Nóng chuyện đường dây nóng

Thành Luân 09/07/2016 07:38

Thời gian qua, đường dây nóng được nhiều Bộ ngành, địa phương triển khai. Tuy nhiên, cũng rất nhiều đường dây nóng trở thành “đường dây nguội” do tính tương tác thấp. Người gọi đến ít là do việc phản hồi, giải đáp, giải quyết không được bao nhiêu. Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã sơ kết 3 tháng vận hành đường dây nóng. Kết quả cho thấy là khá tốt: nhận được hơn 13.000 tin phản ánh của cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi đến lãnh đạo thành phố.

Nóng chuyện đường dây nóng

Nhiều đại biểu vắng mặt ở hội nghị sơ kết đường dây nóng TP HCM (Ảnh: Zing).

Như vậy, đường dây nóng của TP HCM hoạt động thực sự chứ không bị nguội, tuy rằng, không phải ai cũng đã hài lòng. Theo Văn phòng UBND TP HCM, việc phản ánh của người dân chủ yếu tập trung vào những vấn đề phát sinh trong sinh hoạt đời sống cộng đồng tại khu dân cư như lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh gây mất trật tự công cộng; xây dựng nhà trái phép, sai phép; kinh doanh gây tiếng ồn; sản xuất gây ô nhiễm…

Đáng chú ý về công tác phản hồi, các sở, ngành, UBND các quận, huyện đã trả lời 2.580/4.980 tin phản ánh. Việc xử lý sau khi nhận tin cũng được triển khai chứ không phải nhận rồi để đấy. Ví dụ như thông tin người dân phản ánh tại khu vực phố ăn uống trên đường Hưng Phú, quận 8, hàng ngày mở nhạc rất lớn từ 15-22 giờ làm ảnh hưởng dân cư sinh sống xung quanh; UBND quận đã kiểm tra đột xuất, lập biên bản, đề nghị khắc phục ngay việc mở nhạc làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh; đồng thời giao chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi và xử phạt theo quy định pháp luật nếu có tái phạm.

Cũng từ đường dây nóng này, có khoảng 500 tin (tỷ lệ 20%) là chưa hoặc không đúng thực tế… dẫn đến công tác phản hồi gặp khó khăn, không khả thi hoặc không cần thiết. Cùng đó, đối với các tin hiến kế, đề xuất phần lớn chỉ nêu yêu cầu, chưa đưa ra được giải pháp cụ thể, cơ sở khoa học, đảm bảo khả thi. UBND Thành phố cũng nhận thấy rằng, việc phản hồi thông tin tại các sở, ngành, quận, huyện còn chậm, chưa kịp thời; nhiều đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác xử lý, phản hồi thông tin qua đường dây nóng...

Cũng cần nói thêm rằng, dù đã có được những kết quả thiết thực ban đầu nhưng cũng dấy lên sự lo ngại khi mà một cuộc họp sơ kết về đường dây nóng nhưng số người có trách nhiệm đến dự lại khá “nguội”.

Không thấy nhiều đại diện lãnh đạo sở ban ngành và quận/huyện, nhất là lại rơi vào các quận trung tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đóng góp kinh tế - xã hội của TP HCM. Vì thế, Chánh văn phòng UBND TP thẳng thắn cho rằng, nhiều địa phương, sở ngành vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện đường dây nóng của Thành ủy TP HCM như tinh thần chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng.

Nhớ lại Hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP HCM vào tháng 3/2016, Chủ tịch UBND TP- ông Nguyễn Thành Phong- cũng đã rất bức xúc do sự thiếu quan tâm của một số đơn vị sở ngành, quận/huyện và đã thẳng thừng “mời” cấp phó một số UBND các quận, huyện ra về.

Tại cuộc họp, ông Phong chỉ rõ: Thư mời đã được UBND TP gửi đích danh Chủ tịch các quận/huyện từ trước đó nên không thể có lý do gì vắng mặt. Như vậy, lần này, “ứng xử” với đường dây nóng, cũng lại lặp lại sự “thờ ơ” giống như họp chống tội phạm, đó thật là điều đáng tiếc.

Trở lại câu chuyện đường dây nóng của TP HCM, nói như Chánh Văn phòng UBND TP thì dù công tác phản hồi thông tin đạt kết quả bước đầu, phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân nhưng vẫn còn xảy ra vấn đề cập nhật kết quả xử lý thông tin chưa thể thống kê phân biệt rõ đâu là nội dung kết quả phản hồi thông tin (sau khi xử lý) với việc chỉ đạo xử lý thông tin ở cấp cơ sở (nội dung chỉ đạo giao việc ở cơ sở); việc phản hồi thông tin tại các sở ngành, quận/huyện còn chậm, chưa kịp thời. Đó cũng chính là đòi hỏi của lãnh đạo TP, nghe dân phản ánh đã tốt rồi, nhưng còn quan trọng hơn là phải xử lý nhanh, hiệu quả.

Vì dân mà hành động, không thờ ơ vô cảm, không đặt ra đường dây nóng một cách hình thức. Cách đặt vấn đề, đòi hỏi như vậy của TP HCM rất cần được nhân rộng ra các địa phương, bộ ngành Trung ương. Việc đòi hỏi cao của lãnh đạo TP HCM với hoạt động đường dây nóng là cần thiết, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Còn nhớ, tại tại Hội nghị lần thứ 4 do Thành ủy TP HCM tổ chức vào cuối tháng 3/2016, tức sau gần 1 tháng đường dây nóng được vận hành, Bí thư Đinh La Thăng đã nhấn mạnh việc lập đường dây nóng là để lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân thành phố trên các mặt đời sống xã hội và thực hiện trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước chứ không phải lập ra rồi để đó.

Ông Thăng có nhắc một câu mà bất cứ lãnh đạo sở ngành, quận/huyện nào cũng tự thấy hổ thẹn nếu không làm tròn. Đó là “Chúng ta không lập để lừa dân, mị dân mà thực sự lắng nghe dân. Làm được hay không được thì đường dây nóng phải trả lời người dân”.

Như vậy, nếu những thông tin của người dân phản ánh lên còn chưa được một số sở ngành, quận/huyện quan tâm kiểm tra, giải quyết và trả lời, tức là còn tình trạng địa phương, đơn vị bỏ ý kiến người dân vào ngăn kéo, thì trước hết là chính quyền chưa hoàn thành trách nhiệm công vụ của mình, sau là chưa xứng đáng là “công bộc” của dân.

Rất mong đường dây nóng của các địa phương khác, của các bộ/ngành cũng “nóng” như đường dây nóng của TP HCM. Và, suy cho cùng, đã là đường dây nóng thì phải nóng, nếu nó “nguội” thì chẳng qua cũng là do thái độ của những người liên quan mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nóng chuyện đường dây nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO