyết định số 1169/QĐ-TTg 10/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”…; Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 15/2018/QĐ-TTg ngày 12/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Ở địa phương: 63/63 Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập Chi cục Bảo vệ môi trường với số lượng công chức và người lao động trung bình từ 15 đến 25 người, có nơi như Hà Nội (56 người) và Thành phố Hồ Chí Minh (82 người); 57/63 Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập Trung tâm Quan trắc Môi trường, với bình quân số lượng cán bộ làm công tác quan trắc môi trường từ 20 đến 30 người. Một số tỉnh đã tinh gọn tổ chức và chuyển đổi Chi cục Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành Phòng Quản lý môi trường, Phòng Bảo vệ môi trường hoặc sát nhập Chi cục Bảo vệ môi trường với đơn vị khác trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường... Cấp huyện, hiện có 672/675 quận, huyện trên cả nước thành lập Phòng Tài nguyên và Môi trường.. Tại các Ủy ban nhân dân xã/ phường/ thị trấn đã giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường cho cán bộ địa chính, xây dựng, môi trường đô thị kiêm nhiệm. Một số ít địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách hoặc giao nhiệm vụ bảo vệ môi trường cho cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân xã/ phường/thị trấn.

Nội dung kiến nghị: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho Hợp tác xã tiếp cận đất đai và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Hợp tác xã, trong đó có đất của Hợp tác xã do các xã viên góp tiền mua.

Bộ báo cáo: Pháp luật về đất đai ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác xã được tiếp cận đất đai và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: các hình thức bao gồm: Nhà nước thu hồi để giao, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai; Thuê đất, thuê lại đất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề, khu công nghệ cao, khu kinh tế theo quy định tại Điều 149, 150 và Điều 151 Luật Đất đai, Điều 51, 52 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 36 và Khoản 37 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017) và Điều 53 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Điều 166 Luật Đất đai cũng đã có quy định về các quyền chung của người sử dụng đất, trong đó, có quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời, tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ đã quy định đầy đủ các thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký thực hiện các quyền của người sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 177 Luật Đất đai đã quy định cụ thể về việc xử lý quyền sử dụng đất của hợp tác xã khi giải thể, phá sản. Đối với trường hợp hợp tác xã đang sử dụng đất do các thành viên góp quyền sử dụng đất thì theo quy định tại Khoản 61 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ, hợp tác xã được Nhà nước công nhận hình thức sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất mà không phải chuyển sang thuê đất; thời hạn sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày được công nhận, trường hợp đất đang sử dụng có nguồn gốc là đất được sử dụng ổn định lâu dài thì được công nhận với thời hạn là ổn định lâu dài. Trường hợp hợp tác xã nông nghiệp sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được Nhà nước miễn tiền thuê đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nội dung kiến nghị và trả lời của các bộ, ngành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO