Nỗi lo an toàn thực phẩm

Minh Thủy 24/11/2022 07:35

Vụ ngộ độc thực phẩm khiến 648 học sinh Trường ISchool Nha Trang (Khánh Hòa) phải đến khám, chăm sóc y tế và nhập viện khiến dư luận bàng hoàng. 5 bệnh viện công và tư ở thành phố Nha Trang quá tải khi quá đông học sinh cùng vào cấp cứu. Trường ISchool Nha Trang của Tập đoàn Nguyễn Hoàng là trường tư thục ở thành phố Nha Trang nhận học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Được biết, ngoài tiền học phí, hàng tháng các phụ huynh phải đóng tiền bán trú cho nhà trường. Mức đóng tiền bán trú hơn 1,4 triệu đồng, bình quân 70 ngàn đồng/ngày. Nhiều phụ huynh cho rằng chất lượng các loại thực phẩm không đảm bảo, không tương xứng với số tiền trường thu về; trong khi nhiều trường bán trú trên địa bàn thu 25.000 đồng một bữa ăn cho học sinh.

Vụ ngộ độc tập thể kinh hoàng này đã vượt qua khả năng chữa trị của hệ thống bệnh viện địa phương, Bộ Y tế đã phải cử đoàn công tác tới hỗ trợ.

Lâu nay, ngộ độc thực phẩm vẫn là nỗi lo của xã hội. Từ ngộ độc tại tiệc cưới, cỗ tang cho đến ngộ độc tại các khu công nghiệp, trong trường học, hay là ngộ độc trong chính bữa ăn của gia đình. Đã rất nhiều lần cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng rồi ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Riêng với ngộ độc thực phẩm trong nhà trường luôn gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh. Phụ huynh từng nhiều lần lên tiếng việc một số nhà trường bớt xén khẩu phần ăn của học sinh bán trú, nội trú; hoặc là mua thực phẩm “giá bèo” không bảo đảm an toàn cho mỗi bữa ăn. Nhưng vẫn không chấm dứt.

Hiện cả nước có hơn 4.000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tại trường. Mức kinh phí tùy từng trường đặt ra để phụ huynh đóng góp. Theo thống kê của Bộ Y tế, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm, nhưng số bị mắc lại đông, hơn nữa các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Tại Thông tư liên tịch số 13/2016 giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã quy định rất rõ đối với các trường học có bếp ăn nội trú, bán trú; nhấn mạnh việc bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm; yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm; tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm, phù hợp với đối tượng và lứa tuổi đối với các trường có học sinh nội trú, bán trú.

Như vậy, có thể khẳng định trước tiên trách nhiệm bảo đảm dinh dưỡng, an toàn thực phẩm học đường thuộc về trường. Không thể khi vụ việc xảy ra nhà trường lại cho rằng không sản xuất ra nguyên liệu thực phẩm nên không chịu trách nhiệm. Vậy thì “nguyên liệu thực phẩm” ấy ở đâu ra, nếu không phải do nhà trường đặt mua?

Về nguyên tắc, nhà trường có tổ chức bữa ăn nội trú, bán trú sẽ đặt hàng cho những cơ sở kinh doanh thực phẩm. Vì thế phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của những cơ sở ấy, không thể để xảy ra việc tuồn thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng vào trường học. Nếu nhà trường không có trách nhiệm thì bữa ăn bán trú, nội trú vẫn bị bỏ ngỏ và tình trạng ngộ độc tập thể vẫn không chấm dứt.

Theo bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII, cần có hình thức xử lý nghiêm với người đứng đầu trường học nếu để bếp ăn tập thể mất an toàn. Cần phải tìm ra ai là người ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thức ăn; ai là người chịu trách nhiệm giám sát nguồn thực phẩm nếu để thực phẩm bẩn vào được trường học rồi nấu cho trẻ ăn. Bà An cũng cho rằng, khi một địa phương nào đó xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học thì lãnh đạo địa phương đó phải vào cuộc xử lý, phải làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm đến cùng.

Còn tại Khoản 5 Điều 53 Luật An toàn thực phẩm cũng qui định về trách nhiệm của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc thì phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự. Luật cũng quy định, ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, nếu hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng, gây ngộ độc cho nhiều người hoặc gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng cho người khác từ 31-60% thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Trong đó, tại Điều 317 “tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”, nếu gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Rồi đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm trong vụ ngộ độc tập thể tại Trường ISchool Nha Trang. Dư luận xã hội trông chờ vào những phán quyết rõ ràng để không còn lặp lại tình trạng ngộ độc tập thể đau lòng trong trường học các cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo an toàn thực phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO