Nông dân bỏ ruộng ở Thanh Hóa - Kỳ I: Khi 'tấc đất' không còn là 'tấc vàng'

Nguyễn Chung 05/09/2017 08:10

Khoảng 10 năm trở lại đây, tại Thanh Hóa đã có đến hơn 1.000ha đất nông nghiệp bị người dân bỏ hoang. Ban đầu chỉ là vài ha đất khó canh tác, ít năng suất, nhưng theo thời gian, số diện tích này ngày một tăng lên đến mức đáng báo động. Đâu là nguyên nhân khiến người nông dân không còn mặn mà với chính mảnh đất đã nuôi sống họ từ bao đời nay và đâu là lời giải cho những thửa ruộng bị bỏ hoang này vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Trên 100 ha đất nông nghiệp ở Tiến Lộc bị bỏ hoang hơn 10 năm nay.

Được xem là một trong những vựa lúa và hoa màu trù phú tại khu vực Bắc Trung Bộ, sản lượng lương thực bình quân trên đầu người hàng năm tại Thanh Hóa luôn đạt ở chỉ số khá cao. Tuy nhiên, cũng tại vùng đất này lại đang xảy ra tình trạng người nông dân dần chán, thậm chí đoạn tuyệt với ruộng đồng.

Bỏ ruộng!

Xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Theo lịch nông vụ thì đây đang là thời điểm lúa hè - thu bắt đầu đỏ đuôi bông, chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên trên cánh đồng khá bằng phẳng, từng có tiếng là phì nhiêu, màu mỡ và thuận tiện cho việc sản xuất 2 vụ lúa mỗi năm của Tiến Lộc, không một bóng người nông dân nào chăm bón trên cánh đồng.

Tôi đảo mắt một vòng mới thấy một phần diện tích đất ít ỏi gần kề sát khu dân cư được gieo cấy lúa. Hỏi ra mới biết, bà con canh tác trên phần đất này bởi muốn có nguồn lương thực sạch phục vụ sinh hoạt trong gia đình và tiện cho việc thu hoạch. Hàng trăm héc ta đất khác nằm ở những xứ đồng xa hơn, người dân đang bỏ hoang hoá, mặc cho cỏ năn, lác, cỏ gà mọc um tùm… suốt nhiều năm qua.

Ông Phạm Văn Mạnh - Chủ tịch UBMTTQ xã Tiến Lộc không giấu được sự buồn bã cho biết: Hiện toàn xã có 400ha đất nông nghiệp chuyên dụng canh tác lúa nước nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng người nông dân bỏ ruộng đang dần phổ biến. Tính đến đầu năm 2017, số diện tích bà con bỏ hoang đã lên đến hơn 100ha.

“Mặc cho chính quyền địa phương nhiều lần vận động, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong sản xuất như: Trợ giá giống, phân bón, đầu tư hoàn thiện, kiên cố hóa toàn bộ hệ thống giao thông và kênh mương nội đồng để “níu kéo” người nông dân về lại với ruộng đồng. Nhưng thực trạng hàng trăm ha đất mầu mỡ vẫn đang trong cảnh hoang hoá!” – ông Mạnh nói.

Theo tổ chức địa giới hành chính, hiện Tiến Lộc có 5 làng, nhưng tình trạng người dân bỏ ruộng xảy ra ở hầu như tất cả các làng. Làng ít thì vài ha, nhiều thì lên đến vài chục ha. Cá biệt như tại làng Ngọ, cả làng có 650 hộ thì cả 650 hộ dân này đều đã “tuyệt giao” với đồng ruộng đến cả chục năm nay, số diện tích đất 2 lúa bị bỏ hoang đã lên tới hơn 50ha.

Gặp chúng tôi khi đang cùng chồng gia công cán dao, bà Trịnh Thị Thu – người làng Sơn, xã Tiến Lộc tâm sự: Gia đình bà có 5 khẩu và được Nhà nước chia cho hơn 4 sào ruộng khoán (gần 2.000m2). Số diện tích này đã gắn bó, nuôi sống cả gia đình bà Thu trong suốt nhiều năm.

Tuy nhiên, theo thời gian và sự phát triển của xã hội, các con của bà dần không còn muốn gắn bó với đồng ruộng. Học xong, đứa thì đi làm nhà nước, đứa vào các khu công nghiệp tìm kế mưu sinh, nhà chỉ còn lại hai ông bà già nên dù thâm tâm không muốn rời bỏ cây lúa nhưng cũng lực bất tòng tâm.

“Nhìn cả cánh đồng bị bỏ hoang xót lắm nhưng chúng tôi không còn đủ sức đeo đẳng với đồng ruộng nữa rồi. Nhiều bữa bàn với ông nhà tôi, để ruộng không bị bỏ hoang, hay là thuê người làm, mình đóng sản, được bao nhiêu họ hưởng. Nhưng trong tình cảnh hiện nay, cả làng, cả xã bỏ ruộng thì biết thuê ai!” – bà Thu xót xa.

Rời Tiến Lộc, tôi tìm về xã Thiệu Giao thuộc huyện Thiệu Hóa - đây cũng là một trong những địa phương ở Thanh Hóa có tình trạng người nông dân bỏ ruộng khá nhiều. Hiện tại, toàn xã có 400ha đất hai lúa nhưng cũng có đến hơn 20ha bị rơi vào tình trạng hoang hóa.

Ông Hoàng Trọng Cường – Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Giao cho biết: Chiếu theo con số hộ tịch thì toàn xã hiện có hơn 7.000 nhân khẩu, thế nhưng con số thực có mặt tại địa phương chỉ chưa đầy 3.000 người. Phần đông nhân khẩu trong độ tuổi lao động đã đổ đi làm ăn khắp trong Nam, ngoài Bắc, số còn lại là người già và trẻ em nên việc một phần diện tích lớn đất nông nghiệp bị bỏ hoang cũng là điều bất khả kháng.

“Chuyện người nông dân bỏ ruộng đang là tình trạng rất đáng báo động. Tuy nhiên với Thiệu Giao, chúng tôi đã có phương án cụ thể để sử dụng hiệu quả toàn bộ số đất nông nghiệp của xã bị bỏ hoang trong thời gian sắp tới”- ông Cường cho biết. Phương án cụ thể của địa phương này ra sao chưa rõ, chỉ biết 20 ha đất trồng lúa của Thiệu Giao đã và đang bị bỏ lãng phí.

Đất không nuôi nổi người?

Theo báo cáo từ Sở TN&MT Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có 11 huyện, thị xã xảy ra tình trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng với tổng diện tích đất là 1.104,7 ha, bao gồm 534,1 ha đất chuyên sản xuất lúa và 570,6 ha đất sản xuất nông nghiệp khác. Trong đó có 8.359 hộ dân bỏ hoang 886,75 ha ruộng, 2.183 hộ dân đã trả 218,95 ha đất nông nghiệp cho chính quyền. Số diện tích đất không sản xuất nhiều năm nay là đất được Nhà nước giao ổn định lâu dài cho các hộ gia đình.

Đáng ngạc nhiên rằng, đây lại là những số liệu được Thanh Hóa điều tra từ năm 2013 để… báo cáo khi Trung ương yêu cầu! Con số thống kê, cập nhật tình trạng diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang từ đó tới nay của Thanh Hóa thì tuyệt nhiên không ai để ý.

Chúng tôi đã tốn không ít công sức đến gõ cửa các ban, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu nhưng chưa có đơn vị nào có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Đâu là căn nguyên khiến những người nông dân “một nắng hai sương” bỏ bê “bờ xôi, ruộng mật”, thứ đã gắn bó và nuôi sống họ qua hàng nghìn thế hệ như vậy?

Đứng ngay bên cánh đồng bị bỏ hoang của làng Ngọ, ông Phạm Văn Mạnh – Chủ tịch UBMTTQ xã Tiến Lộc tính toán khá chi tiết: Để canh tác một sào lúa đến khi thu hoạch, người nông dân phải chi cho tiền làm đất 220 nghìn đồng + 400 nghìn tiền công cấy + 420 nghìn tiền công thu hoạch + 100 nghìn tiền giống + tiền thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, các loại phụ phí nông nghiệp…

Nếu lúa được mùa, năng suất đạt 300kg/sào, giá thị trường ổn định bán xong, thu về 1,8 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, người nông dân còn lời ra được khoảng từ 400 - 500 nghìn đồng/sào. Số tiền này đem chia ra cho các loại phí sinh hoạt trong 6 tháng, bình quân mỗi tháng người nông dân có thu nhập… hơn 83.000 đồng/sào.

“Đấy là đặt trong tình huống được mùa, được giá, còn không thì lại là chuyện khác. Trong khi đó, nếu một nhân công vào làm tại các doanh nghiệp may mặc, lương tháng bình quân đạt 3,5 triệu đồng đã hơn đứt làm ruộng rồi! Như vậy hỏi làm sao người nông dân còn lòng dạ nào để mặn mà với đồng ruộng?” – ông Mạnh so sánh.

Cùng suy nghĩ với ông Phạm Văn Mạnh, ông Hoàng Trọng Cường – Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Giao cho biết: Không thể nói hiện nay sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa nước không đem lại hiệu quả mà ngược lại, thậm chí còn cho hiệu quả cao.

Tuy nhiên, do yếu tố đồng ruộng manh mún dẫn đến sản xuất nhỏ lẻ đã khiến lợi tức từ làm nông nghiệp đem lại không đáng kể. Sau khi trừ mọi chi phí, số thặng dư dôi ra không đủ để người dân trang trải cho sinh hoạt cả năm chứ chưa nói gì đến chuyện làm làm giàu… Chính điều này đã khiến người nông dân ngày càng chán, trả đất lại cho Nhà nước, thậm chí bỏ hoang ruộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân bỏ ruộng ở Thanh Hóa - Kỳ I: Khi 'tấc đất' không còn là 'tấc vàng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO