Nỗi lo Tết về

M.DUY - H.NHÂN 11/12/2022 06:55

Sau một năm chật vật với những khó khăn do dịch bệnh, người lao động phải xoay xở để tìm kiếm việc mưu sinh. Tết đang tới gần, nỗi lo không có thưởng tết đang là áp lực với người lao động vì rất nhiều công ty tiếp tục cắt giảm lao động hoặc người đang có công việc cũng bị cắt giảm giờ làm do doanh nghiệp không có đơn hàng. Thực trạng này cho thấy doanh nghiệp cần sớm có những cách thức hỗ trợ, động viên người lao động trong những tháng cuối năm trong điều kiện của mình.

Giờ tan ca tại Khu công nghiệp Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Ảnh: Viết Chung.

Ước mong đón Tết bên gia đình

Vào những ngày cuối năm tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều, không ít doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chi phí mua nguyên vật liệu tăng cao, kinh doanh ảm đạm, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, giảm lao động và quy mô sản xuất, dẫn đến người lao động thiếu việc hoặc bị mất việc, tình trạng này khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm. Vì thế, khoản tiền thưởng tết vốn rất được mong ngóng, sau gần một năm cống hiến cũng trở nên khó khăn hơn.

Chị Bùi Thị Ngà (29 tuổi), công nhân của Công ty May mặc Crystal Martin Việt Nam tại Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) cảm thấy mình may mắn vì tới thời điểm này vẫn có công việc. Chị chia sẻ: Nhiều bạn bè tôi ở một số công ty khác giờ đang thất nghiệp hoặc về nghỉ tết sớm do không có việc. Tôi gắn bó với công ty được 4 năm rồi, lương cơ bản của tôi là 5 triệu đồng, mỗi tháng được phụ cấp 1 triệu đồng. Nhưng năm nay đơn hàng ít nên không có thời gian tăng ca nên thu nhập cũng kém hơn.

Chị Ngà có 2 con nhỏ đang ở với bà ngoại tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Chia sẻ về cái tết đang tới gần, chị lo lắng: Khoảng 2 năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh nên công ty có ít việc. Chi phí thuê nhà tiết kiệm lắm cũng hết khoảng 1, 5 triệu/ tháng, còn sinh hoạt hàng ngày, nên tiền gửi về quê nuôi con cũng không đủ. Thời gian này, tôi đọc báo thấy nhiều thông tin về các công ty phá sản. Có công ty không có thưởng tết, cho công nhân nghỉ trước tết cũng thấy lo. Vậy nên tôi mong muốn có việc làm ổn định, mức thưởng của công ty vẫn giữ nguyên 1 tháng lương như năm trước để tôi yên tâm sẽ được đón một cái tết ấm áp, vui vẻ bên gia đình.

Chị Cao Thị Tuyết Nhung (22 tuổi), công nhân công ty TNHH công nghệ Namuga Phú Thọ chia sẻ: "Tôi làm cho một công ty chuyên sản xuất camera của Hàn Quốc được 3 năm rưỡi, lương tháng 4,4 triệu đồng. Vào thời điểm này năm ngoái công ty đã công bố thưởng tết 70% lương, nhưng năm nay thì chưa biết được bao nhiêu. Công ty tôi làm có quy định thưởng 1 năm 2 đợt, đợt tết được 70% và đợt 1/5 được 30%". Chị Nhung cũng cho biết: Những năm trước đơn hàng nhiều dịp này làm tăng ca không kịp thở, thu nhập vì thế cũng tốt hơn. Nhưng cuối năm nay đơn hàng giảm hẳn, ít việc nên công ty cho một số bộ phận công nhân về sớm.

Khi được hỏi về mức thưởng tết năm nay, nữ công nhân này cho biết: “Dù năm nay tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng tôi đoán mức thưởng tết giống như mọi năm là 70% của 1 tháng lương cơ bản. Tôi hy vọng công ty vẫn có tiền thưởng tết và nhận được nhiều đơn hàng để sau tết chúng tôi tiếp tục có công ăn, việc làm”, chị Nhung bày tỏ.

Cùng công ty với chị Nhung, chị Hà Thị Hương Mơ đến từ huyện Thanh Sơn, Phú Thọ cũng đang sốt ruột chờ thưởng tết để về quê với chồng và 2 con đang gửi bà nội chăm sóc. Chị Mơ cho biết: Số tiền thưởng tết mà chị mong ngóng lâu nay sẽ có thể cứu cánh trong lúc khó khăn này. Bởi các khoản chi đều trông chờ vào tiền lương hơn 4 triệu đồng. Xin vào công ty làm đúng thời điểm khó khăn khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, nên số tiền thưởng tết sẽ là khoản để chị Mơ mua quà về cho gia đình.

Làm công nhân tại Khu công nghiệp Phúc Điền (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) gần chục năm nay, chị Thanh Vân quê Lai Châu cho biết: Hiện tại vẫn chưa thấy công ty thông báo thưởng tết. Tôi rất sốt ruột chờ thưởng tết. Vì đi làm cả năm, ai cũng sẽ mong ngóng tiền thưởng cuối năm để sắm sửa cho con cái, về quê ăn tết cùng cha mẹ. Nhưng nếu không có thưởng, gia đình tôi có thể sẽ phải ở lại.

Chị Vân và chồng đã làm công nhân ở khu công nghiệp Phúc Điền hơn 10 năm. Chị cho biết, tiền thưởng tết công ty dựa vào tình hình kinh doanh, vậy nên có năm chị được thưởng 2,5 tháng lương, cũng có năm chỉ được 1 triệu đồng. Nhưng từ khi có dịch bệnh Covid-19, tiền thưởng tết của công nhân giảm nhiều. Cả gia đình 4 người chị Vân thuê trọ gần nơi làm việc, anh chị thu nhập chừng 12 triệu đồng/tháng, nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt, nên số tiền đó vừa đủ cho cả gia đình. Có lúc, chị cũng phải vay tạm hàng xóm để nộp tiền học cho các con hay có việc đột xuất ở quê. "Tôi chỉ mong công việc ổn định, thường xuyên tăng ca để lo cho cuộc sống. Về cái tết sắp tới, tôi cũng mong công ty sớm công bố tiền thưởng để tôi có kế hoạch về quê ăn tết với gia đình, các con tôi được đón tết bên ông bà nội, ngoại", chị Vân mong ước.

Nhà trọ Khu 1, xóm Vĩnh Hóa, xã Thuỵ Vân, TP Việt Trì – nơi chị Nhung và chị Mơ đang thuê trọ vắng vẻ vì nhiều người phải về quê sớm.

Dự báo vẫn khó khăn

Vào thời điểm này, dù chưa công bố chính thức nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ cố gắng đảm bảo chi trả thưởng tết cho người lao động. Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình chung của kinh tế - xã hội thế giới, lạm phát duy trì ở mức cao, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước còn gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào và bị giảm đơn hàng. Đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người lao động. Thậm chí công ty nợ lương, chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Mới đây, ngày 9/12, hàng chục công nhân Công ty TNHH may mặc Minh Giang (phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa) cùng nhau tới Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn - Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai để kêu cứu vì bị công ty nợ lương, chủ doanh nghiệp bỏ trốn. "Tôi là lao động chính của gia đình, sắp tới tết rồi mà giờ tự nhiên mất việc, không biết sắp tới phải sống như thế nào đây" - chị H., công nhân Công ty Minh Giang lo lắng nói.

Theo tổng hợp của công đoàn, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có khoảng gần 700 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của hơn 271.000 lao động và gần 90 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15.000 lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 28/11 đã có báo cáo về tình hình cắt giảm việc làm, lao động trong các doanh nghiệp. Theo đó, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động là 1.235 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 646 doanh nghiệp dân doanh, chiếm 52,27%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 590 doanh nghiệp, chiếm 47,73%. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều là dệt may với 226 doanh nghiệp (chiếm 18,28%); da giày 109 doanh nghiệp (chiếm 8,82%); chế biến gỗ 196 doanh nghiệp (chiếm 15,86%); điện tử 62 doanh nghiệp (chiếm 5,02%); cơ khí 31 doanh nghiệp (chiếm 2,51%), trong lĩnh vực khác 612 doanh nghiệp (chiếm 49,51%). Đáng chú ý, trong khu công nghiệp có 360 doanh nghiệp (chiếm 29,13% tổng số doanh nghiệp).

Hỗ trợ người lao động đón Tết

Dù khó khăn, nhưng các tổ chức chính trị xã hội như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… đang khởi động những chương trình lo Tết cho người lao động. Như chương trình "Cùng nhau làm nên Tết" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông Phan Văn Anh - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đơn vị đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động; xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên chợ tết cho người lao động. Dự kiến có khoảng trên 1 triệu lao động sẽ được thụ hưởng chăm lo tết, mỗi suất quà khoảng 500.000 đồng tiền mặt; ngoài ra còn huy động xã hội hóa. Đặc biệt, chương trình “Cùng nhau làm nên Tết” sẽ ưu tiên người lao động rơi vào hoàn cảnh mất việc, giãn việc gặp gặp khó khăn. Khi dịch Covid-19 bùng phát người lao động tại các khu công nghiệp - chế xuất hầu hết đều không có tích lũy, nên khi mất việc do dịch bệnh thì không có nguồn sinh sống. Vì vậy, chương trình sẽ ưu tiên, hỗ trợ đối tượng người lao động này. Chương trình sẽ tổ chức tại 5 địa phương với không gian và các hoạt động mang đậm không khí ngày Tết cổ truyền dành cho thanh thiếu nhi, công nhân, người lao động và bà con nhân dân đến tham dự và trải nghiệm.

Tại Hà Nội, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội) cho biết, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội có kế hoạch dành 15 tỷ đồng hỗ trợ cho 15.000 công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (1 triệu đồng/suất), tổ chức xe đưa 1.200 công nhân có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chế xuất và ngành dệt may Hà Nội về quê đón Tết; tặng phiếu mua sắm trị giá từ 300.000 - 500.000 đồng cho 5.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn để mua sắm tại Chương trình chợ tết.

Cùng với đó, chương trình “Mang Tết về nhà”, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mong muốn tiếp tục lan tỏa rộng rãi trong xã hội thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau” và giá trị cao đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Chương trình dành tặng 556 vé máy bay khứ hồi (trong đó có 360 vé nội địa và 196 vé quốc tế), 3.600 xe ô tô khứ hồi và các phần quà ý nghĩa cho hơn 4.000 sinh viên, thanh niên công nhân, người lao động xa nhà có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Anh Ngô Văn Cương - Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn chia sẻ: Qua chương trình, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mong muốn tiếp tục lan tỏa rộng rãi trong xã hội thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau” và giá trị cao đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Từ đó các cấp bộ đoàn, các tổ chức trong xã hội sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa, đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tập trung chăm lo tết cho người lao động

Trong quý IV/2022, các cấp Công đoàn cần tập trung chăm lo tết cho người lao động thật tốt, trong đó tập trung chăm lo cho đối tượng khó khăn, nhất là những người lao động thiếu việc làm, nghỉ việc.

Các đơn vị liên quan cần chủ động đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc trên cơ sở giữ nhiều nhất có thể số lượng người lao động có việc làm, thu nhập, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng với người lao động. Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng lao động, yêu cầu doanh nghiệp bảo đảm quy trình, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật, đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp.

Giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động. Triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; bảo đảm quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là lao động nữ, trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động từ 35 tuổi trở lên, có hoàn cảnh khó khăn, là người khuyết tật… trong trường hợp bị giảm giờ làm, mất việc làm.

Ông Lê Quang Trung - chuyên gia lao động việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội): Thưởng tết hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho người lao động

Hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm và mong muốn có mức thưởng xứng đáng để động viên, hỗ trợ người lao động trong những tháng cuối năm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhóm ngành dịch vụ, xây dựng… phát triển, có lợi nhuận cao hơn chắc chắn thưởng tết sẽ cao hơn năm trước. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp gặp khó khăn thật sự trong thời gian qua do giảm đơn hàng, họ rất băn khoăn, trăn trở về vấn đề này. Khi đó, người lao động cũng phải hết sức chia sẻ với doanh nghiệp bởi các đơn vị này đang nỗ lực giữ việc làm cho người lao động.

Tiền thưởng dịp cuối năm rất nhân văn, hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho người lao động. Người lao động mong muốn thưởng nhiều. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện của từng doanh nghiệp thực hiện thưởng cho người lao động cho phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi lo Tết về

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO