Nông nghiệp sạch: Lấy xuất khẩu làm động lực

Quốc Định 13/05/2016 09:15

Tại Hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp organic Việt Nam - xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 12/5, TS. Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Australia) đã cảnh báo rằng nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức vô cùng lớn. Đó là an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu. 

Nông nghiệp sạch: Lấy xuất khẩu làm động lực

Điều đáng lo lắng hiện nay là tình trạng sử dụng tràn lan hóa chất trong nông nghiệp.

Xuất khẩu rau quả đến 40 quốc gia

Trong tình hình người tiêu dùng đang rất lo ngại về thực phẩm không an toàn hiện nay, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ (organic) là bước đi cần thiết và kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam.

Do vậy,việc định hướng phát triển nền nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trong hội nhập là yêu cầu tất yếu hiện nay. Nông nghiệp hữu cơ (organic) là lĩnh vực mới nổi ở Việt Nam nhưng hứa hẹn sẽ phát triển tốt trong tương lai.

Việt Nam hiện đang xuất khẩu rau quả đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 5 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, ngoại trừ Trung Quốc thì Nhật Bản, Mỹ, Nga và Hàn Quốc đều là những thị trường lớn có yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm (phải áp dụng Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP).

Còn ở trong nước, có đến 95% giới tiêu dùng rất quan ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó đòi hỏi để cung cấp một thị trường trong nước và xuất khẩu to lớn như vậy (năm 2015 xuất khẩu rau quả đạt 2,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 50%) thì yêu cầu trước tiên phải đặt ra là nông sản Việt buộc phải đảm bảo an toàn, sạch.

Theo TS. Vọng, nông nghiệp hữu cơ cần cổ suý ở đây không phải là nông nghiệp hữu cơ thời hoang sơ mà là một nền nông nghiệp luôn tuân thủ 4 nguyên tắc chính về sức khoẻ, sinh thái, công bằng và quan tâm.

Tuy nhiên, hiện trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam được cho là vẫn còn khiêm tốn. Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, năm 2010 cả nước có 21.000 ha nông nghiệp hữu cơ. Đến năm 2012 thì diện tích tăng lên thành 23.400 ha, chiếm 0,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Riêng số liệu đến năm 2016 thì chưa thấy hiệp hội này có cập nhật mới.

Làm gì để nông sản Việt an toàn?

Một điểm cần lưu ý là sản phẩm hữu cơ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường vì giá cao hơn 50 - 200% so với không hữu cơ. Vì vậy, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn gặp nhiều thách thức do chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có.

Hơn nữa, việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở các địa phương còn rất hạn chế, các tiêu chuẩn cơ bản cho sản xuất và chế biến hữu cơ vẫn chưa rõ ràng.

Đó là chưa kể, vì có mục đích xuất khẩu nên sản phẩm organic của Việt Nam phải được quốc tế công nhận. Điều này đòi hỏi phải xây dựng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ tốt, xây dựng các tổ chức chứng nhận độc lập và tổ chức cơ chế quản lý.Thế nhưng, điều đáng lo lắng hiện nay mà ngành nông nghiệp sạch của Việt Nam đang phải đương đầu chính là tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng và hoá chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm.

Do đó, người tiêu dùng băn khoăn là làm sao để nông sản Việt được an toàn để đạt mức tăng trưởng cao khi xuất khẩu? Giới chuyên gia cho rằng, phải xây dựng Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho từng ngành hàng và sau đó cần tổ chức cơ chế quản lý.

Về quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, Việt Nam đã ban hành 4 quy trình VietGAP cho rau quả tươi, chè búp tươi, lúa gạo, cà phê và 8 quy trình chăn nuôi tốt VietGAHP cho bò sữa, bò thịt, dê sữa, dê thịt, lợn, gà, ngan/vịt và ong. Nếu áp dụng các quy trình VietGAP này một cách nghiêm chỉnh, nông sản Việt sẽ an toàn, sạch.

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Vọng, vì nông sản là kết quả của một chuỗi sản xuất từ nông trại đến bàn ăn, gồm các khâu: gieo hạt, chăm sóc ngoài đồng, thu hoạch, sau thu hoạch, sơ chế, bảo quản, giao thông chuyên chở, phân phối đến cửa hàng, để cuối cùng đến tay người tiêu dùng.

Cho nên, các nguy cơ ô nhiễm về hoá chất, sinh học và vật lý có thể xảy ra ở bất cứ khâu nào trong chuỗi. Cơ chế quản lý an toàn thực phẩm do vậy phải là cơ chế quản lý theo chuỗi sản xuất. Thực tế cho thấy, việc kiểm tra từng khâu tuy cần thiết nhưng chỉ là một công đoạn nhỏ trong một chuỗi sản xuất dài phức tạp, nên phải gom về một mối, như một dàn nhạc cần một nhạc trưởng.

Trong khi đó, việc phân bổ trách nhiệm về an toàn thực phẩm cho nhiều bộ ngành khác nhau mà không có một đầu mối quản lý sẽ tạo nên những khác biệt trong tiêu chuẩn, phương pháp đo lường. Chính các khoảng hở giữa các khâu trong chuỗi đã đưa đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không bộ ngành nào nhận lỗi về phía mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông nghiệp sạch: Lấy xuất khẩu làm động lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO