Nuôi cá trên những dòng suối

Văn Dân 29/04/2021 09:00

Người dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết, nuôi cá trong khe đá, vụng nước là cách hiệu quả để có thu nhập. Không chỉ là khe nước tự nhiên, mà bà con còn mở rộng ra, rào chắn cẩn thận, nên thu nhập càng cao.

Cá chày mắt đỏ được nhiều hộ dân nuôi ở suối, hiệu quả kinh tế cao.

Một người dân trong xã cho biết, ông có duyên với nghề nuôi cá này. Một lần đi thăm bạn ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, ông thấy người dân ở đây nuôi cá trong suối rất nhiều, ít chi phí chăm sóc, lại dễ bán. Khi trở về, từ nguồn nước ở khe suối gần nhà chảy quanh năm, ông đã bắt tay vào nuôi cá.

Ông lựa chọn khe đá rồi đào 4 ao thả cá với tổng diện tích lên tới 5.000 m2. Giữa vụng khe đá làm ao, ông làm thêm đường dẫn nước từ suối về. Cá giống được ông mua từ các trang trại giống, gồm cá rô phi đơn tính, chép, trắm cỏ, trôi... nên chất lượng giống luôn được đảm bảo.

Ở xã Sín Thầu, người dân nuôi cá hoàn toàn bằng cỏ voi, lá chuối, ngô và sắn xay nhuyễn, không dùng cám viên hay cám công nghiệp. Vì vậy, chất lượng cá thương phẩm ở đây luôn bảo đảm được yếu tố sạch, thịt săn chắc, được rất nhiều người dân trong và ngoài vùng ưa chuộng.

Có hộ gia đình một năm thu được hơn 200 triệu đồng từ việc nuôi cá tận dụng dòng chảy của suối.

Còn tại tỉnh Khánh Hòa, nơi mà bao đời người Raglai, người T’rin chỉ biết bắt con cá suối, săn con nhím, con cheo nay bỗng xuất hiện những trang trại nuôi cá có “quốc tịch” tận châu Âu, châu Úc. Đó là câu chuyện đổi đời ở xã Sơn Thái, Khánh Phú huyện miền núi Khánh Vĩnh.

Tới khu vực núi Đá Tây, bên dòng suối Sê Oóc (xã Sơn Thái), thăm trang trại nuôi cá nước lạnh Khánh Vĩnh, ai cũng thích thú. Giữa bốn bề núi rừng, mấy chục hồ cá lớn, nhỏ với 6.000m2 mặt nước để nuôi cá tầm, cá mú tuyết nhìn rất bề thế.

Theo người phụ trách kỹ thuật của trang trại thì cá mú tuyết là loại cá hạng sang, chuyên sống nước lạnh bên Úc, vậy mà đưa sang đây vẫn sống ngon lành. Trang trại này còn nuôi xen cả cá tầm. Cá ở đây tăng trưởng nhanh hơn cá nuôi trên Đà Lạt. Cá tầm ở Đà Lạt nuôi từ 15 đến 18 tháng mới xuất bán được, nhưng ở đây chỉ nuôi 12 tháng là cá đã đủ trọng lượng đưa ra thị trường.

Còn tại xã Khánh Phú, bên dòng Yang Gang uốn lượn, trại cá hơn 1ha nằm tựa mình vào đồi Treo (xóm Mới) khung cảnh cũng thật thú vị. Trại cá như lọt vào một thung lũng, xa khu dân cư, nhưng lại gần suối, với diện tích 10.000m2 mặt nước. Bắt đầu từ năm 2018 cá được mùa, sinh trưởng tốt và cho thu nhập cao. Hiện nay, mỗi kg cá bán tại nguồn là hơn 200.000 đồng, mỗi tháng xuất bán khoảng 10 tấn.

Người nuôi cá cho biết, để có được thành quả ngày hôm nay, bà con đã trải qua rất nhiều khó khăn. Lúc mới thả giống, mọi thứ thuận lợi, cá lớn nhanh. Nhưng ở vụ đầu, khi đến độ chuẩn bị xuất bán (mỗi con từ 1,6 kg - 1,7 kg) thì tự nhiên lăn ra chết hàng loạt. Người nuôi cá bị sốc. Nhưng nếu dừng lại thì mọi tâm huyết coi như tan thành mây khói. Cuối cùng lại gom góp làm lại và rồi rút kinh nghiệm nên những vụ sau đều cho kết quả tốt.

Nuôi cá ở suối khó nhất là không may gặp lũ bất chợt. Lúc ấy, thật hết sức khó khăn để bảo vệ được đàn cá không bị tràn ra. Vì thế, trong mùa mưa, người nuôi cá phải thay phiên nhau “trực chiến”, nếu mưa to, nước lên thì lập tức phải báo cho mọi người để cùng lo.

Những con suối thì ngàn đời vẫn thế, nhưng nếu có quyết tâm, có đồng vốn, học hỏi được kinh nghiệm và kỹ thuật thì việc nuôi cá ở đây sẽ đem lại nguồn thu nhập lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi cá trên những dòng suối

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO