Nhờ các tín hiệu lạc quan trong phòng, chống dịch Covid-19, TP HCM tiếp tục nới lỏng thêm nhiều hoạt động nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Và “thẻ xanh Covid-19” trở thành thước đo quan trọng để mở cửa các hoạt động.
Công sở “mở cửa” từng bước
Ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM cho biết, từ nay đến 30/9 các cơ quan được bố trí không quá 1/3 công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại đơn vị. Tuy nhiên, các trường hợp trở lại công sở phải đảm bảo tiêm đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19.
Dù vậy, trong thời gian này việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục ưu tiên ở mức độ 4. Cụ thể, các nội dung thực hiện thủ tục hành chính gồm các vấn đề cấp bách, liên quan đến công tác phòng, chống dịch, hồ sơ mang tính chất khẩn, mật.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, đến cuối tháng 9, TP sẽ có đánh giá về việc thực hiện giãn cách xã hội. Theo dự kiến, từ tháng 10 cán bộ, công chức, viên chức sẽ trở lại làm việc trực tiếp tại đơn vị với số lượng lớn hơn (không quá 1/2). Trong đó, tập trung giải quyết các thủ tục hành chính mức độ 3, 4. Việc trả kết quả sẽ được triển khai thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông để hạn chế tiếp xúc.
Với tình hình dịch hiện nay, dự báo từ đầu năm 2022 toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại TP HCM sẽ đi làm trở lại. Ở từng thời điểm, TP sẽ có đánh giá cụ thể. Hiện nay, việc quản lý chất lượng, hiệu quả công việc do thủ trưởng từng đơn vị, bộ phận kiểm tra giám sát thường xuyên.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, việc tiêm vaccine và chứng nhận F0 hoàn thành cách ly là rất quan trọng. Ông Tâm cũng báo tin vui khi ngành y tế thành phố đang chạm gần tới mục tiêu phủ 100% tiêm vaccine mũi 1 (đến 21/9 đã đạt 93%) cho người dân TP. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vaccine đợt 2 cũng đang có tiến độ khá tích cực. Cũng theo Phó Giám đốc HCDC, từ nay đến 30/9 việc tiêm vaccine rất thuận lợi khi nguồn vaccine đã sẵn sàng.
Người dân đi chợ bằng “thẻ xanh”
Ngày 22/9, chợ lưu động bình ổn giá đầu tiên được thí điểm tại quận 5, TP HCM. Đây là mô hình mang chợ ra phố và cung cấp trực tiếp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân trong điều kiện giãn cách xã hội.
Trong ngày đầu triển khai, chợ lưu động được bố trí trên đường Trần Bình Trọng, với không gian thoáng, chính quyền lập chốt 2 đầu tạm thời để chợ hoạt động. Người dân khi vào chợ lưu động phải xuất trình “thẻ xanh Covid-19”, tức đã tiêm đủ 2 liều vaccine, đồng thời chấp hành quy định 5K trong suốt quá trình thăm quan và mua sắm tại chợ.
Trong ngày 22/9, UBND phường 3, quận 5 đã phát khoảng 500 phiếu đi chợ cho người dân và chia theo từng khung giờ đối với từng tổ, dân phố. Về mô hình chợ lưu động này, bà Đào Thị Ánh Tuyết - Phó Trưởng phòng Kinh tế quận 5 cho biết, chợ lưu động được triển khai theo hình thức không lợi nhuận, lấy công sức của cán bộ, nhân viên của địa phương để phục vụ người dân. “Ngoài việc yêu cầu bắt buộc người dân đi chợ phải hoàn thành tiêm vaccine mũi 2, người dân cũng phải được xét nghiệm Covid-19 âm tính SARS-CoV-2 vào một ngày trước đó để đảm bảo an toàn khi ra vào chợ” - bà Tuyết cho biết thêm.
Cùng ngày 22/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM cũng thông tin việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Theo Bộ tiêu chí này, các cơ sở kinh doanh ăn uống chỉ được hoạt động khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và các quy định liên quan công tác phòng, chống dịch với 6 tiêu chí an toàn. Đáng chú ý, người lao động, người giao nhận hàng, khách hàng đều phải đáp ứng yêu cầu về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, thực hiện xét nghiệm có kết quả âm tính SARS-CoV-2…
Về lâu dài, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, từ hôm nay (23/9) các doanh nghiệp và người giao hàng sẽ được tham gia tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin-Truyền thông hướng dẫn. Việc này nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe của lực lượng giao hàng và một số hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa được thành phố cho phép mở cửa hoạt động.
Ngoài ra, Bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của người giao hàng cũng đã được triển khai. Trong thời gian này, các người giao hàng có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị để hoạt động. Cũng theo ông Phương, từ nay đến 30/9, các doanh nghiệp quản lý người giao hàng phải chịu trách nhiệm với thành phố về tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho Dữ liệu dùng chung của thành phố để phục vụ công tác phòng, chống dịch.