Nông sản Việt Nam: Nâng giá trị để chinh phục thế giới

DUY KHANG 16/01/2022 14:04

Gạo, cà phê, cũng như nhiều loại nông sản khác trong top xuất khẩu nhưng vẫn chủ yếu mạnh về sản lượng, chưa mạnh về giá trị. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng xứng tầm trên bản đồ thế giới. Giới chuyên gia cho rằng, với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, hàng hóa nông sản của chúng ta sẽ từng bước gây dựng thương hiệu trên trường quốc tế.

Nông sản Việt Nam xuất khẩu mạnh về sản lượng nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao như kỳ vọng.

“Bắt mạch” cho giá trị nông sản

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam vẫn luôn giữ một con số ấn tượng khi thường xuyên đạt mức trên 40 tỷ USD hàng năm. Đáng chú ý, trong năm 2021, dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt được mức cao kỷ lục với con số trên 48,6 tỷ USD. Kết quả này vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành khiến cho các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, thì việc ngành nông sản vẫn đạt được con số xuất khẩu hơn 48 tỷ USD thực sự là một nỗ lực, cố gắng, cho thấy nông sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung vẫn luôn là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, bất kể trong hoàn cảnh nào.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh khi nói về những kết quả của ngành nông nghiệp nước nhà trong điều kiện, hoàn cảnh hết sức khó khăn, đó là từ việc chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành sản xuất, năm 2021, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu phát triển đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cứ đến dịp cuối năm, nhìn vào kết quả của các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông sản luôn nằm ở vị trí top đầu về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2021, với mức cao kỷ lục đã để lại ấn tượng mạnh mẽ.

Giới chuyên gia nhận định: Với những kết quả đạt được, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn là những con số rất ấn tượng khi lượng xuất khẩu vẫn gia tăng, kim ngạch cũng không giảm, tăng trưởng xuất khẩu lĩnh vực này được đánh giá là nổi trội so với các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, có một thực tế hàm lượng giá trị xuất khẩu trong hầu hết các lĩnh vực nông sản lại tỷ lệ nghịch với sản lượng. Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, song giá trị thương hiệu lại rất lu mờ. Sở dĩ nói như vậy là bởi, có đến 80% hàng nông sản của Việt Nam được bán ra thị trường thế giới lại thông qua các nhãn hiệu của nước ngoài.

Theo Bộ Công thương, Việt Nam hiện có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều, thủy sản, cao su, rau quả, gỗ và đồ gỗ,…

Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn khá khiêm tốn, do chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính. Là nước có lượng nông sản xuất khẩu đứng thứ 17 thế giới với kim ngạch năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD, nhưng mới chỉ chiếm gần 2% giá trị nhập khẩu nông - lâm sản của thế giới.

Đáng chú ý, có tới 90% lượng nông sản Việt Nam được xuất khẩu ở dạng thô, sau khi nhập về, doanh nghiệp (DN) nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Và phần lớn lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, không có logo, nhãn mác. Do không tạo dựng được thương hiệu nên sức cạnh tranh cũng bị suy giảm.

Có một chuyên gia người nước ngoài khi nhận định về những sản phẩm hàng hóa của chúng ta, ông đã chia sẻ rất thẳng thắn thế này: “Mặc dù rất nhiều sản phẩm của các bạn ngon, nổi trội hơn hẳn hàng của một số nước trong khu vực nhưng hàng của các bạn khi ra thị trường thế giới lại ít được để ý hơn. Đơn cử như sản phẩm bánh phồng tôm của Việt Nam, rõ ràng ngon hơn hẳn sản phẩm cùng loại của Thái Lan nhưng do mẫu mã bao bì không nổi trội bằng, hay thiếu ngôn ngữ tiếng Anh in trên đó nên số lượng khách hàng rất hạn chế”.

Lấy một ví dụ như vậy để thấy, hàng hóa của Việt Nam chỉ thua hàng nước ngoài về mẫu mã thôi cũng đủ để vuột mất cơ hội. Hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta biết rõ rằng, để hàng Việt có thể có chỗ đứng vững chắc ở thị trường nước ngoài, thì những yêu cầu về xuất xứ nguồn gốc, và các giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối… đều phải tuân thủ tuyệt đối theo tiêu chuẩn quốc tế.

Và không chỉ thị trường nước ngoài, hiện nay với nhu cầu ngày càng cao, người tiêu dùng trong nước cũng lựa chọn các sản phẩm không chỉ đạt chuẩn về chất lượng mà còn rõ ràng về xuất xứ, mẫu mã bao bì thật bắt mắt.

“Hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp xúc với những thị trường mới, xu hướng tiêu dùng mới, đòi hỏi các DN phải làm quen với kỹ năng quản trị mới, công nghệ cao, cần có thêm giá trị gia tăng mới cho sản phẩm của mình, không chỉ sản xuất những sản phẩm giá rẻ, mà phải lắng nghe và phát triển đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, đặc biệt là nông lâm thủy sản”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam Csaba Bundik.

Gần đây, câu chuyện về gắn nhãn mác xuất xứ hàng hóa bắt đầu được quan tâm hơn. Và đó chính là yếu tố quan trọng để hàng Việt có thể cạnh tranh với các sản phẩm hàng hóa ngoại nhập.

Tuy nhiên, làm sao hàng hóa của chúng ta có thể chinh phục được người tiêu dùng nước ngoài, được thị trường thế giới biết đến và tin dùng, điều này phụ thuộc vào chính nhà sản xuất, DN của chúng ta trong việc thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, lấy chất lượng, chữ tín là yếu tố chú trọng đầu tiên.

Nói như TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), các thương hiệu Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập dưới tác động mạnh mẽ của các Hiệp định thương mại tự do cũng như sự thâm nhập của nhiều kênh phân phối nước ngoài tại thị trường nội địa.

Bởi vậy, yêu cầu đặt ra đối với các DN Việt đó là làm sao để cạnh tranh được với hàng ngoại nhập ngay chính tại sân nhà. Điều này phụ thuộc vào chính nội lực của mỗi DN.

Thay đổi tư duy xuất khẩu

Là đất nước có lợi thế về sản xuất nông sản với các loại sản phẩm trái cây, rau củ quả dồi dào 4 mùa. Lại có thị trường Trung Quốc sát cạnh với số dân 1,4 tỷ - niềm mơ ước của nhiều nước xuất khẩu nông sản.

Có thể nói đây cũng là một trong những “cơ hội vàng” cho nông sản Việt Nam. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa tận dụng được “cơ hội vàng” đó, khi mà chính việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại đang bộc lộ những bất cập lớn.

Đó là tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc diễn ra thường xuyên. Năm nào cũng tái diễn tình trạng doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân kêu cứu vì nông sản bị tồn ứ hàng ngàn tấn tại cửa khẩu biên giới. Và cứ mỗi lần xảy ra tình trạng này, nhà quản lý lại phải vội vã tháo gỡ. Đây cũng là một trong những điểm yếu khiến cho nông sản bị mất giá trị, khó xây dựng được thương hiệu, mất sức cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh không ít lần đưa ra khuyến cáo về việc các DN xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc cần sớm chuyển từ hình thức tiểu ngạch sang chính ngạch. Dù mất thêm thời gian, công sức, chi phí nhưng chỉ có chuyển sang chính ngạch, giá trị nông sản xuất khẩu mới được nâng lên, và quan trọng là chúng ta không còn phải lo cảnh ùn tắc tái diễn năm này qua năm khác.

Thị trường Trung Quốc đã không còn dễ tính như trước đây, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ, những yêu cầu, quy định đưa ra ngày càng khắt khe. Điều này đã đặt ra những yêu cầu về chất lượng, quy chuẩn đối với hàng hóa của Việt Nam nếu muốn tiếp tục duy trì thị trường hơn 1,4 tỷ dân.

Và như vậy, tất yếu nhà sản xuất, DN xuất khẩu phải thay đổi tư duy trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu để nâng sức cạnh tranh. Giới chuyên gia nhận định, chúng ta coi việc hội nhập, tham gia các FTA như là vươn ra biển lớn, nhưng một thị trường ngay sát cạnh mà chúng ta còn chưa chinh phục được thì làm sao có thể vươn ra được biển lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản Việt Nam: Nâng giá trị để chinh phục thế giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO