Nông sản ùn ứ, giải quyết cách nào?

Hải Nhi 14/05/2021 07:06

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản cũng sẽ khó khăn. Chủ động ứng phó, Bộ NNPTNT và các địa phương đang gấp rút tìm các giải pháp nhằm lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Mới đây, tại cuộc họp với đại diện các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT về tình hình sản xuất và tiêu thụ mặt hàng rau củ quả trong bối cảnh dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ này, ông Lê Quốc Doanh yêu cầu: Để chủ động ứng phó, Cục Trồng trọt có trách nhiệm rà soát lại tình hình sản xuất, sản lượng các loại mặt hàng rau củ quả, thường xuyên cập nhật, báo cáo Bộ.

Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế và kịp thời thông báo những thay đổi trong quy trình chống dịch của Trung Quốc ảnh hưởng đến thời gian thông quan để kịp thời xử lý. Bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản tránh ùn tắc tại cửa khẩu; tập trung cho công tác chuẩn bị và hỗ trợ các địa phương để xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản…

Cùng đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến với các Tham tán, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc bàn kế hoạch kết nối xuất khẩu rau củ quả sang thị trường Trung Quốc, trong đó có vải thiều. Chủ trì làm việc với Sở NNPTNT và các đơn vị liên quan của các tỉnh có sản lượng quả vải lớn của khu vực phía Bắc (Bắc Giang, Hải Dương) về tổ chức, kiểm soát các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ quả vải của địa phương.

Cùng với cơ quan quản lý nhà nước thì vai trò của địa phương là rất quan trọng. Thời điểm này, Tiền Giang là một trong những địa phương đều đặn xuất khẩu trái cây sang các nước khó tính. Theo ông Đoàn Văn Sang - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Chế biến nông sản Cát Tường, mỗi ngày doanh nghiệp này vẫn xuất khẩu sang các thị trường khó tính khoảng 70 tấn thanh long và xoài.

Để có đủ sản lượng và chất lượng trái cây xuất khẩu, Công ty Cát Tường đã liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, công ty đang bao tiêu sản phẩm với khoảng 10.000ha trái cây, với gần 20.000 hộ nông dân tham gia. Mô hình sản xuất trái cây liên kết với Công ty Cát Tường đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn nông nghiệp tốt (GAP).

Ông Sang cho biết, vấn đề xây dựng quy trình sản xuất trái cây đạt chuẩn quốc tế được công ty đặc biệt quan tâm. Trong đó, con giống tốt, sạch bệnh là điều kiện tiên quyết trong chuỗi liên kết sản xuất.

Ở góc nhìn chuyên gia, theo TS Đặng Kim Sơn, kinh nghiệm của các nước khi có phong tỏa diện rộng là họ có hệ thống, bố trí lực lượng sẵn sàng, khi xảy ra dịch thì nhân dân và nhà nước phối hợp giải quyết. Như tại Trung Quốc, phần lớn nông dân đều liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất nên việc giải cứu nông sản chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện nên tương đối thuận lợi.

Hay ở Hàn Quốc, Nhật Bản thì việc thu mua, xử lý thậm chí là bán lẻ hàng hóa và xuất khẩu nông sản được giao cho tổ chức của nông dân. Các tổ chức này có kho lạnh, ô tô, cảng, hệ thống vận tải nên điều tiết thuận lợi, bộ ngành, Chính phủ ít phải can thiệp. Còn tại Việt Nam, nhiều khi những việc này đổ lên bộ, ngành mà thực ra bộ ngành khó xử lý. Vất vả nhất là địa phương và nhân dân.

“Vai trò lãnh đạo của địa phương quan trọng, là bài học quý cần áp dụng” - theo ông Sơn.

Việt Nam được ủy quyền giám sát vải thiều xuất sang Nhật

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phía Nhật Bản đã ủy quyền cho chuyên gia Việt Nam giám sát quá trình xông hơi, khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường nước này. Việc ủy quyền tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm nghiệm, xuất khẩu vải thiều, đồng thời góp phần phòng, chống dịch Covid-19.

Năm nay tỉnh Bắc Giang có 30 mã vùng trồng, tương đương 219,45ha vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Sản lượng xuất khẩu ước khoảng 1.800 tấn. Hiện toàn bộ diện tích vải được chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản ùn ứ, giải quyết cách nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO