Nóng bỏng mặt trận không tiếng súng

Đức Trân 21/08/2021 06:30

Chủng mới Delta có tốc độ lây lan rất nhanh với diễn biến rất khó lường. TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đang gồng mình chống dịch. Từ đầu đợt dịch tới nay, cả nước đã tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ phía Nam cùng chống dịch.

Chủng mới Delta có tốc độ lây lan rất nhanh với diễn biến rất khó lường. TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam đang gồng mình chống dịch. Từ đầu đợt dịch tới nay, cả nước đã tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ phía Nam cùng chống dịch.

Tình nguyện vào tâm dịch

Thời gian qua, rất nhiều y bác sĩ ở các địa phương với trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, tấm lòng dành cho các bệnh nhân đã viết đơn tình nguyện để được tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch tại tuyến đầu. Họ đã “Nam tiến” để lại phía sau những bộn bề của gia đình, không ngại khó khăn gian khổ và cả hiểm nguy xung phong vào tâm dịch.

TS.BS Đoàn Thu Trà, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới BV Bạch Mai chia sẻ: Khi được vào chi viện cho TP HCM, tôi thấy có chút xao xuyến vì chia tay gia đình. Nhưng với tư cách một bác sĩ truyền nhiễm, tôi nghĩ rằng với kinh nghiệm và kiến thức chống dịch đã kinh qua các trận chiến tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, tôi cùng các đồng nghiệp sẽ đoàn kết và chiến thắng Covid-19.

Tại Tiền Giang, chia sẻ khi vừa tới Trung tâm ICU của tỉnh này sau 6 tiếng đồng hồ di chuyển liên tục, TS.BS Tô Hoàng Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, BV Hữu Nghị Việt - Xô cho biết: Anh em trong đoàn rất hồ hởi, dù vừa trải qua quãng thời gian di chuyển khá dài, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý vững vàng để bắt đầu nhiệm vụ chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Tôi không nghĩ gì khác ngoài việc lao vào cuộc chiến để cùng với các đồng nghiệp sớm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm sức khoẻ cho người dân.

Tâm sự khi có chút thời gian nghỉ ngơi sau những ngày miệt mài chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung tâm ICU bệnh viện Đại học Y TP HCM, BS Trần Nguyên Thanh Phương tâm sự: Cuộc chiến này không phải mới bắt đầu. Chúng tôi từng trải qua những gian nan, những quãng đường cam go, nên chúng tôi luôn đặt tinh thần của toàn bộ đội ngũ ở trạng thái phải đối mặt với tình huống vất vả nhất để vượt qua.

Chuyến bay của Vietnam Airlines đưa hơn 200 y bác sĩ cùng trang thiết bị y tế vào phía Nam chống dịch.

Một thế hệ thầy thuốc tràn đầy tình thương

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế, từ đầu đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tới nay, đã có 13.145 cán bộ y tế được cử từ miền Bắc, miền Trung để hỗ trợ TP HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam phòng chống Covid-19.

Trong đó, Bộ Y tế đã điều động 11.411 cán bộ y tế tham gia chống dịch gồm 1.054 bác sỹ, 2.145 điều dưỡng và 6.008 giảng viên, sinh viên từ các trường Y.

Còn lại, các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, miền Trung đã cử 1.734 nhân viên y tế, tình nguyện viên. Cùng với đó là nhân viên trợ giúp công tác hành chính, hậu cần, truy vết… hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm và vận chuyển mẫu xét nghiệm.

Đối với các thầy thuốc, có lẽ không có niềm vui nào lớn hơn việc bệnh nhân hồi phục sức khoẻ sau những cố gắng không ngừng nghỉ của họ. PGS.TS Lê Minh Khôi, Phó giám đốc Trung tâm ICU người bệnh Covid-19 do BV Đại học Y Dược TP HCM tâm sự: Món quà khích lệ lớn nhất đối với các thầy thuốc sau những khó khăn chồng chất trong môi trường đặc biệt này là cứu được người bệnh. Có bệnh nhân sát cửa tử, nhưng lại được giành giật sự sống một cách thần kỳ.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội đang kiêm nhiệm Giám đốc BV dã chiến cấp cứu người bệnh Covid-19 quy mô 500 giường ở Bình Dương chia sẻ: Đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm nỗ lực nhất, vượt qua mọi khó khăn để phân loại, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 kịp thời.

Hiện nay, ngoài PGS Hiếu, 5 giám đốc các BV tuyến Trung ương là Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, Trung ương Huế và Đại học Y Dược TP HCM được giao kiêm nhiệm Giám đốc các BV hồi sức Covid-19 TP HCM có quy mô 1.000 giường và 4 Trung tâm ICU Covid-19 có quy mô 500 giường. Bên cạnh đó, Giám đốc BV Trung ương Thái Nguyên đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm ICU tại tỉnh Long An, còn Giám đốc BV Nhi Trung ương đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm ICU tại tỉnh Vĩnh Long. Cùng đó là rất nhiều chuyên gia quản lý BV khác được điều động để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại các BV dã chiến.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: HNM.

Nói về công việc của các y bác sĩ tại tuyến đầu chống dịch, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, Tổ trưởng Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch tâm sự: Mặt trận phòng, chống dịch là mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng nóng bỏng. Các đồng nghiệp của chúng tôi tại miền Nam hiện nay cũng như các chiến sĩ cảm tử bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao. Họ gác lại tình cảm với gia đình, bỏ qua một bên những nỗi sợ hãi về nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của mình mà chỉ biết tiến lên về phía trước.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn đặc biệt Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, trong lúc này, trách nhiệm và tình thương phải đặt lên trên hết. Mình có kiến thức, có chuyên môn thì phải đi để cứu những người bệnh, những người đang rất cần được chăm sóc, giúp đỡ.

“Tôi nghĩ rằng đợt này rất nhiều cán bộ trưởng thành, nhất là nghề cấp cứu. Ngành y phải va chạm mới trưởng thành, không chỉ các y bác sĩ mà cả các em sinh viên ngành y cũng vậy. Chắc chắn, sau những lần chiến đấu cùng “giặc” Covid-19, chúng ta sẽ có được một thế hệ thầy thuốc tràn đầy tình thương để phục vụ cho đất nước” - ông Phu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng bỏng mặt trận không tiếng súng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO