NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh: Cha tôi dạy con bằng cách nêu gương

HẢI NHI (thực hiện) 08/12/2022 08:42

Ngay sau khi UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen bộ phim "Hoa nhài" - bộ phim của NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh được chọn chiếu khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI - năm 2022, PV chuyên đề Tinh hoa Việt đã có cuộc trò chuyện với vị đạo diễn này. Ông chia sẻ về nỗi nhớ làm phim, về một vài kỷ niệm của “Bao giờ cho đến tháng mười” được CNN bầu chọn là phim châu Á hay nhất mọi thời đại… Và khi nhắc tới người cha - GS Đặng Văn Ngữ, điều ông tiếc nuối là cha không được xem những bộ phim của ông sau này. Bởi khi Đặng Nhật Minh lựa chọn điện ảnh, GS Đặng Văn Ngữ băn khoăn lắm, người cha ước mơ con trai mình nếu không đi theo y khoa thì cũng phải trở thành phiên dịch Nga văn giỏi. Nhưng cuộc sống lại vốn nhiều bất ngờ…

“Ngoài làm phim tôi chẳng biết làm gì”

NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh.

PV: Thưa đạo diễn, với ông niềm hạnh phúc lớn nhất là được làm phim, ở tuổi 84, bộ phim “Hoa nhài” đã minh chứng cho điều đó. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Đạo diễn ĐẶNG NHẬT MINH: Tôi nghỉ hưu lâu rồi, có lẽ “Hoa nhài” là bộ phim cuối cùng. Phim khởi quay lúc tôi 81 tuổi và công chiếu khi tôi ở tuổi 84. Bộ phim gần nhất tôi làm là “Đừng đốt”, tới nay đã 10 năm rồi. Thấy tôi buồn, bạn bè và những người thân hùn tiền cho tôi làm phim. Cuộc đời tôi không có gì hạnh phúc bằng đi làm phim, được sống trong không khí phim trường, với đoàn làm phim gồm các anh em cùng chung chí hướng mỗi người một việc, vì một mục đích cuối cùng là bộ phim. Với lại, ngoài làm phim ra tôi cũng chẳng biết làm gì cả (cười).

Ông tự viết kịch bản cho phim “Hoa nhài”?

- Tôi chọn truyện ngắn của mình để viết kịch bản, và hơn nữa là phù hợp với số tiền làm phim. Truyện ngắn “Hoa nhài” tôi viết cách đây lâu rồi. Tôi thường viết truyện ngắn trước, sau đó có dịp thì làm phim.

Khi làm phim ông cũng nổi tiếng khó tính với việc lựa chọn kịch bản, vì vậy ông luôn tự viết những kịch bản cho phim của mình?

- Câu hỏi làm tôi nhớ tới câu chuyện, một hôm tôi đang ngồi uống nước chè trong quán nước ven đường ở ngã tư Hàn Thuyên - Hàng Chuối thì tình cờ gặp ông Vũ Hoàng Địch - nhà nghiên cứu triết học văn học Hán Nôm, bạn thân của ông cậu tôi, nhà sử học Nguyễn Hồng Phong. Ông Địch hỏi han công việc của tôi. Tôi tâm sự với ông Địch là tôi định từ bỏ điện ảnh. Tôi không thể làm phim theo những kịch bản viết sẵn. Ông Địch cười bảo tôi: Thì cậu viết lấy mà làm. Tôi hỏi lại: Nhưng viết gì bây giờ? Ông Địch nói: Viết cái gì cậu thích. Truyện ngắn “Thị xã trong tầm tay” của cậu tớ vừa đọc trên báo Văn nghệ. Cái đó làm phim được. Đấy là cinéma chứ còn gì nữa.

Tôi giật mình nhận ra một lẽ rất giản đơn, đã không thích cái người ta viết thì hãy tự viết lấy xem sao. Viết không được hãy từ giã cái nghề này. Việc gì phải vội. Đến bây giờ tôi vẫn thầm cảm ơn ông về lời khuyên trong quán nước hôm ấy.

Đó là vào năm 1981, năm đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của tôi. Bộ phim "Thị xã trong tầm tay” ra đời đã làm mọi người hết sức bất ngờ. Năm 1983, phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại TPHCM và đã nhận được giải Bông Sen Vàng. Tại Liên hoan phim này, phim tài liệu “Nguyễn Trãi” của tôi cũng nhận được giải Bông Sen Bạc cho thể loại phim tài liệu. Đúng là một năm may mắn của tôi.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng (trái) trao Bằng khen cho NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn bộ phim “Hoa nhài”, có nội dung đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Tương tự, “Bao giờ cho đến tháng mười” cũng do chính tay ông viết kịch bản và được công chiếu năm 1984. Bộ phim gặt hái được nhiều giải thưởng và chiếu tại nhiều nước trên thế giới. Năm 2008, bộ phim được CNN bầu chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại. Như ông từng nói: Tôi không bao giờ lặp lại mình, cũng không a dua theo trào lưu nào cả. Cảm xúc của chính tôi dẫn dắt cho tôi làm phim. Quan trọng nhất là cảm xúc chân thật, không giả dối. Vậy “Bao giờ cho đến tháng mười” được dẫn dắt như thế nào?

- Tôi bắt tay viết kịch bản “Bao giờ cho đến tháng Mười” xuất phát từ nỗi đau của gia đình tôi, từ nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh. Đó là những điều đã có sẵn trong tôi, không cần phải tìm kiếm đâu xa cả. Chỉ cần tìm hình thức thể hiện nữa thôi. Một lần ngồi trú mưa trên đê, trong quán nước ven đường ở huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc cũ, tôi nhìn thấy dưới cánh đồng xa xa, một đoàn người lầm lũi đi trong mưa. Khi đoàn người đến gần tôi nhận ra đó là một đám tang.

Theo sau chiếc kiệu có bốn người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt một đứa con trai chừng 7 tuổi. Bà con trong quán cho biết chồng chị là bộ đội đi B, hy sinh đã lâu, nhưng bây giờ người ta mới báo tin cho gia đình biết và làm lễ rước hương hồn người chiến sĩ về yên nghỉ tại nghĩa trang của làng. Còn anh đang nằm ở đâu trên chiến trường miền Nam, đến bây giờ không ai biết. Người phụ nữ chít khăn tang đi dưới chiều mưa hôm ấy chính là chị Duyên sau này trong bộ phim “Bao giờ cho đến tháng mười”… Vượt qua một vài rắc rối, bộ phim được khán giả trong cả nước đón nhận hết sức nồng nhiệt. Không những thế nó còn nhận được mối thiện cảm rất lớn của khán giả nước ngoài. Có lẽ đây là một phim truyện đầu tiên của Việt Nam đến được với công chúng ngoài biên giới sau năm 1975.

Gần đây ông có viết truyện gì mới không?

- Không, gần đây chân tay tôi yếu rồi. Quan trọng nhất với tôi bây giờ là giữ gìn sức khỏe.

Là một đạo diễn, điều gì thôi thúc ông đến với văn chương?

- Tôi viết văn lâu rồi, tôi có một tập truyện ngắn “Ngôi nhà xưa” được in ở NXB Trẻ. Tôi viết là do thích, chứ tôi xác định làm đạo diễn điện ảnh chứ không trở thành nhà văn. Hơn nữa tôi viết để dành cho những kịch bản điện ảnh của mình, chứ không có ý định phấn đấu trở thành nhà văn. Tôi quan điểm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, mình làm điện ảnh cho tròn đã mệt rồi.

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh trong ngày công chiếu “Hoa nhài” khai mạc LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI.

Ông đã gửi sự ưu ái Hà Nội qua nhiều bộ phim chạm đến trái tim khán giả như: "Hà Nội mùa đông năm 46", "Mùa ổi", "Đừng đốt". Và đến “Hoa nhài” - được lấy cảm hứng từ nếp sống thanh lịch của người Hà Nội xưa. Nhưng ngày nay những nét hào hoa, thanh lịch Hà Nội đang mai một dần, vậy theo ông phải làm gì để gìn giữ những giá trị làm nên Hà Nội đó?

- Tôi không ưu ái nơi nào khi làm phim, có điều với Hà Nội - một thành phố tôi có nhiều trải nghiệm, nên tôi chọn nơi này cho những tác phẩm của mình. Còn gìn giữ cái hay, cái đẹp của mảnh đất Tràng An, tôi nghĩ câu hỏi này cần đặt cho những người có trách nhiệm với thành phố, chứ tôi chỉ là một công dân bình thường mà thôi.

“Có đứa con trai nối nghiệp nghề y chắc chắn là không thành rồi”

Cha ông từng băn khoăn, thậm chí rất buồn khi ông chọn con đường điện ảnh?

- Đúng là như vậy, tôi sinh ra trong một gia đình không có mối liên hệ gì với nghệ thuật. Cha tôi là một nhà khoa học - GS Đặng Văn Ngữ. Cha tôi không nói ra nhưng tôi biết ông buồn lắm. Cái mộng mà ông ấp ủ từ lâu: Có đứa con trai nối nghiệp nghề y chắc chắn là không thành rồi. Có lần ông than thở với em gái tôi rằng ông buồn vì thấy tôi không có một nghề nghiệp để có thể có một niềm say mê thực sự. Bởi sau 18 tháng học tập ở Liên Xô, tôi cùng các bạn trở về nước với cái vốn tiếng Nga đủ để làm một cán bộ phiên dịch. Năm đó tôi vừa tròn 19 tuổi.

Cha tôi ước mơ tôi trở thành một phiên dịch Nga văn giỏi, nhưng tôi cũng chỉ được tổ chức phân công công việc dịch lời thoại tại cơ quan Phát hành phim và Chiếu bóng Trung ương. Dù vậy, đó lại là sự tình cờ đã đưa tôi đến với điện ảnh. Hồi ấy, 99% phim chiếu trong nước là phim Liên Xô và phim các nước XHCN Đông Âu.

Tôi phải dịch lời thoại của các phim đó từ tiếng Nga ra tiếng Việt để các cán bộ biên soạn thuyết minh soạn thành các bản thuyết minh đọc tại các rạp. Để bù lại cho sự chán ngán đó, tôi bắt đầu để ý đến môn nghệ thuật mới mẻ này, đặc biệt sau khi dịch lời thoại của những bộ phim: “Đàn sếu bay”, “Người thứ 41”, “Bài ca người lính”, “Chủ nghĩa phát xít thông thường”, “Người cùng thời đại”... đã để lại cho tôi những ấn tượng rất sâu đậm.

Chính là nhờ có cái vốn tiếng Nga mà tôi đã tự học được rất nhiều trong nghề điện ảnh, tìm hiểu sâu về môn nghệ thuật này. Từ đó tôi xác định, nếu số phận đã gắn chặt tôi với điện ảnh thì hãy tiến thân theo con đường này vậy - con đường điện ảnh . Hành trình đến với điện ảnh của tôi kể ra thì dài và gian truân lắm. Nhưng có lẽ đó là số phận. Năm 1965 một sự tình cờ đến với tôi. Năm đó trường Điện ảnh có hai khóa tốt nghiệp: khóa biên kịch và khóa quay phim (không có khóa đạo diễn). Các học sinh phải làm phim tốt nghiệp.

Một nhóm gồm các học sinh biên kịch và quay phim mời tôi làm đạo diễn cho phim tốt nghiệp của họ. Đó là bộ phim tài liệu “Theo chân người địa chất”. Tôi bắt đầu thử sức mình, vận dụng những kiến thức đã học được qua sách vở, dồn hết tâm huyết cùng các bạn trẻ làm bộ phim này. Tôi hồi hộp mời cha tôi xem. Xem xong, ông nói với tôi: Thôi được. Con đi theo con đường điện ảnh cũng được. Nhưng chỉ nên làm phim tài liệu khoa học. Rõ ràng cha tôi chẳng có ấn tượng gì đối với thể loại phim truyện.

Cha tôi biết rằng năm đó tôi đã 27 tuổi, cái tuổi nếu không được vào đại học thì cũng không thể lông bông mãi với cái nghề phiên dịch. Tôi đâu có ngờ bộ phim “Theo chân người địa chất” là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của tôi và cũng là sáng tác duy nhất của tôi được cha tôi chứng kiến.

Kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất về người cha của mình?

- Một vật mà đến nay tôi vẫn giữ, đó là chiếc kính hiển vi nho nhỏ bằng một gang tay, nhưng có đủ cả ống kính, gương phản chiếu và bộ phận điều chỉnh tiêu cự. Cái kính hiển vi đó là món quà cha tôi đem về cho tôi, với hoài bão tôi sẽ đi theo con đường khoa học. Vâng, nếu cuộc đời không có những sự bất ngờ thì có lẽ bây giờ tôi đã là một bác sĩ, một nhà nghiên cứu y học nối nghiệp cha tôi.

Theo ông truyền thống gia đình tác động như thế nào tới mỗi con người? Là một nhà khoa học, chắc hẳn GS Đặng Văn Ngữ phải dạy dỗ con cái rất khắt khe?

- Tuy được sống gần cha, nhưng cha tôi không bao giờ hỏi han công việc của tôi, cũng không khuyên bảo dạy dỗ điều gì. Có lẽ ông muốn dạy dỗ tôi bằng cuộc sống miệt mài tận tụy với khoa học và nhân cách của chính mình. Ông là một tấm gương cống hiến cho khoa học, cho sức khỏe nhân dân, ông say mê với những công việc đó. Tâm huyết của ông cho con cái nhìn vào đó mà làm theo. Đúng là tất cả những gì cha làm đã tác động đến con người tôi. Đó, cách dạy con cái của cha tôi là nêu gương từ chính bản thân mình, lấy cuộc sống của mình ra làm gương cho con cái, để các con cái học tập, noi theo.

Nói về truyền thống gia đình, bà ngoại tôi có 6 người con rể: GS Nguyễn Hồng Phong, kỹ sư canh nông Nguyễn Văn Thao (nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ), Trung tướng Cao Văn Khánh, nhà nghiên cứu dịch thuật Lê Xuân Ninh, và cha tôi: bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Trong gia đình còn có các bác sĩ: Tôn Đức Lang, Nguyễn Thị Ngọc Toản, nhà xã hội học Nguyễn Phước Tương và nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Ngọc Trai, đều là các dì, các cậu của tôi. Mỗi lần giỗ tết tất cả nhà sum họp trên gác ba ngôi nhà tập thể 16A Hàn Thuyên. Những lúc ấy, gương mặt bà tôi rạng rỡ trong một niềm vui pha lẫn tự hào. Bà tôi tự hào là phải, bởi cũng hiếm có một mái nhà nào hội tụ đông đủ những con người như vậy. Và họ đều âm thầm dạy dỗ tôi bằng chính cuộc sống của mình, bằng nhân cách và phẩm giá của mình.

Vợ và con gái có ủng hộ ông làm phim không?

- Con gái tôi đã góp tiền hỗ trợ tôi làm bộ phim “Hoa nhài”. Đặc biệt, với bộ phim “Mùa ổi”, đó là vào khoảng cuối năm 2001 tại LHP Việt Nam lần thứ XIII tổ chức ở TP Vinh (Nghệ An), phim “Mùa ổi” của tôi nhận được Giải Bông Sen Vàng. Đây là Bông Sen Vàng thứ 3 của tôi trong điện ảnh. Ngoài hai giải thưởng ở Locarno (Giải Don Quichote của Hiệp hội Quốc tế các Câu lạc bộ điện ảnh và Giải của Ban Giám khảo trẻ), “Mùa ổi” còn nhận được một số giải thưởng quốc tế khác nữa như: Giải đặc biệt của Hiệp hội phê bình phim quốc tế tại LHP Oslo (Na Uy) năm 2001, Bằng khen đặc biệt tại LHP Namur (Bỉ) năm 2000, Giải NETPAC tại LHP Rotterdam (Hà Lan). Có được những thành công trên, trước hết tôi muốn nhắc đến hai người đã giúp tôi rất nhiều từ khi đặt bút viết những dòng kịch bản đầu tiên cho đến khi phim được thu nhạc, hòa âm. Đó là vợ tôi Nguyễn Phương Nghi và con gái tôi Đặng Phương Lan. Con gái tôi tuy lúc đó đang học Y ở Hungary nhưng đã đóng góp cho tôi rất nhiều nội dung cụ thể trong kịch bản. Trên phần mục lục của phim có tên vợ tôi là biên tập âm nhạc và tên con gái tôi là người biên tập kịch bản. Tôi chưa khi nào có nhiều kỷ niệm đến thế với những người thân trong gia đình.

Một cảnh trong bộ phim “Hoa nhài” được quay tại xã Cần Kiệm (Thạch Thất, Hà Nội).

Bản sắc dân tộc vừa thuộc về tác phẩm, vừa thuộc về người nghệ sĩ

Đến bây giờ, nhìn lại những thành tựu đạt được, ông nhớ gì về bộ phim truyện đầu tay của mình?

- Một hôm tôi được giám đốc gọi lên giao kịch bản “Những ngôi sao biển” chuyển thể theo vở kịch nói của nhà văn Nguyễn Khắc Phục (Phục hồi đó còn làm thợ máy ở Công ty vận tải biển Hải Phòng, bắt đầu viết văn, có truyện ngắn đầu tay “Hoa cúc biển” đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội, được mọi người chú ý). Kịch bản nói về các thủy thủ vận tải đường biển vận chuyển vũ khí từ Hải Phòng vào sông Gianh để tiếp tế vũ khí đạn dược cho chiến trường miền Nam.

Tôi háo hức nhận ngay kịch bản không chút đắn đo vì biết rằng như vậy là mình chính thức được công nhận là đạo diễn chính rồi, không khác gì được cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp đạo diễn điện ảnh.

Trước khi bắt tay vào làm phim tôi cầm giấy giới thiệu của xưởng phim về Cảng Hải Phòng thâm nhập thực tế vì tôi chẳng có chút kiến thức gì về vận tải đường biển cả. Tôi theo tàu vận tải đi từ Hải Phòng vào sông Gianh chuyên chở gạo tiếp tế cho Khu IV, ra ra vào vào không biết bao nhiêu chuyến cho đến khi Mỹ thả thủy lôi phong tỏa không đi được mới thôi.

Đến khi Mỹ ngừng ném bom ở miền Bắc tôi lại theo các tàu phá lôi đi giải tỏa đường biển từ Hải Phòng vào sông Gianh. Trở về xưởng, tôi sửa chữa nâng cao kịch bản trên những thực tế thu nhặt được qua các chuyến đi đó. Bộ phim quay rất vất vả vì nhiều anh chị em trong đoàn không chịu được say sóng. Phim hoàn thành xong, không để lại tiếng vang gì (cười).

Nổi tiếng là một đạo diễn “tự học”, tự mày mò tạo lối riêng cho mình. Phim của ông luôn tạo được ấn tượng bởi “xem là thấy Việt Nam”. Theo ông, bản sắc dân tộc trong nghệ thuật nói chung, và trong một tác phẩm điện ảnh nói riêng là gì?

- Thiết nghĩ nó không phải là một hóa chất để có thể đem ra mà phân tích rạch ròi như trong phòng thí nghiệm. Theo quan niệm của tôi, bản sắc dân tộc trong sáng tác là một sự cảm nhận, đôi khi còn là vô thức về những điều mình muốn thổ lộ trong phim. Tôi nghĩ rằng, bản sắc dân tộc nằm ngay trong tư tưởng, tâm hồn của mỗi người nghệ sĩ. Nó nằm trong tục ngữ, ca dao, trong “Kim Vân Kiều”, trong “Lục Vân Tiên”, trong kho tàng văn học Việt Nam và rộng hơn là trong nền văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam suốt 4.000 năm...

Bản sắc dân tộc trong tác phẩm nghệ thuật có được còn xuất phát từ sự gắn bó, tình yêu quê hương tha thiết. Tình yêu đó sẽ cho ta cảm nhận được cái hồn dân tộc trong từng thước phim mà ta quay. Cũng đừng lầm tưởng rằng khi có một nội dung tốt thì tác phẩm ắt có bản sắc dân tộc.

Đã từng có biết bao nhiêu bộ phim được làm ra với nội dung tư tưởng tốt, phục vụ kịp thời những nhiệm vụ chính trị, nhưng trong đó lại thiếu vắng số phận con người, sự rung động của người nghệ sĩ. Bản sắc dân tộc chỉ có thể có ở những tác phẩm chạm được tới thân phận của dân tộc, thông qua những số phận cụ thể. Điều đó được chứng minh rõ nhất trong văn học cũng như điện ảnh.

Như vậy, bản sắc dân tộc là một phẩm chất vừa thuộc về tác phẩm, vừa thuộc về người nghệ sĩ. Nó vừa gần gũi thân thuộc, vừa lung linh mờ ảo. Hình như chúng ta chỉ có thể cảm nhận được nó mà thôi. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng nói một câu thật chí lý: “Hãy đi đến tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp được nhân loại”. Cái tận cùng của ta ấy là bản sắc dân tộc, và cái nhân loại ấy chính là cộng đồng thế giới mà chúng ta đang cố gắng hội nhập.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Huế, là con trai của GS Đặng Văn Ngữ. Ông ghi dấu với loạt phim: “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Mùa ổi”, “Thương nhớ đồng quê”, “Cô gái trên sông”, “Đừng đốt”... Ông được vinh danh tại nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: giải Thành tựu trọn đời vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Gwangju 2005, Giải thưởng Điện ảnh Hòa bình Kim Daejung năm 2013...

Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993 và nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1998. Năm 2007, đạo diễn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm: “Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Hà Nội mùa đông năm 46” và “Mùa ổi”. Ông từng là Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh: Cha tôi dạy con bằng cách nêu gương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO