'Nước mắt' đình làng

Hoàng Minh 16/12/2015 09:25

Ngày 15/12, Sở VH-TT Hà Nội đã phối hợp với Group Đình làng Việt, Kênh truyền hình 3N-VTC16 đã tổ chức buổi hội thảo “Đình làng xứ Đoài, những điều còn mất”. Những câu chuyện, trăn trở liên quan đình làng một lần nữa lại được nêu ra.

'Nước mắt' đình làng

Công tác tu bổ, tôn tạo đình Cam Thịnh mắc nhiều sai phạm.

Sửa là hỏng?

Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho hay, hiện nay ở Hà Nội có khoảng 400 di tích xuống cấp cần phải được sửa chữa. Chúng ta thấy rằng trong chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, trước đây có chương trình mục tiêu chống xuống cấp của di tích. Thế nhưng đến giai đoạn này cũng không còn nữa. Trong thời gian tới Sở VH-TT Hà Nội đã có đề xuất với UBND TP duy trì một kế hoạch chống xuống cấp với các di tích.

Từ năm 2005 đến nay, nhiều ngôi đình ở xứ Đoài được đồng loạt trùng tu. Đây là điều đáng mừng, kịp thời cứu những ngôi đình đang xuống cấp. Thế nhưng, bên cạnh đó rất nhiều ngôi đình sau khi trùng tu xong đã để lại hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng trong Luật di sản văn hóa.

Gần đây là đình Cam Thịnh (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) khi lợp mái đơn vị thi công đã định dùng gạch để thay lớp ngói lót. Cũng liên quan đến việc lợp ngói ở đình Cam Thịnh, những đã dùng gạch vữa để tạo đường cong cho mái đao, thay bằng phải lớp các lớp ngói mỏng. Ở đình Quang Húc, những thanh dép hoành đã bị đặt sai, đúng ra nó phải vuông góc với mặt đất để đỡ hoành thì dép hoành lại vuông góc với thanh kẻ.

Tại một số đình sau khi trùng tu thì các mảng chạm khắc đã bị thừa ra, hoặc để sai lệch so với ban đầu như đình Phùng, sau khi trùng tu mảng chạm rồng ở hậu cung bị đặt ngược. Đặc biệt là trong khi trùng tu có những cấu kiện, thành phần kiến trúc cổ tuy còn tốt đã không được sử dụng lại, thay vào đó là những thành phần được làm mới với tay nghề non kém và thậm chí sai lệnh về số đo, chất liệu như ngói lợp, các mạng chạm và chân tàng…

Tất cả các hiện tượng trên phản ánh việc kiến thức, trình độ và quan trọng là tâm của người làm công tác quản lý và liên quan tới tu bổ còn thiếu và rất kém, nếu không nói quá là không có kiến trúc về trùng tu thì mới để xảy ra tình trạng di tích trùng tu như chúng tu thấy ở trên.

Theo GS. Trần Lâm Biền: “Sai lầm căn bản là ở chỗ những nhà làm quản lý quên mất một chức năng nghiên cứu khoa học. Nếu không hiểu biết về di sản văn hóa, thì sẽ không thể nào tu bổ cho tử tế được. Trong những đình làng, chùa phải hiểu thực tế cuộc sống của con người xưa và nay là tại sao chúng ta phải bảo vệ nó? Làm thế nào để các giá trị di sản luôn tồn tại trong ý thức mỗi người dân? Chúng ta nhận thức được thì khó có khả năng sai lầm”.

Ngoài ra, một trong những lý do nhiều chuyên gia phân tích là hiện nay theo quy định thì các di tích đã được xếp hạng thuộc quyền quản lý của Nhà nước mà đã được phân cấp, chính vì lẽ đó khi di tích bị hư hại thì người dân không được tự ý thực hiện công việc tu sửa, hoặc nếu muốn tu bổ thì phải thực hiện đúng trình tự thủ tục, qua nhiều cấp. Nếu người dân tự ý làm thì sẽ sai Luật Di sản.

Một tình huống khá phổ biến, đó là di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh hoặc cấp Bộ, thì đương nhiên việc tu bổ tôn tạo là do các đơn vị cấp trên thực hiện. Việc tu bổ, chỉnh trang, xây mới, hoặc phá bỏ người dân địa phương không được tham gia, đóng góp ý kiến, hoặc nếu được tham gia chỉ là nửa vời…

Chính vì vậy mà nhiều di tích khi trùng tu xong người dân thấy rất xa lạ, trùng tu xong các đơn vị thi công rút đi để lại hậu quả dột, nứt, biến dạng di tích mà không được sửa chữa kịp thời – đình Hương Canh, đình Ngọc Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là các ví dụ tiêu biểu. Như vậy, hiện nay cần phải rà soát lại các quy định trong công tác quản lý và tu bổ di tích tích, trong đó cần chú ý đến vấn đề giám sát của người dân, để người dân cùng tham gia.

Bảo tồn theo hướng nào?

Trước những bất cập tại các di tích xứ Đoài, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam cho hay: “Trước mắt phải làm được 2 việc cơ bản. Một là tăng cường vai trò của Nhà nước về di sản văn hóa. Tức làm sao Luật Di sản Văn hóa được thấm sâu vào đời sống xã hội nhằm nâng cao được nhận thức của nhân dân đối với các giá trị di sản. Thứ 2, chúng ta phải thực sự tôn trọng cộng đồng. Hơn cả là trả lại di sản về cộng đồng để cộng đồng thực hiện quyền được tiếp xúc, hưởng thụ và quyết định thái độ của mình với di sản văn hóa. Và chỉ có như thế chúng ta mới huy động được nguồn lực của xã hội, nguồn lực của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa”.

Còn theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân: “Hiện này có một tình trạng là không trùng tu không bảo tồn thì chết dần dần, mà còn trùng tu là chết hẳn đi. Đây là tình trạng chung trên thế giới và chỉ có một vài nước thành công. Ngành trùng tu theo tôi phải có một chiến lược quốc gia phát triển với một công nghệ bảo tồn, trùng tu theo từng đặc điểm di tích, văn hóa của riêng từng địa phương. Chúng ta đang thiếu một công nghệ trùng tu phù hợp với di sản văn hóa dẫn đến càng trùng tu càng hỏng”.

Cũng theo ông Quân, văn hóa Việt Nam từ thế kỷ 19 trở xuống là văn hóa làng. Văn hóa làng đã bị nhầm lẫn là văn hóa dân gian. Và văn hóa dân gian có một đặc điểm là được thay đổi, văn chương truyền miệng, nhiều tác giả, không cần bản quyền… Do đó, phải nhìn lại 90% di sản ở làng phải được coi là nghệ thuật cổ điển mới có thái độ trùng tu đúng.

Có thể thấy, những ngôi đình làng đã tồn tại từ lâu đời này qua đời khác nhau, là dấu ấn sâu đậm của biết bao thế hệ, mỗi ngôi đình là một bảo tàng, nó gắn bó mật thiết với cộng đồng, chính vì vậy công việc bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị của đình làng trách nhiệm phải thuộc về người dân gắn bó với nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Nước mắt' đình làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO