Nóng bỏng sốt xuất huyết

Đức Trân 12/07/2022 07:15

Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cũng dự báo, sốt xuất huyết bắt đầu “vào mùa” và sẽ đạt đỉnh trong tháng 8.

Tuyên truyền cho người dân về cách phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Theo báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 1/7-7/7), thành phố ghi nhận 79 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 1,5 lần so với tuần trước. Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 23 quận, huyện. Cộng dồn trong năm 2022, tổng số ca mắc SXH tại Hà Nội là 254 trường hợp. Hiện, Hà Nội chưa ghi nhận bệnh nhân tử vong do SXH.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội như: Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Nhi trung ương, BV Bệnh Nhiệt đới trung ương hay tại BV Thanh Nhàn... đã ghi nhận các ca SXH phải nhập viện và rải rác ghi nhận trường hợp có diễn biến nặng như sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...

Đơn cử, thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục ca mắc SXH nhập viện trong tình trạng nặng, có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao. Nguyên nhân là do người bệnh nhầm lẫn với cúm, Covid-19 hoặc các bệnh nhiễm trùng khác nên tự điều trị tại nhà đến khi nặng mới nhập viện.

Tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương, mỗi ngày, các bác sĩ tiếp nhận, điều trị cho hơn 10 ca SXH, một số ca nhập viện muộn, có biến chứng nguy hiểm.

Đang điều trị tại khoa Virus - ký sinh trùng, một nam thanh niên mắc SXH cho hay vì không biết mình bị bệnh, nghĩ chỉ đau nhức mỏi người, sốt cao như cảm cúm thông thường nên bệnh nhân đã tự điều trị tại nhà.

Đến khi những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau vùng bụng trở nặng rõ rệt, sốt 4 ngày không hạ, chảy máu chân răng, bệnh nhân mới nhập viện, lúc này tiểu cầu đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo, đây mới chỉ là bắt đầu cho đợt dịch SXH tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vì đỉnh dịch có thể rơi vào tháng tiếp theo.

Phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại Hà Nội. Ảnh: Hà Linh

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho rằng: Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trong khu vực cũng đang ghi nhận tình trạng bùng phát của SXH. Ví dụ Singapore là quốc gia có điều kiện vệ sinh và ý thức phòng bệnh của người dân rất tốt, vậy mà số ca SXH đến nay đã ghi nhận vượt qua con số 13.000 ca, so với năm 2021 chỉ có 5.258 ca. Về mặt nguyên nhân, chúng ta có thể lý giải là do yếu tố thời tiết cực đoan, đơn cử như ở Hà Nội thời gian qua vào hè mà thời tiết vẫn rét, sau đó là những ngày lạnh đầu hè, những trận mưa lớn mà hơn 70 năm chưa gặp… Trong khi đó, muỗi Aedes - loại muỗi lây truyền SXH cần có nước đẻ trứng, mưa càng nhiều muỗi càng nhiều, đặc biệt là khi lượng nước ở các sông hồ đã tràn đầy, các đập thuỷ điện bắt buộc phải xả lũ sớm, tạo nên úng ngập cục bộ thì muỗi lại càng sinh sôi mạnh. Nguyên nhân tiếp theo cần phải kể đến là sức đề kháng của người dân bị giảm sau đại dịch Covid-19. Trong trận chiến dịch bệnh, SARS-CoV-2 là chủng virus mới, nó tấn công hệ miễn dịch, cùng với việc thời gian dài cách li xã hội, làm cho sức đề kháng của mỗi người bị suy giảm. Virus Dengue gây bệnh SXH khi xâm nhập cơ thể, sẽ có cơ hội tấn công, ngay cả những người khỏe cũng dễ bị mắc các triệu chứng, người yếu với các bệnh nền có nguy cơ chuyển nặng.

SXH Dengue có các biểu hiện lâm sàng từ nhẹ tới nặng. Phần lớn các trường hợp ở thể nhẹ nhưng khoảng 20% các trường hợp có thể diễn biến thành các thể nặng với các dấu hiệu tiền sốc, hoặc sốc, hoặc có các dấu hiệu cảnh báo nặng, cần phải nhập viện điều trị như: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, li bì, đau đầu nhiều, nôn hoặc buồn nôn, hoặc tiêu chảy, đau tức vùng gan... Hiện nay, có tình trạng đưa bệnh nhân nhập viện trễ gây tử vong. Ngày thứ 4 - 5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh SXH. Chính vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm rất quan trọng vì không phải bệnh nhân nào SXH cũng có những dấu hiệu rõ ràng. Do đó, khi có dấu hiệu sốt cao 2 ngày, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để xác định bệnh, từ đó các bác sỹ sẽ có những hướng dẫn hợp lý - GS. TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.

Thực tế, theo đánh giá từ Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân khiến SXH bùng phát là do lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, theo Bộ Y tế, kết quả kiểm tra công tác phòng, chống SXH thời gian vừa qua cho thấy một số vấn đề tồn tại như: Tại các hộ gia đình, nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống SXH. Đồng thời trong hơn 2 năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân về bệnh dịch SXH.

Bộ Y tế dự báo số ca mắc Covid-19 và ca mắc SXH thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Có thể thấy được, trong thời điểm SXH mới chỉ bắt đầu “vào mùa” tại Hà Nội thì công tác phòng, chống, ngăn ngừa dịch bùng phát cần được triển khai nhanh chóng và cấp bách bằng những biện pháp như tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch và các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy.

Thông tin về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn, TS. BS Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã phối hợp với UBND các phường tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành y tế. Trung tâm Y tế cùng với chính quyền các phường thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm về vệ sinh môi trường, có nguy cơ gây dịch SXH, các cơ quan, xí nghiệp, trường học,... trên địa bàn và yêu cầu các công trường xây dựng trên địa bàn thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng, chống dịch và thông báo ngay cho Trạm Y tế phường các trường hợp có biểu hiện nghi mắc SXH...

Còn tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), BS Nguyễn Thị Minh Hạnh - Trung tâm Y tế huyện cho hay, tính từ đầu năm đến ngày 6/7/2022 huyện Chương Mỹ ghi nhận 15 ca SXH, tăng 10 ca so với cùng kỳ năm 2021. Trước tình hình trên, TTYT huyện đã chủ động triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng. Duy trì công tác tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phá bỏ nơi sinh sản và phát triển của muỗi, giám sát mật độ muỗi, chỉ số bọ gậy để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

TS. BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương:

Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu có triệu chứng

Khi trẻ bị mắc SXH thường có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột 39-40 độ C, có biểu hiện nhiễm trùng toàn thân như đau đầu, đau mỏi người, kém ăn. Một vài trẻ đau hốc mắt, có phát ban trên da. Đối với các nhân viên y tế, để phân biệt được trẻ mắc SXH và những virus khác thường gặp mùa hè không khó khăn. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh đó là với nhân viên y tế, còn đối với cộng đồng thì đó là những triệu chứng tương đối khó phân biệt. Bởi vậy, đối với cộng đồng, lời khuyên đầu tiên của tôi là khi trẻ có biểu hiện sốt cao 2 ngày thì cần đưa tới những cơ sở y tế để được chẩn đoán nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị. Cần phải nói thêm, không phải trường hợp nào mắc SXH cũng phải nhập viện điều trị, nhiều trường hợp cha mẹ đưa trẻ đi khám, được xác định bệnh rồi bác sĩ sẽ đánh giá và kê đơn thuốc để trẻ được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đó không phải là lý do mà chúng ta không đưa trẻ đi khám bệnh mà tự ý mua thuốc, tự ý điều trị cho trẻ bằng những mẹo vặt, đơn thuốc được lan truyền qua mạng.

Một vài lưu ý đối với trẻ điều trị tại nhà là cần cho trẻ uống nhiều nước, tăng cường thức ăn có nhiều nước như cháo và theo dõi các dấu hiệu nặng. Khi trẻ không chơi đùa nữa, có dấu hiệu li bì, mê sảng, nôn nhiều - ví dụ trong 6 tiếng mà trẻ nôn 4-6 lần, đau bụng liên tục và tăng lên, chảy máu chân răng, chảy máu cam thì phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khẩn cấp.

Đ.Trân(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng bỏng sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO