Nông dân ‘vựa quất’ lớn nhất Thanh Hoá lao đao trước Tết Nguyên đán

Đình Minh 22/12/2021 11:49

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng không khí đìu hiu, ảm đảm đang bao phủ nhiều khu vườn trồng quất cảnh. Nhiều hộ dân trồng quất bày tỏ sự lo lắng khi năm nay quất trĩu quả nhưng có nguy cơ không bán được hàng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Xã Hợp Lý được xem là 'vựa quất' lớn nhất Thanh Hoá.

Xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) được xem là “thủ phủ” quất cảnh, bởi nơi đây có diện tích trồng quất lớn nhất tỉnh Thanh. Theo tìm hiểu, toàn xã Hợp Lý có hơn 700 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích khoảng 80 ha, trong đó quất chiếm diện tích lớn nhất với hơn 37 ha.

Với việc phát triển kinh tế từ cây quất mang lại giá trị kinh tế cao đối với nông dân xã Hợp Lý. Nghề trồng quất giúp nhiều gia đình đã trở thành triệu phú chỉ trong một vài năm trúng vụ.

Chỉ riêng 2 loại cây truyền thống là đào, quất, bình quân mỗi năm toàn xã Hợp Lý cung cấp cho thị trường lên tới hơn 50.000 cây.

Tuy nhiên, đó chỉ còn là những con số ‘màu hồng’ khi dịch Covid-19 chưa bùng phát. Theo khảo sát, trong vụ quất Tết năm 2021, số lượng cây quất bán ra tại đây đã giảm đáng kể so với Tết năm 2020.

Không khí đìu hiu, ảm đạm bao trùm 'vựa quất' Hợp Lý trong những ngày giáp Tết âm lịch.

Về "vựa quất" Hợp Lý những ngày giáp Tết, khung cảnh ở đây tĩnh lặng đến lạ thường, không còn hình ảnh nhộn nhịp, mua bán tấp nập với đông đúc xe cộ ra vào như những năm về trước.

Tại vườn quất cảnh sum suê, sai trĩu quả bắt đầu ngả sang màu vàng óng, ông Nguyễn Bá Hùng (67 tuổi, trú thôn 3) đang cùng vợ tất bật chăm sóc cho hơn 1.000 gốc quất thế trên diện tích gần 2 ha. Miệng nói, tay làm nhưng ông Hùng không giấu nổi sự lo lắng khi Tết đang cận kề mà tới nay vẫn chưa có bất kỳ một thương lái hay khách hàng nào đến thu mua, đặt hàng.

Dù đã giảm giá sâu mặt hàng quất thế nhưng vẫn chưa có khách đến đặt hàng tại vườn quất của gia đình ông Hùng. .

Theo ông Hùng chia sẻ, nếu không có dịch thì thời điểm này thương lái đã đến mua chật kín vườn. Mọi năm, đối với quất thế, ông bán với giá từ 300 - 500.000 đồng/cây tại ruộng.

Đối với những cây quất để lâu năm, uốn bon sai, giá bán có thể lên đến 4 - 5 triệu đồng/cây, doanh thu một vụ quất cũng ngót cả 100 triệu đồng.

Người trồng quất Hợp Lý lo lắng vì vắng lặng người mua.

“So với năm ngoái, số lượng quất cảnh mà gia đình tôi trồng đã giảm đi rất nhiều. Tuy vậy, khả năng bán hết được hàng ở Tết năm nay rất khó khăn. Thời tiết năm nay thuận lợi, quất đẹp nhưng không ai đến mua thì cũng chẳng giải quyết được gì. Giờ quất ở vườn, tôi giảm giá mạnh, còn khoảng từ 200 - 400.000 đồng/cây nhưng cũng chưa thấy ai vào đặt hàng”, ông Hùng rầu rĩ.

Treo bảng bán quất cả tuần nay nhưng vườn quất của ông Trí vẫn chư bán được cây nào.

Giáp vườn quất nhà ông Hùng, ông Nguyễn Duy Trí (57 tuổi) đang mang xô đi hái những quả quất chín trên các cành rồi mang đổ đi.

Tâm trạng lo âu, ông Trí chia sẻ: “Vụ quất này nhà tôi trồng 700 gốc, nhưng khả năng cũng không bán được mấy. Trồng quất thì hại đất, nên nếu dịch cứ diễn biến phức tạp như này, chuyển đổi để trồng cây khác cũng không hiệu quả. Năm nay xác định đói rồi, nên phải giảm giá sâu với mong bán hết được hàng”.

Những quả quất và cây quất quả đã chín, mẫu mã xấu sẽ được đem bỏ đi.

Theo quan sát của chúng tôi, năm nay, số lượng đào, quất tại xã Hợp Lý được trồng ít hơn hẳn so với mọi năm. Tại nhiều đồng ruộng trước kia trồng đào, quất thì hiện đang để đất đai khô cằn, bỏ không.

Ông Phạm Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý được biết: Năm 2021, huyện Triệu Sơn và xã Hợp Lý đã ban hành kế hoạch hỗ trợ nông dân địa phương chuyển đổi thêm 14 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng quất cảnh và đào, mỗi sào đất chuyển đổi được hỗ trợ 300.000 đồng.

Nhiều diện tích đất trồng quất trước đó hiện đã bỏ hoang hoặc trồng một loại nông sản khác như ngô, lạc...

Đất nông nghiệp của xã Hợp Lý đang triển khai thành 2 khu vực chính, một điểm trồng cây cảnh là đào, quất, hoa giấy… và một điểm trồng cây bóng mát. Theo định hướng của UBND huyện Triệu Sơn thì xã Hợp Lý sẽ được quy hoạch thành vùng chuyên canh trồng cây cảnh nổi bật của huyện và tỉnh. Nhưng hai năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên số lượng cây quất trồng và bán giảm đáng kể.

Ông Nam nói: "Để hỗ trợ bà con, xã cũng đã giảm tiền thuê đất và động viên tinh thần mọi người vượt qua khó khăn. Trước mắt là như vậy, còn để đảm bảo việc thu mua, bao tiêu sản phẩm cần thêm định hướng của cấp trên trong thời gian tới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân ‘vựa quất’ lớn nhất Thanh Hoá lao đao trước Tết Nguyên đán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO