Nỗi lo đến từ ‘tâm dịch’ mới

Hà Anh 26/06/2021 06:35

Thế giới chưa thể có “giấc ngủ ngon” trong cuộc chiến chống Covid-19 khi vẫn xuất hiện những vùng dịch nguy hiểm mới và sự tái bùng phát từ những “tâm dịch” cũ. Nhanh chóng nâng tỷ lệ tiêm vaccine là biện pháp được trông chờ phát huy hiệu quả nhất hiện nay.

Covid-19 đang bùng phát tại Indonesia. Ảnh: Dnaindia.com.

1. Số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã tăng vọt gần 14.000 ca so với vài ngày qua. Với 20.574 ca mắc Covid-19 ngày 24/6, Indonesia đã trở thành quốc gia có số ca mắc hàng ngày cao nhất thế giới.

Theo trang thống kê worldometers.info, số ca mắc hàng ngày ở nước này đứng ở vị trí đầu tiên, xếp sau đó là Nga (20.182 ca), Iran (11.734 ca), Philippines (6.043 ca) và Malaysia (5.841 ca). Dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia cho biết, tổng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đến thời điểm hiện tại là 2.053.995 ca, đứng thứ 17 trên thế giới, trong đó có 55.949 trường hợp đã tử vong.

Giới chức Hàn Quốc đang xem xét kế hoạch tiêm chủng vaccine bổ sung trước nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta. Theo đó, Cơ quan phòng dịch nước này quyết định sẽ cân nhắc đến việc tiêm mũi bổ sung sau khi đã tiêm đủ số mũi vaccine Covid-19 theo tiêu chuẩn khuyến cáo.

Sự gia tăng đột biến về số ca mắc Covid-19 tại Indonesia xảy ra trong những tuần gần đây sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitri của người Hồi giáo năm 2021.Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, đây vẫn chưa phải là đỉnh dịch mới của Indonesia. Đỉnh dịch lần này sẽ rơi vào tháng 7 tới đây, vài tuần sau kỳ nghỉ lễ.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng con số ca bệnh thực tế ở Indonesia cao hơn nhiều so với con số thống kê chính thức. Nhà dịch tễ học Dicky Budiman từ Đại học Griffith của Australia nhận định, Indonesia có thể có tới 50.000 - 100.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày.

Các chuyên gia cảnh báo viễn cảnh thiếu giường bệnh tại các cơ sở y tế do ca bệnh tăng nhanh chóng thời gian qua. Công suất giường bệnh tại các bệnh viện chuyển tuyến Covid-19 tại Indonesia đang dần đầy. Ngày 23/6, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh ở khu vực thủ đô Jakarta và các thành phố vệ tinh đã đạt 80 - 90%.

Tại Jakarta, nhu cầu dịch vụ tang lễ và chôn cất đã tăng kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, theo Thống đốc Anies Baswedan. “Những cái chết đó không chỉ là con số thống kê. Hãy để nó dừng lại. Hãy tránh làm những hành động có thể gây rủi ro bùng dịch. Hãy đi tiêm chủng”, ông Baswedan kêu gọi.

Tại đảo Java đông dân nhất, tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân Covid-19 đã vượt qua 80%. Người dân ở thủ đô Jakarta phải chờ nhiều giờ đồng hồ trước khi thi thể nạn nhân chết vì Covid-19 được thu thập, do số người chết tăng cao trong những ngày gần đây.

Theo Nikkei, Chính phủ Indonesia hiện vẫn đang cố gắng duy trì nền kinh tế vận hành khi hạn chế việc áp dụng các lệnh cấm trên diện rộng và cố gắng tăng tốc tiêm chủng để tìm cách ngăn dịch lan rộng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, việc chủng Delta đang lây lan ở Indonesia dữ dội có thể sẽ khiến tình hình ngày càng xấu đi.

Chính phủ Indonesia đã đưa ra các biện pháp thắt chặt Giới hạn hoạt động cộng đồng tầm vi mô mà không ảnh hưởng đến nền kinh tế, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng bước đi này không hiệu quả trong việc ngăn chặn tốc độ lây truyền.

Bên cạnh thắt chặt các biện pháp giới hạn, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo đặt mục tiêu tiêm chủng cho 7,5 triệu trong tổng số 10,5 triệu dân thủ đô vào cuối tháng 8 để đạt miễn dịch cộng đồng khu vực tâm dịch.

2. Đầu tuần này, giới chức Ấn Độ vô cùng hân hoan với kỷ lục tiêm kỷ lục hơn 8 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19 cho người dân sau khi nước này vừa trải qua một làn sóng Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, ngay cả chương trình tiêm chủng thần tốc này cũng chưa đủ nhanh để giúp Ấn Độ tránh được làn sóng Covid-19 thứ ba. Họ cũng hoài nghi về việc Ấn Độ có thể duy trì tốc độ tiêm chủng trung bình 4,6 triệu mũi/ngày.

Mặc dù đã ngừng xuất khẩu vaccine dưới mọi hình thức kể từ tháng 4 và được hưởng lợi lớn từ ngành sản xuất vaccine, nhưng đến nay Ấn Độ mới chỉ tiêm chủng được cho 4% dân số, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và nhiều nước phương Tây. Với tỷ lệ này, một số nhà khoa học cảnh báo, làn sóng Covid-19 thứ ba có thể ập đến Ấn Độ trong vòng vài tháng tới, làm dấy lên lo ngại một cuộc khủng hoảng thiếu ôxy và hệ thống y tế thất thủ như mấy tháng qua.

Trong khi đó ở nước láng giềng Bangladesh, ngày 24/6, nước này báo cáo hơn 6.000 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 81 trường hợp tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ. Đây là ngày có số ca Covid-19 mới cao nhất kể từ ngày 12/4.

Trong bản báo cáo cập nhật về tình hình Covid-19 tại Bangladesh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định rằng khoảng 2/3 số quận, huyện (tương đương 40 trong tổng số 64 đơn vị hành chính) tại quốc gia Nam Á này là khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao, với tỷ lệ lây nhiễm trên 10%. Trong số này, 19 quận huyện có tỷ lệ dương tính theo tuần là trên 25%.

Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Covid-19 của Bangladesh ngày 24/6 đã đưa ra khuyến nghị Chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 2 tuần để ngăn chặn đà tăng của Covid-19 hiện nay trong cả nước. Biện pháp này được tính tới sau khi việc phong tỏa từng phần tại một số khu vực có tình trạng lây nhiễm không giúp kiểm soát được tình hình.

Cùng với đó, ngày 25/6, đảo quốc Fiji ghi nhận dịch Covid-19 đang lây lan rộng trong cộng đồng ở nước này. Bộ trưởng Y tế thường trực của Fiji, ông James Fong cho biết có 308 ca nhiễm mới ở nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trong làn sóng dịch thứ 2 bùng phát từ đầu tháng Tư vừa qua lên gần 2.800 ca.

Tuy nhiên, nhà chức trách Fiji vẫn chưa áp đặt phong tỏa toàn quốc, nhấn mạnh rằng ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân kém, khiến biện pháp phong tỏa không có tác dụng.

Fiji đã trải qua một năm không ghi nhận ca nhiễm mới nào cho đến tháng Tư vừa qua, khi bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 2 do biến thể Delta hoành hành.

Mới đây, WHO cho rằng, những người dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19, như người cao tuổi, có thể cần tiêm lại vaccine hàng năm để chống các biến thể.

Dự báo này được đưa ra trong một tài liệu nội bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và sẽ được thảo luận sớm tại cuộc họp hội đồng quản trị Gavi, một liên minh vaccine đồng lãnh đạo chương trình phân phối vaccine Covax của WHO. Dự báo này có thể thay đổi và cũng được ghép nối với hai kịch bản khác ít khả năng xảy ra hơn.

Tài liệu cho thấy WHO coi việc tiêm phòng lại hàng năm cho những người có nguy cơ cao là kịch bản định sẵn, nhưng không cho biết kết luận này đạt được như thế nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo đến từ ‘tâm dịch’ mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO