Nỗi niềm người lính hiếm muộn

Gia Bảo 23/12/2021 11:42

“Trong suốt 9 năm kể từ khi nên duyên vợ chồng, hai chúng tôi chỉ mong ước có được đứa con của riêng mình. Nhưng năm này qua năm khác, hành trình càng ngày càng vất vả, gian nan...” - đó là những chia sẻ đầy xúc động về chặng đường đi tìm con của quân nhân Chu Văn Trường, một trong 10 gia đình vừa được nhận hỗ trợ tại Lễ công bố và trao quyết định: “10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%” vừa diễn ra tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, ngày 22/12.

Anh Chu Văn Trường (37 tuổi, làm việc tại Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh) lấy chị Nghiêm Thị Hồng (31 tuổi) đến nay đã được 9 năm. Thế nhưng, 9 năm qua đi dài đằng đẵng với anh chị vì mãi không thấy có tin vui.

Do đặc thù công việc, anh Trường thường xuyên phải đi công tác xa nhà, có khi 1-2 tháng mới có thể về thăm nhà một lần. Sau 2 năm không thấy có tin vui, hai vợ chồng anh đi khám và được chẩn đoán là tinh trùng yếu. Thời gian sau đó, anh vừa thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, vừa điều trị bằng thuốc, hy vọng chất lượng tinh trùng cải thiện, sớm có tin vui. Tuy nhiên, trong lần khám tiếp theo, anh lại phải đón nhận tin buồn rằng anh bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Không từ bỏ, anh quyết định thực hiện phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh để tìm con, không những 1 mà 2 lần. Nhưng thời gian cứ thế qua đi, con vẫn chưa về.

Vợ chồng anh Trường cũng đã từng một lần thụ tinh nhân tạo, được cảm nhận niềm hạnh phúc làm cha làm mẹ sắp đến gần. Nhưng khi chặng đường hạnh phúc đi được chừng 5 tháng, hai đứa con mà vợ chồng anh mong chờ suốt bao năm lại không thể tiếp tục cuộc hành trình để đến với cuộc đời...

Hay như trường hợp gia đình Thượng úy Vừ A Ninh và chị Vàng Thị Hoa (bản Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), hai vợ chồng là người dân tộc Mông, kết hôn từ năm 2017, sau một năm không thấy tin vui, anh chị đi khám hiếm muộn và được biết anh tinh trùng yếu, còn chị bị viêm âm đạo. Do đặc thù công việc, anh Ninh là Bộ đội Biên phòng (công tác tại Đồn Biên Phòng Nậm Kè, tỉnh Điện Biên) còn chị Hoa là giáo viên mầm non, cả 2 thường xuyên phải đi công tác, làm việc tại các điểm bản xa. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, anh Ninh thường xuyên lên đường thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, hai vợ chồng lại càng khó có thời gian ở bên nhau. Trong suốt quãng thời gian khó khăn đó, vừa xa chồng, chị Hoa còn vừa bị áp lực từ những lời đàm tiếu, dị nghị rằng “không biết đẻ”.

Hành trình tìm con gian nan cộng thêm kinh tế khó khăn khiến hai vợ chồng dường như phải gác lại giấc mơ để lo toan cuộc sống thì chương trình Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp với một số đơn vị trong Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức đã mang tới hy vọng cho anh chị.

Khi biết tin nhận được hỗ trợ của chương trình, vợ chồng Thượng uý Vừ A Ninh đã vượt hơn 800 km từ xã vùng cao, xa nhất của tỉnh Điện Biên xuống Hà Nội để cảm ơn các y, bác sĩ và đón nhận phần quà hạnh phúc này...

Ngoài hai gia đình kể trên, nhiều gia đình quân nhân khác cũng đã nhận được hỗ trợ. Đó là gia đình quân nhân Lê Duy Tuấn (29 tuổi) - Chu Thị Hoài Thu (29 tuổi) làm việc tại đơn vị Tàu 936 Học viện Hải Quân, Bộ Tư lệnh Hải Quân; gia đình quân nhân Trương Quang Giang (33 tuổi) - Trần Thị Hạnh (31 tuổi), Trường Sỹ quan thông tin, Bộ Quốc phòng...

Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện cho biết: Giấc mơ có một gia đình nhỏ và tiếng cười trẻ thơ tưởng chừng như rất giản đơn nhưng đối với các gia đình vô sinh - hiếm muộn đó lại là một hành trình vất vả, nhọc nhằn. Đối với những gia đình quân nhân thì khó khăn càng nhân lên gấp bội khi phần lớn thời gian, họ khoác trên mình màu áo lính phục vụ nhân dân, đất nước, thậm chí không thể chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Mỗi gia đình đều có những câu chuyện, hoàn cảnh riêng, nhưng đều chung một khát khao cháy bỏng là đón được con yêu. Vì lẽ đó, bản thân các bác sĩ, đội ngũ nhân viên của Bệnh viện luôn nỗ lực duy trì các hoạt động ý nghĩa như chương trình Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan tỏa nói riêng và các chương trình hướng tới cộng đồng nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi niềm người lính hiếm muộn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO