Nỗi lo dịch sau dịch

Thanh Đức 09/08/2022 09:47

Đợt bùng dịch Covid-19 thứ 7 đạt đỉnh vào ngày 6/8 vừa qua đã tác động đáng kể đến nền kinh tế và tạo sức ép lớn cho hệ thống y tế của Nhật Bản, với số ca mắc mới ở mức trên 200.000 ca/ngày. Trong khi đó, giới chuyên gia y tế cảnh báo các bệnh bị kìm hãm trong dịch Covid-19 đang trở lại theo cách mới và bất thường.

Người dân Nhật Bản vẫn rất thận trọng với Covid-19.

Ông Tateda Kazuhiro - Giáo sư Đại học Toho, cố vấn Covid-19 của Chính phủ Nhật Bản cảnh báo: "Chúng ta đang ở giữa đợt dịch thứ 7 với sự bùng nổ ca bệnh trên toàn quốc. Nếu xu hướng này không đảo ngược trong hai tuần tới, các bệnh viện sẽ quá tải và các hoạt động kinh tế sẽ bị gián đoạn. Chúng ta sẽ phải dùng đến các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt".

Trong khi đó, số người nhập viện do say nắng tăng mạnh. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh đã vượt mức 50% tại 20/47 tỉnh, thành của Nhật Bản. Con số này tại tỉnh Okinawa ở miền Nam là hơn 88%. Dù vậy, Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ nguyên lập trường chưa cần thiết phải ban hành các biện pháp hạn chế khẩn cấp. Thủ tướng Kishida Fumio cho biết, các nguồn lực của chính phủ sẽ tập trung vào việc tăng cường năng lực cho hệ thống y tế và mở rộng độ tuổi được phép tiêm mũi thứ 4 vaccine phòng Covid-19, trong khi vẫn duy trì các hoạt động kinh tế và xã hội.

Đáng chú ý, khi dịch đậu mùa khỉ có nguy cơ lan rộng và biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ngày một chứng tỏ sự nguy hiểm, thì giới chuyên gia y tế lại lên tiếng cảnh báo một nỗi lo mới, đó là các bệnh bị kìm hãm trong dịch Covid-19 đang trở lại theo cách mới và bất thường. Đó là các loại bệnh do virus cúm, virus hợp bào hô hấp, adenovirus, bệnh lao và bệnh đậu mùa khỉ “có biểu hiện kỳ lạ” trong những tháng gần đây.

Người ta cho rằng, các đợt phong tỏa của dịch Covid-19 làm giảm tiếp xúc và cũng làm giảm khả năng miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm, khiến xã hội dễ bị tổn thương trước các đợt bùng phát mới.

Tiến sĩ Scott Roberts - Phó Giám đốc y tế phòng, chống nhiễm trùng tại Bệnh viện Yale New Haven (Mỹ), nói với Đài CNBC: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy mùa cúm ở Mỹ kéo dài đến tháng 6. Virus hoạt động theo những cách rất kỳ quặc mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây". Trong khi đó, bang Washington đã trải qua đợt bùng phát bệnh lao tồi tệ nhất trong vòng 20 năm. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, có ít nhất 2 biến thể đậu mùa khỉ khác biệt về mặt di truyền đang lưu hành ở Mỹ. Hiện vẫn chưa rõ liệu virus này có bị đột biến hay không. Đại diện CDC bày tỏ lo ngại việc phong tỏa xã hội (để phòng, chống Covid-19) đã khiến nhiều trẻ em bỏ lỡ các lần tiêm chủng. Từ đó, có khả năng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine khác như sởi và ho gà.

Bà Jennifer Horney - Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Delaware nói: "Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, nhiều trẻ em không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc ban đầu, bao gồm cả tiêm chủng cho trẻ nhỏ. Do đó chúng không có kháng thể để đương đầu với nhiều loại virus. Và điều còn đáng ngại hơn là người ta đã nhận thấy một cách rõ ràng là có nhiều loại virus tưởng như đã biến mất từ vài chục năm trước thì nay bỗng dưng tái xuất hiện”.

Giáo sư Jennifer cũng cho rằng, chúng ta đã “quá quen” với việc virus gây dịch bệnh bắt nguồn từ châu Phi, và chính vì lối “áp đặt suy nghĩ” ấy đã khiến cả châu Âu lẫn Bắc Mỹ rơi vào tình thế bất ngờ trước nhiều tình huống y tế khẩn cấp. “Chúng ta không được bảo vệ an toàn trước virus, vì chúng có những biểu hiện rất kỳ lạ” - bà Jennifer nói.

Thực tế thì dịch đậu mùa khỉ hay là bệnh viêm gan cấp “bí hiểm” vốn cũng đã xuất hiện cách đây chừng 50 năm, và đã được coi là biến mất, nhưng nay đã trở lại. Điều đó cho thấy các loại virus gây bệnh chưa bao giờ bị tiêu diệt hoàn toàn mà vẫn “ở cùng” loài người, khi sự đề kháng của cơ thể yếu đi thì sẽ phát bệnh khi chúng tấn công.

“Cần phải hiểu rằng, sức đề kháng trong cơ thể chúng ta đã yếu đi khi phải chống cự lâu dài với Covid-19. Từ đó có thể sẽ trở nên yếu ớt trước những loại virus khác. Do đó, việc tiêm mũi 4 vaccine phòng Covid-19 phải được nhận thức như một điều buộc phải làm”- bà Jennifer khuyến cáo.

Lo sợ những ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ bên ngoài, giới chức y tế Australia kêu gọi người dân nước này tăng cường đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, trong nhà và các cửa hàng, khu mua sắm, trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 ngày càng lan rộng và có khả năng đạt đỉnh trong vòng 4 tuần tới. Người dân cũng được yêu cầu tiêm đầy đủ các mũi vaccine ngừa Covid-19. Các công ty được khuyến khích sắp xếp để nhân viên có thể làm việc tại nhà nhiều nhất có thể. Ông Chris Moy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia nói: "Chúng tôi thực sự lo ngại về nguy cơ bị quá tải y tế và các bệnh nhân mắc Covid-19, bệnh nhân mắc các bệnh khác có thể sẽ không nhận được sự chăm sóc kịp thời".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo dịch sau dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO