Nông sản vùng dịch vẫn chờ 'giải cứu'

Minh Phương 24/02/2021 06:27

Những ngày qua, các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN), mạng xã hội, các mạnh thường quân đã đứng ra giải cứu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân tỉnh Hải Dương. Tuy vậy, các sản phẩm nông sản ở địa phương này vẫn đang rất cần tiếp tục được hỗ trợ tiêu thụ.

Người dân cùng chung tay giải cứu nông sản tại trụ sở Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hà Nội.

Hàng trăm vạn con gà đồi chờ tiêu thụ

Không chỉ các loại rau, củ quả đang của tỉnh Hải Dương đang ùn ứ cần được giải cứu, các sản phẩm chăn nuôi của bà con nông dân Hải Dương cũng gặp khó vì không tiêu thụ được.

Chị Nguyễn Thị Mai, chủ hộ chăn nuôi ở Chí Linh, Hải Dương cho biết, mặt hàng khó và chậm tiêu thụ nhất hiện nay của Hải Dương là gà đồi Chí Linh và trứng gà. Theo đó, sản phẩm gà đồi Chí Linh được tiêu thụ mạnh nhất vào thời điểm tháng Chạp và tháng Giêng và chỉ tiêu thụ trên các trục đường chính Hà Hội - Hải Dương - Hải Phòng. Năm nay, dịch bệnh xảy ra đúng đợt cao điểm tiêu thụ gà, trục đường chính hầu như không còn giao dịch, bà con nông dân, các chủ trại gà đang lâm cảnh thua lỗ nặng vì dịch bệnh.

UBND TP Chí Linh (Hải Dương) mới đây có văn bản gửi Sở Công thương Hà Nội đề nghị hỗ trợ tiêu thụ khoảng 650.000 con gà đồi Chí Linh đến kỳ xuất bán, tương đương khoảng 1.625 tấn, do bị dồn ứ, ách tắc bởi dịch Covid-19.

Cùng với đó, nhiều Mạnh thường quân trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook,.. lên tiếng kêu gọi mọi người hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gà đồi Chí Linh và trứng gà cho nông dân vùng dịch. Nhiều DN bán lẻ tại Hà Nội cũng tham gia chiến dịch giải cứu.

Siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, đang hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của các hợp tác xã trong vùng dịch Covid-19, trong đó có tỉnh Hải Dương.

Trước mắt, hệ thống Co.opmart dự kiến sẽ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại 10 điểm do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hỗ trợ tại Hà Nội. Một số sản phẩm nông sản của các tỉnh trong vùng dịch đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, nguồn gốc sẽ được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị.

Còn theo Central Group, hiện nay DN này đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong hệ thống, khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần. MM Mega Market (Việt Nam) đã có văn bản cam kết ngày 18/2/2021 về hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, đặt mua 24,3 tấn rau quả/ ngày từ Hải Dương (bao gồm su hào, cải bắp và ổi). Đồng thời, sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam. Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.

Hàng hóa nông sản từ Hải Dương đã lên kệ hàng tại Trung tâm MM.

Kết nối các DN phân phối lớn

Chia sẻ với những khó khăn trong tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương, đại diện Bộ Công thương cho biết, thời gian qua đã nỗ lực kết nối các DN phân phối lớn phối hợp với các địa phương (qua Sở Công thương) thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn gặp khó khăn về thị trường. Các hệ thống siêu thị vào cuộc nhanh chóng, chung tay chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Hải Dương.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, Bộ đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đặc biêt, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số vướng mắc khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) của một số địa phương vùng đang có dịch (đặc biệt là tỉnh Hải Dương) và các tỉnh giáp ranh. Việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương.

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Hải Dương, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu. Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng…vv, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 7 tháng 2 năm 2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và trong thị trường xuất khẩu được.

Nói về những khó khăn này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, những vướng mắc nêu trên đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Theo ông Hải, nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nông sản tại các địa phương có dịch Covid-19, không để ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, đại diện Bộ Công thương cho biết, đang tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng tại thị trường trong nước và quốc tế.

Sáng 23/2, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam tổ chức phát động Chiến dịch “Chung sức cùng người dân tiêu thụ nông sản”, nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thời gian triển khai chiến dịch từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3/2021. Trong đó, tập trung cao điểm từ ngày 24/2 đến 5/3.

Đây là chiến dịch nằm trong Chương trình “Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19” do Hội CTĐ Việt Nam triển khai tại 13 tỉnh/thành phố có ca nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng, gồm: Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Hà Giang, Điện Biên, Hải Phòng, Hưng Yên.

Đối tượng được hưởng lợi là hộ nông dân thuộc vùng dịch có nông sản cần tiêu thụ, người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông sản vùng dịch vẫn chờ 'giải cứu'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO