Nước Mỹ dưới thời ông Obama: Mạnh lên hay yếu đi?

Khánh Duy 15/01/2017 08:35

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng cam kết đem tới cho nước Mỹ sự thay đổi lớn, và khi ông chuẩn bị rời nhiệm sở, đất nước mà ông dẫn dắt suốt 8 năm qua đúng là đã rất khác trước. Hàng loạt thay đổi về xã hội, nhân khẩu học và công nghệ đã diễn ra trên toàn nước Mỹ dưới thời ông Obama, cũng như sự thay đổi quan trọng trong chính sách và dư luận.

Tổng thống Barack Obama trong chiến dịch tranh cử năm 2008
với nền tảng là mang tới sự thay đổi trên toàn nước Mỹ. (Nguồn: Reuters).

Hãng công nghệ Apple cho ra mắt mẫu iPhone đầu tiên đúng thời điểm ông Obama tổ chức chiến dịch tranh cử năm 2007, và ông tuyên bố lựa chọn cấp phó của mình- Joe Biden- trên một nền tảng mạng xã hội lúc bấy giờ mới 2 năm tuổi có tên Twitter. Ngày nay, việc sử dụng smartphone và mạng xã hội đã rất phổ biến trong xã hội Mỹ.

Sự xuất hiện của vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ từng làm dấy lên hy vọng rằng mối quan hệ sắc tộc ở nước này sẽ được cải thiện, đặc biệt trong cộng đồng người da đen. Nhưng trong năm 2016, sau hàng loạt cái chết của người dân Mỹ gốc Phi trong các cuộc biểu tình và đụng độ với cảnh sát, nhiều người dân Mỹ - đặc biệt là người da đen- đã mô tả mối quan hệ này là khá tồi tệ.

Nền kinh tế Mỹ nhìn chung đã ở trong trạng thái tốt hơn là thời kỳ hậu Đại suy thoái, sự kiện khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm và nhà ở, và buộc ông Obama phải thúc đẩy một gói kích thích lên tới 800 tỷ USD ngay sau khi vào Nhà Trắng. Tình trạng thất nghiệp sau đó đã giảm từ 10% hồi cuối năm 2009 xuống còn dưới 5% trong năm 2016; chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ ngày nay vẫn phải đối diện với nhiều thách thức: Tầng lớp trung lưu của nước này vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi bất bình đẳng thu nhập đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1928 đến nay.

Việc ông Obama trở thành Tổng thống đã nhanh chóng vực lại hình ảnh của nước Mỹ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, nơi mà chính quyền Tổng thống George W. Bush đã để lại ấn tượng không tốt đẹp sau cuộc chiến của Mỹ ở Iraq.

Năm 2009, ngay sau khi ông Obama nhậm chức, người dân ở nhiều quốc gia đã thể hiện lòng tin tăng lên nhanh chóng vào khả năng của Tổng thống Mỹ trong việc đưa ra quyết định đúng đắn trong các vấn đề quốc tế. Nhưng dù duy trì được ảnh hưởng tốt đẹp đối với phần lớn cộng đồng quốc tế, vẫn có một số ngoại lệ, trong đó có Nga và một số quốc gia Hồi giáo quan trọng. Và bản thân người dân Mỹ cũng trở nên thận trọng hơn với các vấn đề quốc tế.

Và như một truyền thống thường thấy, Tòa án Tối cao đã khởi dậy nhiều cuộc chiến pháp lý trong nhiệm kỳ của ông Obama, và trong năm 2015, họ đã đảo ngược một lệnh cấm lâu năm đối với kết hôn đồng giới, hợp pháp hóa các tổ chức của người đồng tính trên toàn quốc. Ngay cả từ trước khi Tòa án này đưa ra phán quyết lịch sử của mình, đại đa số người dân Mỹ đã nói rằng họ ủng hộ hôn nhân đồng giới.

Vị thế nước Mỹ

Việc ông Obama nhậm chức Tổng thống dường như ngay lập tức tăng cường vị thế của nước Mỹ trên toàn cầu, sau khi chính quyền Bush bị sa lầy trong các cuộc chiến ở Trung Đông. Bản thân người dân Mỹ, tuy nhiên, lại trở nên nhạy cảm hơn với các vấn đề quốc tế dưới thời ông Obama.

Tại Đức, sự tín nhiệm đối với nước Mỹ đã tăng gấp đôi sau khi ông Obama đắc cử. Ở Anh, niềm tin vào Tổng thống Mỹ tăng từ 16% (thời Bush) năm 2008 lên tới 86% năm 2009. Không chỉ ở khu vực Tây Âu, tầm ảnh hưởng tích cực của ông Obama còn khiến Mỹ tăng cường vị thế của mình đối với nhiều quốc gia trong khoảng thời gian từ năm 2007-2009.

Nước Mỹ còn lấy lại được vị thế của mình đối với châu Phi và nhiều phần của Mỹ Latin trong nhiệm kỳ 2 của ông Obama. Nhưng ở một số khu vực khác, nước này lại gặp ít nhiều rắc rối. Mối quan hệ với Nga đã giảm kể từ năm 2014, trong khi với các nước Hồi giáo cũng tương tự. Hàng loạt các hành động của nước Mỹ dưới thời ông Obama, như các vụ không kích bằng máy bay không người lái, chương trình do thám lãnh đạo nước ngoài và các hình thức tra tấn thời kỳ hậu 11-9…đã gây tiếng xấu trên toàn cầu.

Chính từ nguyên nhân trên, người dân Mỹ ngày càng trở nên không chắc chắn về vị thế của họ trên thế giới. Tỷ lệ người dân Mỹ nói rằng đất nước họ chỉ cần giải quyết các vấn đề trong nước và để các nước khác tự lo chuyện của họ đã tăng tới 11% kể từ đầu năm 2010 đến nay.

Cộng đồng người dân Mỹ cũng ngày càng lo ngại hơn về việc Mỹ tham gia ngày càng nhiều vào nền kinh tế toàn cầu và các thỏa thuận thương mại quốc tế. Gần một nửa người dân Mỹ nói rằng việc nước họ tham gia hội nhập nền kinh tế toàn cầu là điều tồi tệ bởi nó khiến giảm thu nhập và mất đi công ăn việc làm. Chỉ một số ít người cho rằng đó là điều tốt, có thể mang tới cho Mỹ các thị trường mới cùng cơ hội tăng trưởng.
Quan điểm của người dân Mỹ đối với các thỏa thuận thương mại cũng trở nên gay gắt hơn, đặc biệt trong khoảng thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Có đến một nửa người dân Mỹ nói rằng ngày nay đất nước họ đã suy yếu đi và không có một vị lãnh đạo mạnh mẽ như trước kia, dù phần lớn vẫn tin rằng Mỹ là nền kinh tế và sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới.

Đa dạng sắc tộc và tôn giáo

Nhân khẩu học ở nước Mỹ không thay đổi quá nhanh, mà nhiệm kỳ của ông Obama chỉ là một chương trong câu chuyện dài kỳ và sẽ còn tiếp diễn ngay cả sau khi ông rời nhiệm sở.

Sự đa dạng của đất nước này hiện rõ rệt hơn bao giờ hết. Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử, đa số trẻ em mới sinh ở Mỹ là người da màu hoặc người thiểu số. Cùng năm đó, có 12% đám cưới được tổ chức ở nước này là cặp đôi khác sắc tộc. Rõ ràng nhất có lẽ là trong kỳ bầu cử Tổng thống tổ chức tháng 11/2016, khi 1/3 số cử tri hợp lệ tham gia bỏ phiếu là người Mỹ gốc Phi, gốc Latin, châu Á, hoặc người thiểu số; phản ánh đúng sự đa dạng ngày càng tăng trong cộng đồng người dân Mỹ kể từ năm 2008.

Làn sóng thay đổi nhân khẩu học ở Mỹ đã ảnh hưởng tới cả hai chính đảng, nhưng theo cách rất khác nhau. Cử tri đảng Dân chủ nhiều người da màu hơn, ít theo tôn giáo hơn và được giáo dục tốt hơn, trong khi cử tri đảng Cộng hòa đang già đi nhanh chóng. Giáo dục, đặc biệt, đã trở thành yếu tố gia tăng khác biệt trong những năm gần đây, khi những sinh viên ra trường thường lựa chọn đảng Dân chủ, còn những người có bằng cấp thấp hơn Đại học thường ủng hộ đảng Cộng hòa.

Chia rẽ chính trị trỗi dậy

Tỷ phú Donald Trump đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong kỳ bầu cử vừa qua, trở thành người đầu tiên vào Nhà Trắng mà không có kinh nghiệm về quân sự hay chính trị. Tuy nhiên, sự chia rẽ chính trị ở Mỹ không phải bắt nguồn từ chiến dịch trnah cử hay hậu tranh cử, mà đã nảy sinh từ trước đó rất lâu, bất chấp nỗ lực hòa giải của ông Obama.

Chia rẽ giữa hai đảng xét theo mức độ đánh giá tín nhiệm về hoạt động của Tổng thống, giờ đã ở mức cao nhất trong suốt 6 thập kỷ qua, và các lãnh đạo của đảng này thường bị đảng còn lại đánh giá rất thấp. Ví dụ, chỉ có 14% đảng viên Cộng hòa tín nhiệm ông Obama trong lúc ông còn nhiệm kỳ, so sánh với 81% bên phía đảng Dân chủ.

Đạo luật chăm sóc sức khỏe mà ông Obama ký quyết định thi hành năm 2010- Obamacare- được cho là động thái gây chia rẽ nhất giữa hai chính đảng. Khoảng ¾ đảng viên Dân chủ phê chuẩn đạo luật này, trong khi 85% đảng viên Cộng hòa bác bỏ nó. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát súng đạn cũng là yếu tố gây chia rẽ dưới thời của ông Obama, trong khi đảng Dân chủ cho rằng cần phải thắt chặt quyền sở hữu súng, còn đảng Cộng hòa bảo vệ quyền sở hữu súng.

Cuộc cách mạng công nghệ được coi là thành công lớn dưới thời ông Obama.

Cách mạng công nghệ và mạng xã hội

Trong khi nhân khẩu học nước Mỹ thay đổi khá chậm dưới thời Obama, thì thay đổi về công nghệ lại đặc biệt nhanh. Trong thiên niên kỷ mới, các cuộc cách mạng công nghệ lớn đã diễn ra trong các lĩnh vực như kết nối băng thông rộng, tỷ lệ sử dụng mạng xã hội và sự chấp nhận công nghệ di động. Cả ba lĩnh vực này đều phát triển mạnh mẽ dưới thời ông Obama.

Vào thời điểm năm 2015, hơn 2/3 người dân Mỹ sở hữu một chiếc smartphone, tức cao gấp 6 lần so với thời điểm ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Khi hãng Apple lần đầu cho ra mắt thiết bị máy tính bảng iPad đầu tiên trong nửa nhiệm kỳ đầu của ông Obama, khoảng 3% người dân Mỹ đã mua và sở hữu thiết bị này; và đến cuối năm 2015, ½ người dân Mỹ sở hữu iPad.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng là một lĩnh vực phát triển nhanh đến nỗi trở thành một dấu ấn của chiến dịch tranh cử của ông Obama năm 2008, thời điểm chỉ có khoảng 1/3 dân số Mỹ sử dụng mạng xã hội. Với sự trỗi dậy của Facebook, Twitter và nhiều ứng dụng khác, mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút được đến ¾ người lớn ở nước Mỹ vào thời điểm cuối năm 2015.

Bản thân ông Obama cũng đóng vai trò thúc đẩy sự trỗi dậy của các đoạn video kỹ thuật số trong chính trị, chia sẻ các bài phát biểu hàng tuần của ông trên tài khoản Youtube của Nhà Trắng. Vào cuối nhiệm kỳ hai của ông Obama, Youtube đã trở thành một “người khổng lồ” truyền thông với hơn 1 tỷ người dùng.

Năm 2008, chỉ có một số lượng rất ít người dân Mỹ cho biết họ nhận thông tin mới qua mạng xã hội hay smartphone, hoặc các thiết bị di động khác. Nhưng đến năm 2016, 6/10 người dân Mỹ nói rằng họ nắm bắt thông tin mới qua mạng xã hội và 7/10 nói rằng họ nhận thông tin qua các thiết bị di động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Mỹ dưới thời ông Obama: Mạnh lên hay yếu đi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO